19/01/2021 07:57
Nên giữ USD hay vàng trong năm 2021?
Đồng USD đã trải qua cú trượt giá gây chấn động vào năm 2020. Tuy nhiên, biến động giá của đồng tiền này trong năm 2021 đến nay vẫn là câu hỏi lớn, gây chia rẽ giới chuyên gia.
Trong vài ngày qua, đồng USD phục hồi sức mạnh khiến thị trường vàng và Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số" - đồng loạt sa sút. Câu hỏi đặt ra là các nhà đầu tư có nên nắm giữ đồng USD trong năm 2021, sau cú trượt dốc gây chấn động hồi năm 2020.
Trên thực tế, đồng tiền Mỹ thường tăng giá trước các biến động kinh tế. Đó là kịch bản quen thuộc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. "Khi có xáo trộn, mọi người sẽ tìm đến sự an toàn. Bạn có thể tìm kiếm thứ gì ngoài đồng tiền của nền kinh tế hàng đầu?", giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Cornell bình luận.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu rơi tự do hồi tháng 3, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đổ xô vào loại tiền tệ mà họ đặt niềm tin hơn tất thảy. Đó là đồng USD. Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn vài tháng sau, đồng tiền của Mỹ trượt dốc thảm hại.
Vào ngày cuối cùng năm 2020, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã lao dốc hơn 14% so với mức đỉnh hồi tháng 3.
Giới chuyên gia chia rẽ về biến động của đồng USD trong năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Trượt dốc về dài hạn
Trao đổi với Zing, chuyên gia tài chính Jeffrey Halley của hãng tư vấn Oanda (Mỹ) dự báo đồng USD tiếp tục giảm đáng kể vào cuối năm 2021. Nguyên nhân là nợ công của Mỹ tăng nhanh và nguồn vốn đổ vào những cơ hội tăng trưởng khác trên toàn cầu khi nền kinh tế thế giới tăng tốc phục hồi.
"Với tỷ trọng của các vị thế bán đồng USD trên thị trường vào thời điểm hiện tại, cũng như lãi suất kho bạc Mỹ tăng cao hơn trong thời gian qua, đồng bạc xanh sẽ tăng giá vào tháng 2 trước khi sụt giảm trở lại", vị chuyên gia bình luận.
Một số ý kiến cho rằng đồng USD vẫn là đồng tiền thanh toán toàn cầu và dự trữ chính. Do đó, nhu cầu với đồng bạc xanh sẽ luôn tăng lên về dài hạn. Tuy nhiên, ông Halley nhận định không có cơ sở nào ủng hộ lập luận này. "Đồng USD được chi phối hoàn toàn bởi thị trường, trái với hầu hết loại tiền tệ ở châu Á. Do đó, chu kỳ mạnh, yếu của đồng USD có thể kéo dài nhiều năm", ông giải thích.
"Sức mạnh của đồng USD khó có thể phục hồi khi nền kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn, lãi suất thực của Mỹ duy trì thấp, thâm hụt ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ USD cùng những mối lo ngại về dịch Covid-19", ông Edward Moya, một chuyên gia khác tại hãng Oanda, nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đồng USD có thể mạnh lên khi chính phủ những quốc gia khác bơm tiền vào nền kinh tế. "Các tỷ giá đang biến động rất mạnh. Nhiều quốc gia tung gói hỗ trợ nền kinh tế và từ đó làm giảm lãi suất, hạ giá trị đồng tiền pháp định của nước họ. Khi đó, đồng USD sẽ mạnh lên so với những đồng tiền này", ông Hiếu nói với Zing.
Vị chuyên gia cho rằng tỷ giá VND/USD sẽ ổn định trong năm 2021. Nguyên nhân là cáo buộc thao túng tiền tệ của Mỹ đối với Việt Nam có thể tạo áp lực cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tìm cách giữ tỷ giá ổn định.
Bởi nếu tỷ giá tăng, lập luận của Mỹ cho rằng Việt Nam dùng tỷ giá để tạo lợi thế xuất khẩu sẽ càng mạnh hơn. "Tỷ giá VND/USD có thể không biến động nhiều. Như vậy, người đầu tư hoặc nắm giữ đồng USD sẽ không có lợi, nhất là những cá nhân, tổ chức kinh doanh không có giấy phép", ông nhấn mạnh.
Đồng USD trượt dốc mạnh từ mức đỉnh hồi tháng 3/2020. |
"Giá vàng sẽ biến động mạnh hơn năm 2020"
Đồng USD tăng giá trong những ngày gần đây tạo áp lực lên giá vàng. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng giá kim loại quý vẫn có khả năng leo dốc trong dài hạn.
"Lãi suất của Mỹ gia tăng sẽ khiến giá kim loại quý chịu áp lực trong ngắn hạn. Vùng 1.760 USD/ounce là mức hỗ trợ quan trọng của giá vàng. Nếu mức đóng cửa hàng tuần tụt xuống dưới ngưỡng đó, một đợt điều chỉnh sâu hơn sẽ diễn ra, đẩy giá kim loại quý xuống vùng 1.600 USD/ounce", ông Halley tại Oanda dự báo.
"Tôi vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của giá vàng, miễn là vùng hỗ trợ này được giữ vững", ông khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường vàng đang biến động mạnh với những lực đẩy trái ngược. Trước hết, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các nhà đầu tư sẽ "trốn chạy" vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Thứ hai, nếu các chính phủ trên toàn cầu tung lượng lớn tiền vào lưu thông, đẩy rủi ro lạm phát tăng cao, giới đầu tư sẽ đẩy mạnh mua vàng như một "hàng rào" chống lạm phát. Cuối cùng, nhiều quốc gia đang áp dụng chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế, khiến dòng tiền chuyển từ tiết kiệm sang thị trường vàng.
Đồng USD lao dốc giúp giá vàng hưởng lợi. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Hiếu, tình hình chính trị Mỹ rối loạn với khả năng xảy ra các vụ bạo loạn cũng là trợ lực cho giá vàng.
"Giá vàng thế giới có thể đạt 2.000 USD/ounce trong năm tới, trong khi giá vàng trong nước lên tới 58-60 triệu đồng/ounce. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần biết rằng không ai có thể dự đoán chính xác những biến động của thị trường", ông Hiếu nói thêm. "Chúng ta cần chấp nhận rủi ro đó. Thậm chí, biến động của thị trường vàng còn lớn hơn năm 2020", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng USD sụt giá cũng giúp một tài sản khác hưởng lợi. Đó là đồng Bitcoin, còn được coi là "vàng kỹ thuật số". Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo đà tăng phi lý của đồng tiền mã hóa này có thể bị chi phối bởi yếu tố đầu cơ và cảm tính của giới đầu tư.
Ông cảnh báo bong bóng Bitcoin hồi năm 2017 hoàn toàn có thể lặp lại. Bởi trên thực tế, đồng tiền mã hóa này không dựa trên bất cứ giá trị cơ sở nào.
Advertisement
Advertisement