Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Năm nút thắt trước ngày tuyên đại án Hà Văn Thắm

Vĩ mô

28/09/2017 01:58

Nguyễn Xuân Sơn có thoát án tử hình, Hà Văn Thắm có bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, bao nhiêu cựu nhân viên Oceanbank được giảm án… là những câu hỏi chờ HĐXX phán quyết ngày 29/9.

Nguyễn Xuân Sơn là ai, vì sao bị đề nghị tử hình? Nguyễn Xuân Sơn bị bắt tạm giam năm 2015 để điều tra 3 tội tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.

Trong lời nói sau cùng tại tòa, ba cựu “thuyền trưởng” của Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) là Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu mong HĐXX cho mình được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ để không phải nhận các mức án lần lượt là tử hình, chung thân và 24-27 năm tù giam. 41 bị cáo khác từng là giám đốc các khối hội sở, giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng này cũng xin tòa điều tương tự.

Ngày mai (29/9), sau 4 ngày nghị án, TAND Hà Nội sẽ đưa ra phán quyết với Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) cùng 50 đồng phạm với 4 tội danh: Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, liên quan đến những sai phạm về kinh tế xảy ra tại Oceanbank.

Phải đối mặt với nhiều tội danh, Thắm và Sơn đều hiểu số phận của họ phụ thuộc cả vào phán quyết của HĐXX khi đề cập đến cáo buộc tội Tham ô tài sản. Cáo buộc này khiến Sơn bị đề nghị tử hình, còn Thắm là tù chung thân.

Nguyễn Xuân Sơn sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành vật giá. Năm 1984, ông được điều động về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Sau khi trải qua nhiều vị trí quan trọng ở tập đoàn, năm 2006, ông được lên ngồi ghế Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí. Hai năm sau, khi PVN rót vốn vào Oceanbank (ngân hàng của Hà Văn Thắm), ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc nhà băng này. Khi đó, ông 46 tuổi.

Năm 2010, ông Sơn rời ghế Tổng giám đốc Oceanbank trở về PVN làm phó tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực tài chính kế toán và kế hoạch chiến lược của tập đoàn. Tháng 7/2014, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN - vị trí người đứng đầu tập đoàn.

Song chỉ một năm sau đó, sếp lớn của ngành dầu khí bị bắt để điều tra nghi vấn Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Năm đó, ông Sơn 52 tuổi.

Theo tài liệu điều tra, trong giai đoạn 2008-2011, PVN (doanh nghiệp Nhà nước) đã góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank, tương đương với 20% vốn điều lệ của nhà băng. Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao với vị thế là người của PVN - đối tác chiến lược cử sang tham gia điều hành Oceanbank, đặt vấn đề với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT) về việc chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi với số tiền huy động được từ PVN.

Trong hơn 1.500 tỷ đồng mà Oceanbank chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm chuyển 246 tỷ cho Sơn - giai đoạn ông này đã rời Oceanbank về là Phó tổng giám đốc PVN và bị ông này chiếm đoạt. Cơ quan điều tra và viện kiểm sát (VKS) cho rằng trong số tiền Sơn chiếm đoạt có 20% tiền Nhà nước mà PVN góp vốn, tương ứng 49 tỷ đồng.

Với hành vi chiếm đoạt 49 tỷ này, Sơn bị VKS cáo buộc Tham ô tài sản trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 mở cuối tháng 8/2017, với khung hình phạt riêng tội danh này là tử hình.

Là một trong bốn người bào chữa cho Sơn về tội danh tham ô, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng thân chủ của ông không phạm tội, không thể lợi dụng uy tín của PVN và sự lệ thuộc của Oceanbank vào doanh nghiệp Nhà nước này để chiếm đoạt tài sản.

“Chúng tôi khẳng định điều này vì trước khi Sơn về Oceanbank, giữa PVN do ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐQT và Oceanbank do Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT đã có văn bản thỏa thuận cam kết ký ngày 8/9/2008. Thời điểm này, Sơn chưa dính dáng gì bởi đang làm trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt", ông Tâm nói.

Ông dẫn chứng Điều 4.2 của bản thỏa thuận này có cam kết bên A hỗ trợ Oceanbank về mặt tài chính, vốn phù hợp với các quy định của pháp luật đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc thành viên của bên A sử dụng dịch vụ của Oceanbank.

Ông Tâm nhấn mạnh: “Ở PVN, không ai có thể làm trái văn bản thỏa thuận cam kết đó, kể cả Nguyễn Xuân Sơn”.

Cùng bào chữa cho Sơn, luật sư Phạm Anh Tín lập luận rằng nhờ chi lãi ngoài mà Oceanbank có lợi nhuận rất lớn nên không thể nói việc này đã gây thiệt hại cho nhà băng. Vị luật sư cho rằng 246 tỷ đồng Sơn nhận của Thắm nằm trong 1.500 tỷ của Oceanbank dùng chi lãi ngoài và không thể coi đây là tài sản của Nhà nước được. “Việc quy kết như vậy là vội vàng”, ông Tín nói.

Trong phần tự bào chữa cho mình, Sơn thỉnh cầu HĐXX và VKS minh oan cho mình. Bị cáo 55 tuổi nói không thể và không hề chiếm đoạt 49 tỷ đồng của Hà Văn Thắm, Oceanbank hay PVN.

Cựu tổng giám đốc Oceanbank giai đoạn 2008-2012 thừa nhận năm 2014 (sau khi rời Oceanbank sang làm Phó tổng giám đốc PVN), ông có nhận tiền từ ông Thắm để chi chăm sóc khách hàng gửi tiền. Sơn khai dùng toàn bộ hơn 246 tỷ đồng để chi cho khách chứ không chiếm đoạt như cáo buộc.

Tuy nhiên, cho đến trước ngày tòa tuyên án, Sơn mới "chứng minh" được với HĐXX một địa chỉ nhận 20 tỷ đồng của mình là cựu Kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh. Sau khi khai nhận sử dụng tiền Sơn đưa để mua nhà, ôtô, cổ phiếu và cho con đi du học..., Quỳnh bị Bộ Công an khởi tố để điều tra tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Lý giải "đầu ra" số tiền còn lại, Sơn khai dùng để chi đối ngoại cho Tập đoàn PVN, chi khi tháp tùng các đoàn cao cấp đi công tác, biếu quà lãnh đạo..., nhưng ông ta không nêu được từng địa chỉ cụ thể nên không chứng minh được lời khai của mình là sự thật.

Trong lời nói sau cùng tại tòa, Nguyễn Xuân Sơn mong "những ai đã nhận tiền chăm sóc của bị cáo hãy bình tâm suy nghĩ một cách thấu đáo, hoàn trả lại để tâm hồn được thanh thản". Ông thỉnh cầu HĐXX xem xét để không quy kết oan sai về tội Tham ô tài sản.

Kém ông Sơn 10 tuổi, Hà Văn Thắm sinh năm 1972, quê ở Bắc Giang. Ông tốt nghiệp Đại học Thương mại, bảo vệ tiến sĩ tại Mỹ. Năm 2003, ông mua cổ phần của Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (Hải Dương) và giữ ghế Chủ tịch HĐQT nhà băng này. Ông Thắm tự nhận là người đã đưa ngân hàng trên trở thành ngân hàng nông thôn đầu tiên được phép chuyển đổi mô hình sang ngân hàng đô thị. Năm 2007, Oceanbank chính thức hiện diện với tổng tài sản hơn 13.000 tỷ đồng.

Trong lịch sử 20 năm tồn tại của Oceanbank, dấu mốc đáng chú ý nhất là sự kiện PVN ký thỏa thuận để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của nhà băng này vào năm 2008.

Giai đoạn 2011-2013, quá trình thanh tra Oceanbank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hiện một số khoản vay có dấu hiệu gây mất vốn. Trong đó có việc nhà băng cho vay sai quy định, cho vay các khoản tiền lớn không có thế chấp tài sản. Những sai phạm này được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ.

Khi Hà Văn Thắm bị bắt (tháng 10/2014), nhà chức trách xác định ông này sở hữu tới 63% vốn của Oceanbank thông qua nhiều tổ chức, cá nhân liên quan. Để có được lượng tiền gửi khổng lồ trong thời gian ngắn, ông Thắm đã chỉ đạo cấp dưới chi trả 1.576 tỷ đồng lãi tiền gửi vượt trần cho khách hàng trái quy định của NHNN.

Hầu tòa trong phiên xét xử kéo dài từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9/2017, với vai trò “đầu vụ” trong đại án Oceanbank, cựu Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm là người bị buộc tội nhiều nhất với 4 tội danh. Ông bị VKS đề nghị mức án chung thân do đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn tham ô 49 tỷ đồng của PVN.

Đứng trước vành móng ngựa tự gỡ tội cho mình, Thắm một mực kêu oan. "Bị cáo không tham nhũng được vì không phải quan chức Nhà nước. Hơn nữa, bị cáo không thể nào giúp sức cấp dưới để họ chiếm đoạt tài sản của mình", người sở hữu 63% cổ phần tại Oceanbank nói.

Thắm từng ví von ông ta bị cáo buộc giúp sức tích cực cho Sơn tham ô và chiếm đoạt tài sản "giống như việc mở một cửa hàng bán vũ khí, người chủ đã bị xử lý về hành vi bán vũ khí trái phép, còn bị quy trách nhiệm thêm lỗi để người mua súng dí súng vào đầu mình".

Bị cáo khẳng định 49 tỷ đồng mà bản thân và cựu tổng giám đốc Sơn bị cáo buộc tham ô không phải tài sản của PVN như quy kết của cơ quan công tố.

Trước khi HĐXX dừng tòa để nghị án, Thắm bày tỏ: "Nếu HĐXX cho rằng mình phạm tội thì xin hiểu hành vi đó rất mờ nhạt. Bị cáo không phải chủ thể của tội tham nhũng. Trong khung hình phạt có nhiều mức, nếu bị cáo có vai trò đồng phạm không tích cực, xin HĐXX cho được hưởng mức dưới khung. Mong tòa xem xét có cần tách bị cáo vĩnh viễn khỏi xã hội hay không".

Trong 50 bị cáo phải hầu tòa cùng Hà Văn Thắm, có 41 người từng là cán bộ Oceanbank. Họ đều từng nắm giữ các vị trí cao ở nhà băng như giám đốc các Khối ở hội sở, giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch. Những người này đang phải đối mặt với cáo buộc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đồng phạm với Hà Văn Thắm chi tiền lãi ngoài hợp đồng hơn 1.576 tỷ trái quy định cho khách hàng, giai đoạn 2010-2014.

Nhiều lần được gọi lên trình bày trước tòa, 41 người đều nói thời điểm họ vi phạm, hầu hết các nhà băng đều chi lãi ngoài và nếu Oceanbank không làm sẽ mất thanh khoản do khách hàng không gửi tiền. Việc này sẽ khiến Oceanbank không huy động được vốn và sụp đổ.

Các bị cáo nhận thức việc chi lãi ngoài là “liều thuốc” cứu ngân cứu hàng khỏi sự đổ bể. Thuộc cấp của Thắm khẳng định không gây thiệt hại cho Oceanbank.

Trong phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Thắm đề nghị HĐXX cần xác định chi lãi ngoài có phải là thiệt hại về vật chất hay không, trong khi nhiều ngân hàng khác chỉ bị xử lý hành chính về hành vi này nhưng hàng chục cấp dưới của ông lại bị xem xét về hình sự.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nga (cựu kế toán trưởng Oceanbank) khẩn cầu HĐXX và VKS xem xét lại tội danh cho mình. “Bị cáo không chỉ phải đối mặt với mức án 7-8 năm tù mà còn phải liên đới chịu trách nhiệm số tiền 175 tỷ đồng. Với đời bị cáo đây là án tử rồi, không còn cơ hội nữa", Nga nói.

Bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (cựu Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu), nói bản thân mình cùng hơn hàng chục đồng nghiệp khác phải đứng trước vành móng ngựa hôm nay “không hiểu sao bị cáo buộc về tội cố ý làm trái”. Nữ bị cáo cho rằng cáo trạng buộc mình và đồng nghiệp cố ý làm trái là không phù hợp vì mọi người không được bàn bạc, thống nhất với Chủ tịch HĐQT về chủ trương chi lãi suất.

Bào chữa cho nhóm các bị cáo này, hàng chục luật sư viện dẫn hai văn bản do hai cựu Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Văn Bình ký ban hành (chỉ thị 02 và văn bản 4605). Luật sư nói trong các văn bản này quy định những người có hành vi như các bị cáo ở đây chỉ bị xử phạt hành chính, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, trái với phân tích của luật sư bào chữa cũng như các bị cáo, bản luận tội ngày 14/9 của VKS cho rằng số tiền hơn 1.500 tỷ Oceanbank dùng chi lãi ngoài là trái quy định của NHNN về trần lãi suất huy động vốn...

“Hậu quả việc làm trái khiến tiền huy động rơi vào tay một số người có chức vụ, quyền hạn, gây lỗ lớn cho Oceanbank, phát sinh nhiều nợ xấu khiến NHNN nước phải mua nhà băng này với giá 0 đồng”, đại diện VKS đánh giá.

Từ căn cứ này, VKS đề nghị các mức án từ 3-10 năm tù với nhóm 6 bị cáo là cựu giám đốc khối hội sở, 18-39 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với nhóm 34 bị cáo từng là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch.

Tuy nhiên, tới ngày 22/9 (8 ngày sau khi công bố bản luận tội cho các bị cáo), VKS bất ngờ đưa ra một quyết định được đánh giá “hiếm hoi từ trước đến nay”. Cụ thể, VKS đề nghị HĐXX xem xét tuyên giảm án, miễn hình phạt, trả lại tài sản đã nộp để khắc phục hậu quả cho 25 bị cáo. Trong đó không có Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn.

Đáng chú ý, VKS đề nghị HĐXX tuyên miễn hình phạt với 4 bị cáo là giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank; tuyên trả lại tiền các cá nhân, nhân viên khác của Oceanbank đã nộp khắc phục hậu quả. Trong số những bị cáo được đề nghị giảm án có nữ đại gia Hứa Thị Phấn và Hoàng Thị Hồng Tứ (cựu thư ký của Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần BSC - công ty con của Thắm).

Ngoài 4 cá nhân được VKS đề nghị HĐXX tuyên miễn hình phạt, Hồng Tứ được dự đoán là người sẽ được hưởng mức giảm án đáng kể nhất trong số các bị cáo còn lại. VKS đề nghị tòa tuyên Hồng Tứ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trước đó, nữ bị cáo từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu điện ảnh.

Bà Hứa Thị Phấn (70 tuổi, quê An Giang) còn được biết đến với tên Sáu Phấn do số điện thoại có nhiều số 6. Năm 2001, bà đã tham gia lập Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển Phú Mỹ, chuyên về kinh doanh bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Công ty hiện có vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Bà cũng từng là Thành viên HĐQT Tập đoàn SSG (SSG Group) trước khi rút lui khỏi vị trí này vào tháng 10/2016 vì liên quan tới những lùm xùm trong đại án tại Ngân hàng Xây dựng. Không chỉ liên quan tới đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, bà Phấn còn là mắt xích quan trọng trong đại án của Hà Văn Thắm tại Oceanbank.

Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Thắm là chủ mưu trong vụ thâu tóm Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây Dựng), với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn cho Oceanbank.

Theo đó, đầu năm 2012, do muốn thâu tóm một số nhà băng về Oceanbank, Thắm thỏa thuận với bà Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) về việc chuyển giao ngân hàng này. Tuy nhiên, phát hiện Đại Tín có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu, Thắm tìm cách bán lại cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh, bạn của Nguyễn Xuân Sơn).

Để phi vụ chuyển nhượng thành công, Thắm chuyển cho ông Danh vay 500 tỷ đồng để dùng trả cho nhóm bà Phấn, dưới danh nghĩa hợp đồng cho vay giữa Oceanbank và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (công ty con của ông Danh). Từ tài sản không đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ này, cơ quan điều tra xác định Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng.

Bản luận tội của VKS công bố tại tòa thể hiện các bị cáo Phấn, Danh và Trần Văn Bình (Tổng giám đốc Công ty Trung Dung) đã sử dụng các tài sản không có thật hoặc chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo cho khoản vay, mục đích hợp thức hóa hồ sơ vay vốn số tiền 500 tỷ đồng của Oceanbank.

Số tiền này được Danh sử dụng vào việc thanh toán các khoản nợ của Phấn theo thỏa thuận mua lại Ngân hàng Đại Tín. Hành vi đó của các bị cáo đồng phạm với Thắm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

VKS có quan điểm Hứa Thị Phấn là người hưởng lợi toàn bộ số tiền vay, yêu cầu nữ đại gia phải hoàn trả.

Bào chữa cho bị cáo Phấn, luật sư Trương Thị Anh Thơ hỏi tại sao thân chủ của bà phải chịu trách nhiệm trả nợ cho ông Danh? "Lịch sử chưa bao giờ có chuyện người đi vay tiền không phải trả mà người cho mượn tài sản thế chấp lại phải trả nợ? Bà Phấn vừa mất tài sản thế chấp, vừa phải trả nợ, vừa phải ở tù", luật sư Thơ nói.

Ông khẳng định đó là điều phi lý và cho rằng VKS quá vội vàng trong việc kết tội cho thân chủ của mình. Suốt 20 ngày diễn ra phiên tòa, bà Phấn được tòa cho phép xét xử vắng mặt do phải đang điều trị bệnh, sức khỏe mất hơn 90%.

Một trong những diễn biến đáng chú ý qua 20 ngày xét xử đại án Hà Văn Thắm là lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch Oceanbank) về việc họ nhiều lần chi nhiều tiền “chăm sóc khách hàng” trái quy định cho lãnh đạo Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Cụ thể, Sơn khai nhiều lần đưa tiền cho kế toán trưởng, tổng giám đốc Vietsovpetro, mỗi lần 10.000-20.000 USD hoặc 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được triệu tập đến toà, ba cán bộ chủ chốt của Vietsovpetro qua các thời kỳ đều khẳng định “không nhận lãi ngoài hay lợi ích vật chất của Oceanbank”.

Ngoài Vietsovpetro, Thu còn khai tại tòa rằng trong giai đoạn là Tổng giám đốc Oceanbank đã trực tiếp chi “chăm sóc” cho lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn gần 19 tỷ đồng. Những người bị Thu tố nhận tiền là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách tài chính và kế toán trưởng. Tuy nhiên, lãnh đạo của doanh nghiệp khẳng định với HĐXX lời Thu là bịa đặt.

Hai ngày sau cuộc đối chất giữa cựu lãnh đạo Oceanbank và đại diện các đơn vị bị tố nhận tiền “chăm sóc”, tối 13/9, Bộ Công an phát đi thông báo khởi tố 3 vụ án hình sự Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Vietsovpetro; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí.

Ngoài những tổ chức có tên kể trên, trong cáo trạng truy tố của VKS nêu rõ do thời gian điều tra của vụ án đã hết, cơ quan tố tụng quyết định tách 5 hành vi có dấu hiệu phạm tội để tiếp tục điều tra, xử lý trong giai đoạn 2. Trong đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét, làm rõ các cá nhân, tổ chức kinh tế gửi và nhận các khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ các đơn vị của Oceanbank.

Hồ sơ vụ việc xác định từ 2011-2014, có hơn 51.000 cá nhân và hơn 390 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do nhà băng này chi trả.

Trong đó, nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc PVN và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) có dấu hiệu thông đồng với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank nhận lãi ngoài để hưởng lợi bất chính.

Hé lộ về quá trình điều tra, trong phiên xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm hôm 24/9, ông Đào Thịnh Cường, Phó viện trưởng VKSND Hà Nội, cho hay trong giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm, Bộ Công an sẽ làm rõ ai chiếm đoạt tiền của Oceanbank và chiếm đoạt thế nào.

Ông Ninh Văn Quỳnh là ai, vì sao vướng lao lý? Trước khi bị khởi tố về 2 tội danh cố ý làm trái và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, ông Ninh Văn Quỳnh đang là Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

QUANG ANH (Zing)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement