31/01/2022 09:05
Nâng hạng thị trường là yêu cầu bắt buộc
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, thời kỳ mới, đòi hỏi phải chú trọng phát triển bền vững và phù hợp với sự phát triển của kinh tế.
Phát huy vai trò kênh dẫn vốn
Quy mô thị trường chứng khoán hiện nay đạt 123% GDP, quy mô giao dịch thị trường đạt trung bình 30.000 tỷ đồng/phiên, tài khoản của các nhà đầu tư đạt gần 4 triệu tài khoản (gần gấp đôi sau 1 năm)...
Chúng tôi nhìn nhận, thị trường chứng khoán phát triển nhờ hội tụ nhiều yếu tố, trước tiên là sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kiên định phát triển thị trường, không vì thị trường phát triển nhanh mà lơ là hoạt động quản lý, giám sát, mà luôn nỗ lực thúc đẩy thị trường nâng cao tính minh bạch cũng như chất lượng hàng hoá. Động thái xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán gần đây phần nào cho thấy điều đó.
Nhờ vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm qua là điểm nhấn đáng chú ý, chỉ số và thanh khoản tăng cao, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, trong bối cảnh dịch Covid-19 có những tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội.
Quy mô thị trường cổ phiếu 10 năm trước chỉ tương đương 23% GDP, nhưng nay đã đạt gần 123%. Khi thị trường phát triển cả về chất và lượng ở một mức độ nhất định thì sẽ phát triển bền vững.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS)
Diễn biến thị trường như vậy phù hợp với xu hướng chung. Nếu thị trường chứng khoán phát triển kém, quy mô quá thấp so với GDP cho thấy tồn tại nhiều vấn đề.
Tôi nhớ, quy mô thị trường cổ phiếu 10 năm trước chỉ tương đương 23% GDP, mà nay đã đạt xấp xỉ 123%, nhưng để phát triển tốt hơn nữa thì tỷ lệ này phải đạt 200% GDP.
Khi thị trường phát triển cả về chất và lượng ở một mức độ nhất định thì sẽ phát triển bền vững.
Hai năm qua, kinh tế khó khăn vì dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp cần vốn để duy trì và củng cố hoạt động, nhưng khó có thể vay vốn ngân hàng.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách tái cơ cấu tín dụng, nhưng doanh nghiệp vay mới rất khó, vì hoạt động kinh doanh đang trong tình trạng khó khăn, suy giảm do Covid-19 và các quan ngại rằng tác động của dịch bệnh chưa thể lượng hoá.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán đã thể hiện rõ ưu điểm, sứ mệnh là kênh huy động vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Tính riêng năm 2021, SHS đã tư vấn thành công trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 15.000 tỷ đồng, tư vấn phát hành cổ phiếu khoảng 10.000 tỷ đồng, trải dài các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ…
Có những câu chuyện rất cụ thể, trong bối cảnh khó khăn giai đoạn 2020 - 2021, không ít doanh nghiệp từ trước đến nay không dám huy động vốn cổ phần, vì sợ không thành công, thì đầu năm 2021, họ trao đổi với SHS về các quan ngại và kỳ vọng tìm ra giải pháp.
SHS với vai trò thành viên thị trường, hiểu thị trường, hiểu sự lớn mạnh của quy mô, tiềm năng của thị trường, nên không tư vấn phát hành cho cổ đông hiện hữu, mà đấu giá cổ phần ra công chúng.
Kết quả, những doanh nghiệp đó đã thành công, các cuộc đấu giá có giá cao hơn kỳ vọng. Đây là minh chứng rõ nét cho thành công về huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Kết quả này là nhờ thị trường chứng khoán lớn lên, quan điểm của nhà đầu tư về lợi nhuận và rủi ro đã khác trước.
Kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu cũng được cải thiện rõ nét. Các doanh nghiệp nếu đáp ứng những tiêu chí nhất định có thể tham gia thị trường trái phiếu để huy động nguồn vốn trung và dài hạn.
Trước đây, nguồn vốn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thương mại, vì các nhà băng có thế mạnh trong cho vay vốn lưu động, cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, việc ngân hàng huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có rủi ro về tính thanh khoản.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chiếm hơn 20% GDP. Thị trường cổ phiếu và trái phiếu giúp các doanh nghiệp đa dạng kênh huy động vốn.
Giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt 155.588 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2020. Dự báo, vốn trung hạn huy động qua thị trường trái phiếu và cổ phiếu sẽ lớn dần và trong tương lai có thể sẽ lớn hơn vốn vay ngân hàng.
Mỗi loại hình vốn có tính chất riêng, phù hợp với tính chất kinh doanh của từng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng cơ chế vốn tối ưu, an toàn hơn, phát triển kinh doanh tốt hơn.
Các ngân hàng đang có hơn 20 triệu tài khoản cá nhân, tiền gửi 5 triệu tỷ đồng, nếu thị trường chứng khoán hoàn thiện hơn, bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu sẽ tạo ra sự phát triển bền vững. Trường hợp thị trường phát triển nhanh mà chất lượng không được nâng cao có thể sẽ tạo ra khủng hoảng.
Điểm tích cực là các doanh nghiệp Việt Nam có sự trưởng thành rất nhanh, trong năm vừa qua có những doanh nghiệp phát hành cổ phiếu huy động hàng ngàn tỷ đồng, cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp, chất lượng hoạt động, uy tín hoạt động. Các doanh nghiệp có năng lực quản trị, năng lực kinh doanh tốt tham gia thị trường tài chính đem đến cho nhà đầu tư cơ hội mới và giúp dòng vốn luân chuyển tích cực, hiệu quả.
Nhìn chung, vai trò huy động vốn của thị trường chứng khoán đang ngày càng lớn và quan trọng, tạo nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán sẽ là kênh huy động vốn hữu hiệu, chia sẻ với hệ thống ngân hàng.
Nâng cao chất lượng là yêu cầu bắt buộc
Nhu cầu và tiềm năng phát triển của thị trường chứng khoán còn rất lớn. Việt Nam có gần 100 triệu dân, mới hơn 1% dân số có tài khoản chứng khoán hoạt động mà quy mô giao dịch đã đạt 2 tỷ USD/ngày.
Trước đây, thị trường phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay, nhà đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng giá trị giao dịch rất lớn.
Khi nhà đầu tư tiếp cận thị trường chứng khoán, hay công nghệ mới để mở tài khoản, giao tiếp với các nền tảng giao dịch mới đều rất cởi mở.
Đây là khác biệt của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các thị trường khác, nên dù quy mô chưa quá lớn, nhưng giao dịch lại vượt qua nhiều thị trường mới nổi, như trong ASEAN thì giao dịch của thị trường Việt Nam vượt qua thị trường Philippines, Malaysia… và tiệm cận thị trường lớn nhất trong khu vực.
Tư duy của người dân đang rất tích cực khi dần cho rằng, thị trường chứng khoán cũng là một kênh đầu tư tài sản tốt, sinh lời tốt, thay vì chỉ có một số kênh đầu tư như bất động sản, vàng. Trong năm 2022, nhà đầu tư nên quan tâm đến các ngành, lĩnh vực mà Chính phủ đang tập trung thúc đẩy nhằm phục hồi kinh tế, với mục tiêu GDP tăng 6 - 6,5% (năm 2021 tăng 2,58%).
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán thu hút đông đảo nhà đầu tư tham gia và quy mô thị trường tăng mạnh, chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nâng cao chất lượng của các tổ chức tham gia thị trường.
Hiện khối công ty chứng khoán gặp áp lực vì quy mô thị trường cũng như số lượng nhà đầu tư tăng nhanh, trong khi nhiều công ty chưa sẵn sàng cho việc này. Vốn điều lệ của đa số công ty còn nhỏ so với nhu cầu tài chính, nên tăng vốn là cần thiết để tạo ra công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định.
Bên cạnh đó, về hạ tầng công nghệ thông tin, trong năm 2021 là câu chuyện nghẽn mạng, công ty chứng khoán nào cũng bị quá tải, cần tiếp tục đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của thị trường.
Sự phát triển bền vững của các thành viên thị trường chứng khoán sẽ cấu thành sự phát triển bền vững của thị trường.
Với quy mô thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay, câu chuyện nâng hạng không phải là mong muốn nữa, mà là bắt buộc. Thị trường đã lớn, cần có cơ chế phù hợp. Nếu các vấn đề tồn tại được giải quyết sẽ tạo thêm cú huých cho sự phát triển của thị trường.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp