11/08/2020 17:45
Nếu chọn điện một giá, hoá đơn tiền điện sẽ tăng hay giảm so với biểu giá bậc thang?
Điện một giá chỉ có lợi trong trường hợp hộ gia đình sử dụng từ 750 kWh điện trở lên (phương án 2A), còn phương án 2B, chọn điện một giá, hộ gia đình luôn phải trả cao hơn so với điện bậc thang.
Bộ Công Thương đang dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới phục vụ mục đích sinh hoạt, dự thảo đề xuất 2 phương án lựa chọn.
Phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc, giảm 1 bậc so với cách tính giá điện hiện hành.
Đáng chú ý là phương án 2 với sự xuất hiện của “điện một giá” được đề xuất nhiều vào thời gian qua. Theo đó, phương án 2 gồm cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá, được chia làm hai lựa chọn là 2A hoặc 2B.
Điện một giá chỉ có lợi trong trường hợp hộ gia đình sử dụng từ 750 kWh điện trở lên (phương án 2A). Ảnh: EVN. |
Bộ Công Thương nhấn mạnh ở phương án 2, người dân được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Vậy nếu chọn điện một giá thì tiền điện mỗi hộ gia đình phải trả hàng tháng là bao nhiêu, so với biểu giá bán lẻ điện 5 bậc thì số tiền phải trả nhiều hơn hay thấp hơn?
Phương án 2A: Điện một giá có lợi khi sử dụng từ 750 kWh trở lên
Phương án 2A: Điện một giá có lợi khi sử dụng từ 750 kWh trở lên. |
Phương án 2A, 5 bậc của giá điện bán lẻ được chia như sau:
Bậc 1 (0-100 kWh) bằng 90% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Bậc 2 (101-200 kWh) bằng 108%. Bậc 3 (201-400 kWh) bằng 141%. Bậc 4 (401-700 kWh) bằng 160% và bậc 5 (từ 701 kWh) bằng 274% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.
Giá bán lẻ điện một giá cho khách hàng lựa chọn trong phương án này là 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Hiện Bộ Công Thương quy định mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh. Như vậy, điện một giá trong phương án 2A được tính 2.703 đồng/kWh.
Giả sử, một hộ gia đình sử dụng 100 kWh điện mỗi tháng, nếu chọn tính giá điện 5 bậc, hộ này phải trả 168.000 đồng. Nếu chọn điện 1 giá, tiền điện phải trả trong tháng là 270.000 đồng, tức cao hơn gần 100.000 đồng so với giá điện bậc thang.
Nếu một hộ gia đình sử dụng 200 kWh điện, tiền điện phải trả là 370.000 đồng theo cách tính bậc thang và 540.000 đồng theo điện một giá. Trường hợp này điện một giá tiếp tục cao hơn điện bậc thang 170.000 đồng.
Nếu hộ gia đình sử dụng 400 kWh điện, theo cách tính giá điện bậc thang, mỗi tháng hộ phải trả 896.000 đồng. Nhưng nếu chọn điện một giá thì phải trả 1.081.000 đồng, tức điện một giá vẫn đắt hơn bậc thang 185.000 đồng.
Nếu hộ gia đình sử dụng 700 kWh điện, hộ này phải trả 1.790.000 đồng (cách tính bậc thang). Còn tính 1 giá sẽ là 1.890.000 đồng. Tức xài mức cao đến 700 kWh/tháng thì tính theo điện 1 giá vẫn đắt hơn cách tính bậc thang 100.000 đồng.
Nếu sử dụng 800 kWh điện, tính theo cách tính bậc thang, hộ phải trả 2,3 triệu đồng, theo 1 giá thì sẽ trả 2,16 triệu đồng.
Như vậy khi xài số lượng rất lớn thì trả tiền điện theo cách tính 1 giá mới rẻ hơn cách tính bậc thang. Cụ thể, điện một giá chỉ có lợi với các hộ gia đình sử dụng nhiều điện, cụ thể từ 750 kWh trở lên.
Phương án 2B: Điện một giá trả phải trả tiền cao hơn
Phương án 2B: Điện một giá trả phải trả tiền cao hơn. |
Ở phương án 2B, điện một giá được tính bằng 155% so với giá bán lẻ bình quân, tức tương đương khoảng 2.889/kWh (phương án 2A là 2.703 đồng/kWh).
Trong khi đó, giá điện từ bậc 1-4 không thay đổi so với phương án 2A, nên các hộ gia đình chọn tính điện một giá sẽ thiệt thòi hơn so với điện bậc thang.
Tại phương án 2B, điểm khác biệt lớn là giá điện bậc 5 (từ 701 kWh trở lên) được tính chỉ 185% so với giá bán lẻ điện bình quân (phương án 2A đến 274%).
Do đó, nếu hộ gia đình sử dụng 800 kWh điện, hộ này phải trả 2,135 triệu đồng (cách tính bậc thang) và 2,311 triệu đồng (điện một giá).
Tại phương án 2B, nếu khách hàng sử dụng nhiều điện thì chọn cách áp giá bậc thang sẽ có lợi hơn so với điện một giá.
Phương án 1: Giá điện 5 bậc sẽ tiết kiệm hơn cách tính hiện nay nhưng mức tiết kiệm không nhiều
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đưa ra phương án 1, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện 5 bậc. Theo đề xuất tại phương án này, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được rút từ 6 bậc đang áp dụng xuống còn 5 bậc.
Cụ thể, biểu giá điện 6 bậc hiện nay là bậc 1 (0-50 kWh), bậc 2 (51-100 kWh), bậc 3 (101-200 kWh), bậc 4 (201-300 kWh), bậc 5 (301-400 kWh) và bậc 6 (401 kWh trở lên).
Biểu giá điện 5 bậc theo đề xuất là bậc 1 (0-100 kWh), bậc 2 (101-200 kWh), bậc 3 (201-400 kWh), bậc 4 (401-700 kWh) và bậc 5 (từ 701 kWh), tức giống biểu giá điện 5 bậc của phương án 2A và 2B như đã đề cập ở trên.
Tương ứng các bậc là 90%, 108%, 141%, 160% và 168% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Ưu điểm của cách tính này là gộp 100 kWh điện đầu tiên vào thành 1 bậc, đồng thời, điều chỉnh giãn cách chỉ số của từng bậc tháng, nhất là từ bậc 3 và kéo giãn lên lên mức 701 kWh.
Giả sử, hộ gia đình sử dụng 100 kWh điện/tháng, hộ này phải trả 168.000 đồng (cách tính 5 bậc) so với 174.000 đồng (cách tính 6 bậc), tức tiết kiệm 6.000 đồng.
Trường hợp hộ dùng 400 kWh điện/tháng, cách tính giá 5 bậc hộ sẽ trả 895.000 đồng, trong khi cách tính 6 bậc thì số tiền phải trả là 923.000 đồng, tức tiết kiệm được 28.000 đồng.
Nếu sử dụng 700 kWh mỗi tháng, hộ gia đình phải trả 1,79 triệu đồng theo biểu giá 5 bậc và 1.812.000 đồng theo biểu 6 bậc, tức tiết kiệm được 22.000 đồng.
Cách tính giá điện theo biểu 5 bậc được xem là thuận lợi hơn cho những hộ sử dụng ít điện, nhất là 100 kWh trở xuống và nhiều hộ không phải chịu khung giá điện cao nhất khi chỉ vượt 400 kWh.
Tuy nhiên, thay đổi biểu giá điện xuống 5 bậc thì tiền điện phải trả của mỗi hộ gia đình trong tháng cũng không thay đổi nhiều so với cách tính 6 bậc hiện nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp