09/10/2019 11:27
Nếu bạn đầu tư 1.000 USD vào Google 10 năm trước, bây giờ bạn có bao nhiêu tiền?
Sau 21 năm phát triển, Google đã trở thành một cái tên phổ biến trong xã hội, ngoài ra cổ phiếu của nó cũng thuộc hàng top cao nhất trên thế giới.
Theo tính toán của CNBC, nếu đầu tư 1.000 USD vào cổ phiếu Google năm 2009 và giữ đến nay, số tiền này sẽ tăng lên thành hơn 4.800 USD tính tới ngày 2/10/2019 - tương đương mức lợi nhuận khoảng 400%. Cùng thời gian này, chỉ số S&P 500 chỉ tăng hơn 250%. Google chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2004. Cổ phiếu này hiện giao dịch quanh mức 1.200 USD/cổ phiếu.
Hiện tại, Google thuộc công ty mẹ Alphabet. Thay đổi này diễn ra vào năm 2015 khi công ty này tái cấu trúc và các mảng kinh doanh đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác bên cạnh công cụ tìm kiếm.
Tăng trưởng cổ phiếu Google (nay thuộc công ty mẹ Alphabet qua các năm - Nguồn: CNBC. |
Ngày 4/9/1998, 2 người bạn Larry Page và Sergey Brin đã gặp nhau ở một trường đại học tại Stanford và cùng nhau thành lập một công ty nhỏ chuyên tìm kiếm trên mạng internet. Với dịch vụ có tên gọi Backrub - chuyên thu thập thông tin trên các trang web và xếp hạng lại chúng, sau đó 2 nhà sáng lập đổi tên công cụ tìm kiếm của mình thành Google.
Ban đầu, Brin và Page vận hành Google trong một gara chật hẹp ở Menlo Park, California. Nhưng tới mùa xuân năm 1999, họ đã chuyển tới một văn phòng tốt hơn ở Palo Alto, California. Google lại chuyển văn phòng một lần nữa vào năm 2004, tới một khu tổ hợp văn phòng tại Mountain View, California - hiện được gọi là Googleplex.
Nếu như vào năm 1998, Google được tạo ra chủ yếu là một khối thông tin chung, dễ phân tán, dễ sử dụng hơn thì bây giờ công cụ tìm kiếm này đã trở thành một "động từ" thông dụng và có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Năm 1999, Google đạt doanh thu năm 220.000 USD. Nhưng chỉ 4 năm sau đó, con số này tăng lên gần 1 triệu USD, trở thành "công ty công nghệ tăng trưởng nhanh nhất Bắc Mỹ", theo xếp hạng Technology Fast 500 năm 2004 của Deloitte.
Năm 2006, công ty mua lại nền tảng video YouTube lớn nhất thế giới, cùng với hệ điều hành Android được sử dụng hầu hết trên các smartphone, Google đã trở thành một hiện tượng "bá chủ" toàn cầu. Sau đó, công ty mẹ Alphabet được thành lập vào năm 2015 tiếp tục phát triển vượt bậc bằng cách tạo ra những chiếc xe tự lái, tìm ra cách chữa bệnh ung thư và xây dựng các thành phố thông minh.
Hai người đồng sáng lập Google - Larry Page (trái) và Sergey Brin, tại trụ sở của Google năm 2003 - Ảnh: Getty Images. |
Tăng trưởng nhanh chóng của Google mở ra cánh cửa cho công ty này bước vào các lĩnh vực khác. Năm 2001, Page và Brin đã thuê Eric Schmidt về làm CEO để giúp công ty phát triển. Dưới sự điều hành của Schmidt, Google nhanh chóng mở rộng hoạt động sang các mảng khác ngoài mảng công cụ tìm kiếm cốt lõi.
Năm 2003, công ty này cho ra mắt chương trình quảng cáo AdSense giúp các website hướng tới người dùng mục tiêu. Đầu tư vào lĩnh vực quảng cáo đã mang lại lợi nhuận lớn cho Google. Hiện tại, 85% tổng doanh thu của công ty này vẫn đến từ công nghệ quảng cáo.
Năm 2005, Google mua lại nền tảng di động thông minh Android và một năm sau đó, thâu tóm nền tảng chia sẻ video YouTube. Công ty này cũng mua Motorola Mobility vào năm 2011 để dấn thân vào lĩnh vực sản xuất điện thoại. Tổng cộng, Google đã mua lại hơn 200 công ty. Tới năm 2010, trung bình mỗi tháng, công ty này lại thâu tóm một công ty khác.
Sundar Pichai - CEO hiện tại của Google - Ảnh: Getty Images. |
Dưới sự điều hành của Schmidt, Google IPO vào ngày 19/8/2004, huy động được 1,67 tỷ USD với giá 85 USD/cổ phiếu. Đây là một trong những IPO công nghệ lớn nhất tại Mỹ, không chỉ giúp Google huy động được vốn mà còn thu hút sự chú ý và tăng thêm người dùng mới.
Mùa thu năm 2015, hãng công nghệ khổng lồ quyết định tái cấu trúc, lập công ty mẹ với tên gọi Alphabet. Việc tái cấu trúc giúp công ty này phân tách những mảng kinh doanh đang có lãi với những mảng thử nghiệm. Đây cũng là một cách để vừa bảo vệ các nhà đầu tư, vừa duy trì đổi mới, sáng tạo. Cùng năm đó, Sundar Pichai, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của Google, trở thành CEO.
Việc tái cấu trúc đã mang lại thành công cho Google. Tới năm 2018, việc thành lập Alphabet đã giúp cổ phiếu công ty tăng hơn 85% và doanh thu của các mảng kinh doanh khác (ngoài Google) của Alphabet tăng trưởng gần 50% mỗi năm.
Những thách thức của Google suốt 21 năm qua
Thách thức lớn nhất mà công ty, nhà quảng cáo kĩ thuật số lớn nhất thế giới đang phải đối mặt chính là sự chỉ trích về các phương pháp thu thập dữ liệu người dùng trên diện rộng để nhắm vào các mục tiêu quảng cáo của mình. Tiếp theo đó là hàng loạt thông tin sai lệch chạy tràn lan trên YouTube, các vấn đề đạo đức trong việc phát triển AI cho quân đội Mỹ và những nỗ lực đưa công cụ tìm kiếm trở lại thị trường Trung Quốc.
Không chỉ bị người dùng lên án mà thậm chí các nhân viên của công ty cũng đang phản ứng dữ dội với cách làm việc của Google. Bob O'Donnell, một nhà phân tích của Technalysis Research cho biết: "Khi mà một công ty đã đạt đến một ngưỡng trưởng thành khổng lồ, thì sẽ tạo ra một sức mạnh kiểm soát khủng khiếp. Đây có phải là thứ mà một công ty nên có hay không?"
CEO Sundar Pichai của Google. |
Hàng loạt scandal về Google đang nổ ra liên tục, một trong số đó là cùng với Facebook và Twitter lạm dụng nền tảng để phát tán thông tin, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Đầu tháng này, Google cho biết đã xóa 58 tài khoản liên kết với Iran để cố gắng can thiệp vào các cuộc tranh luận dư luận trên nền tảng YouTube và các dịch vụ khác của mình
Hay các các vụ bê bối về quyền riêng tư cá nhân như email trên Gmail đã bị bên thứ 3 đọc trộm, "gã khổng lồ" còn bị tố theo dõi vị trí người dùng ngay cả khi mọi người đã tắt tính năng lưu lại lịch sử vị trí trên điện thoại của mình. Thế nhưng sau tất cả, Google vẫn tiếp tục từ chối bình luận, cũng như các đồng sáng lập Page, Brin hay CEO Sundar Pichai đều không có dấu hiệu sẵn sàng trả lời cho bất cứ cuộc phỏng vấn nào.
Đỉnh điểm nhất là vào ngày 5/9 vừa qua, Google đã khiến Thượng nghị sĩ Richard Burr tức giận khi vắng mặt trong cuộc điều trận giữa Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ và những nhà lãnh đạo của các "gã khổng lồ" công nghệ, thay vào đó là một chiếc ghế trống. Trong khi đó cả COO Sheryl Sandberg của Facebook và CEO Jack Dorsey của Twitter đều có mặt tại buổi điều trần này.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp