Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nên lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm Tết cổ truyền Việt Nam?

Dân sinh

18/01/2017 01:27

Từ những quan sát đặc điểm chung của tết ở các dân tộc, tôi nghĩ nước ta nên chuyển ngày đón Tết sang ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 Âm lịch.

Trong bối cảnh cuộc tranh cãi về việc "giữ" hay "bỏ"Tết cổ truyềnchưa có hồi kết, độc giả Phạm Mạnh Hà gửi cho Kiến Thức một bài viết nêu quan điểm nên lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm Tết cổ truyền Việt Nam. Xin được giới thiệu bài viết này như một góc nhìn mang tính tham khảo:

Những năm gần đây cứ đến dịp Tết là trên truyền thông lại thấy xuất hiện những đề xuất nên gộp Tết Ta (Tết Nguyên đán Âm lịch) vào Tết Tây (Tết Dương lịch). Sáng kiến này lập luận là gộp Tết như vậy sẽ đem lại lợi ích về kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, tuy nhiên sáng kiến này vẫn nhận được những ý kiến trái chiều.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, cái đáng bàn ở đây, là làm sao để chúng ta xây dựng nên một cái Tết vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa thể hiện được tinh thần hiện đại.

Có nên "gộp" Tết Ta và Tết Tây?

Định nghĩa về Tết cổ truyền thế nào cho chuẩn?

Vậy thì xin hỏi, Tết cổ truyền của một dân tộc đã được ta định nghĩa như thế nào? Trước hết chúng ta nên định nghĩa về cái Tết cổ truyền cho chuẩn đã, rồi từ định nghĩa chuẩn đó mới có đề xuất chọn ngày Tết cho hợp lý được.

Tham khảo Tết ở các nước thì thấy như sau:

Tết Âm lịch (Nguyên đán) ở phương Đông có xuất xứ là từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, khởi đầu của Tết Nguyên Đán Trung Quốc là sự tích dân làng chống lại quái thú là con niên (Niên Thú) hay đến vào dịp đầu năm Âm lịch để phá hoại gia súc, mùa màng, giết hại dân làng, đặc biệt là trẻ con.

Để bảo vệ mình, dân làng đặt thức ăn trước cửa nhà vào dịp đầu năm và sau đó, già trẻ trai gái cùng dắt nhau lên núi trốn chạy con niên. Mọi người tin rằng sau khi ăn những thức ăn đó, nó sẽ không tấn công dân làng nữa.

Về sau, dân làng nghĩ ra cách đến đêm trừ tịch (giao thừa) dán giấy đỏ ngoài cửa, bên trong nhà có ánh lửa sáng rực, đốt pháo nổ lớn, khiến con niên khiếp sợ bỏ chạy không dám quay đầu trở lại nữa.

Do đó, về sau, vào những ngày đầu năm mới, dân làng đều treo đèn lồng đỏ, dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa ra vào. Đến đời vua Nghiêu vua Thuấn, đã chọn ngày đầu năm để lên ngôi, và cùng với truyền thuyết đó mà ngày Tết ở Trung Quốc được các đời vua về sau chọn là ngày 1/1 Âm lịch.

Đêm Giao thừa ở Rome, Italia.

Còn Tết Dương lịch ở phương Tây có bắt nguồn từ đế quốc La Mã. những người La Mã hàng năm ăn mừng "Thần Mặt trời" (Feast of The SolInvictus) đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12, tức là lúc này thời tiết mùa đông đã bắt đầu chuyển sang ấm lên.

Những người cơ đốc giáo lúc đó vẫn dưới sự thống trị của đế quốc La Mã đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Đức Giêsu giáng sinh vào đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại cùng một ngày với ngày lễ "Thần Mặt trời" của người La Mã.

Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine đã bỏ đa thần giáo và theo cơ đốc. Ông này đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng "Thần Mặt trời" và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật của Đức Jesus.

Như vậy từ ngày lễ Chúa Giáng sinh 25/12 đến ngày 1/1 là khoảng thời gian thời tiết lạnh giá âm hàng chục °C ở phương Tây ấm lên, cho nên về sau ở phương Tây người ta chọn ngày 1/1 là ngày ăn mừng năm mới (Tết) sau khi vừa kết thúc lễ mừng Chúa giáng sinh là hợp lý.

Và do sự giao thoa văn hóa trong khu vực mà Tết Âm lịch và Tết Dương lịch được lan truyền ra nhiều nước lân cận, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù vậy, giữa các nước có cùng ngày Tết thì vẫn có sự khác nhau trong cách thể hiện tập tục, trong quan niệm tín ngưỡng.

Như cùng ngày Tết Âm lịch, nhưng ở Việt Nam thì Tết theo truyền thống từ nền văn minh lúa nước là khởi đầu một chu kỳ canh tác của một năm, còn ở Trung Quốc thì Tết lại có từ truyền thuyết xua đuổi con quái vật quấy nhiễu đầu năm để đón may mắn. Hay như ở Triều Tiên Tết Âm lịch thì lại có 2 phong tục: "đuổi quỉ' và "đốt tóc".

Dòng người trảy hội Đền Hùng ngày giỗ Tổ.

Để “đuổi quỉ", họ bện một người nộm bằng rơm, nhét tiền vào trong ruột, sáng sớm mồng 1 Tết đem vứt ra ngã tư đường với ý tống khứ ma quỉ, nghênh đón điều tốt lành. Tục "đốt tóc" thường được làm vào buổi chiều mùng 1, người ta đem tóc rụng thu nhặt trong cả năm ra đốt sạch, với mong ước năm mới gặp nhiều bình an và xua đuổi dịch bệnh.

Hay như cùng đón Tết Dương lịch, nhưng các nước phương Tây lại có sự khác nhau trong phong tục tập quán ngày Tết. Ngày đầu năm mới người Pháp thường cùng nhau ra đường xem hướng gió để đoán thời vận trong năm.

Người Anh thì lại có phong tục đi lấy nước đầu năm để được may mắn. Còn ở Đan Mạch, vào dịp năm mới, những người hàng xóm sẽ tới trước cửa nhà nhau và… ném bát đĩa chan chát. Nhà nào có nhiều bát đĩa vỡ trước cửa sáng hôm sau nhất sẽ gặp nhiều may mắn và chứng tỏ họ có nhiều bạn tốt.

Ngoài ra, có nhiều nước khác đón Tết không phải là ngày đầu tiên của năm mới theo Dương lịch hay Âm lịch phổ biến trên. Có thể điểm qua một số nước là:

Người dân ở Afghanistan và các nước lân cận trong khu vực đến tận tháng 3 này mới đón năm mới Nowruz truyền thống.

Tết của người Do Thái là lễ Rosh Hashanah kéo dài một ngày rưỡi trong tháng Tishri (tháng 9, tháng 10 theo Dương lịch) và để tưởng nhớ Đấng Tạo hóa.

Lào đón Tết Bunpimay thường diễn ra trong ba ngày, 13, 14 và 15/4 hàng năm.

Phần lớn các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập coi ngày 15/10 là ngày mở đầu lễ Tết Ead al-Fitr.

Như vậy, mặc dù có sự trùng hợp về thời gian Tết của các nước cùng khu vực do có sự giao thoa về văn hóa trong khu vực, nhưng về bản chất có thể thấy những đặc điểm chung là:

- Thứ nhất, Tết là một đặc trưng cơ bản của văn hóa tín ngưỡng mỗi dân tộc, do đó nó có thể không nhất thiết phải là đón ngày đầu tiên của năm mới theo Âm lịch hay Dương lịch. Tùy theo tín ngưỡng, phong tục, mà ngày Tết ở các nước có thể là ngày tháng khác trong năm.

-Thứ hai, về bản chất, ở đâu cũng vậy, Tết vẫn là ngày ăn mừng có tính chu kỳ theo năm của một dân tộc, do đó nó có tính riêng biệt của dân tộc ấy. Chẳng có ở đâu lại có cái Tết chung của các nước với nhau. Mỗi nước tổ chức Tết hàng năm trong phạm vi lãnh thổ của mình, cho nên Tết có tính cổ truyền dân tộc rất cao.

Thế cho nên, ngày Tết của một dân tộc cũng giống như ngày sinh của một con người vậy. Tuy rằng nhiều người có thể trùng ngày sinh, nhưng mỗi người vẫn ăn mừng theo đúng ngày sinh của mình, chứ không thể thay đổi ngày sinh của mình theo ngày sinh của người khác để ăn mừng cùng với ngày sinh của họ. Cho nên gộp Tết Ta vào Tết Tây sẽ làm mất đi bản chất của Tết.

Còn về vấn đề sau Tết Âm lịch người Việt sa đà vào tháng ăn chơi khiến cho năng suất lao động giảm sút, thì quả thực là đáng phải bàn.

Ở đây cần nhận thấy cái nguyên nhân của tình trạng đó là do tháng giêng là tháng lễ hội, lại được mở màn bằng Tết Âm lịch, cho nên dư âm sau ngày Tết vẫn còn lại được tiếp sức ngay bằng mùa lễ hội, làm cho người Việt đang chuếnh choáng dư vị ngày Tết lại càng dễ say sưa vui chơi lễ hội, khiến cho trên thực tế không khí nghỉ Tết của người Việt kéo dài đến hết cả tháng giêng chứ không phải là chỉ có mấy ngày đầu năm.

Như vậy là việc đón Tết Âm lịch ngay trước thềm mùa lễ hội chính là nguyên nhân gây nên "bệnh" tháng giêng là tháng ăn chơi của người Việt. Hẳn là nếu như việc đón Tết diễn ra sau mùa lễ hội, thì cái không khí Tết rất nhanh tàn, hết ngày nghỉ Tết là không còn ngày lễ hội vui chơi nữa, nên tâm lý chơi Tết sẽ được đóng lại nhanh chóng.

Và do Tết ở sau mùa lễ hội cho nên các lễ hội đầu năm sẽ không quá thu hút mọi người sa vào vui chơi, vì chưa có được Tết cổ truyền tập trung mọi người lại để mở màn.

Lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm Tết cổ truyền Việt Nam?

Nghiên cứu trong các lễ hội sau Tết thì thấy có lễ hội lớn nhất là lễ giỗ tổ Hùng Vương vào mùng 10/3 Âm lịch lại là vào thời điểm cuối mùa lễ hội.

Đây là lễ hội hướng về cội nguồn tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam, có các nét văn hóa sơ khai chính gốc người Việt của thời Hùng Vương là thời lập quốc, như bánh chưng bánh dày, trống đồng, họa tiết chim lạc hồng, y phục của nước Văn Lang riêng biệt chưa bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

Lễ hội lại diễn ra vào thời tiết thanh minh nắng ấm, là thời điểm thay đổi thời tiết tích cực nhất trong năm, hơn hẳn thời tiết đầu năm Âm lịch thường là mưa phùn gió rét chưa có sự chuyển biến tích cực rõ nét.

Xem xét mọi mặt, về tính dân tộc, về văn hóa, về thời tiết, về thời điểm,... thì tất cả đều hội tụ đủ các yếu tố để ngày giỗ tổ Hùng Vương làm ngày Tết đúng nghĩa cổ truyền của dân tộc ta, lại khắc phục được những nhược điểm của Tết Âm lịch hiện nay.

Tết là ngày đầu năm Âm lịch, nhưng lại gây dư âm hưởng thụ Tết kéo dài luôn vào mùa lễ hội gây trở ngại cho guồng máy hoạt động của đất nước. Và thời tiết Tết Âm lịch mưa phùn gió bấc bất lợi cho việc đi chơi Tết.

Trong khi nếu Tết vào 10/3 là dịp thời tiết nắng ấm thuận lợi hơn, và thực phẩm không thể tích trữ được quá lâu, làm cho người dân không phải mất nhiều thời gian tích trữ hàng Tết như Tết Nguyên đán nên không ảnh hưởng đến nhịp độ lao động, góp phần bình ổn giá cả ngày Tết.

Vậy thì từ ý tưởng đề xuất dời ngày Tết Ta gộp vào Tết Tây, từ những quan sát đặc điểm chung của Tết ở các dân tộc, thiết nghĩ nước ta nên chuyển ngày đón Tết là ngày đầu năm Âm lịch sang ngày 10/3 Âm lịch, lấy ngày giỗ Tổ Hùng Vương làm ngày Tết cổ truyền mang đậm bản sắc Việt Nam nhất, không bị quá nghiêng về bên Đông (Trung Quốc) hay bên Tây, thuận lợi cho nhịp độ lao động của cả nước.

Theo MẠNH HÀ (Kiến thức)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement