06/04/2017 12:19
Năm doanh nghiệp có đàn gà lớn nhất nước đưa gà Mỹ... ra toà
Năm doanh nghiệp có đàn gà trắng lớn nhất nước vừa có văn bản đề nghị bộ Công thương điều tra chống bán phá giá gà nhập khẩu. Như vậy, sau gần hai năm trì hoãn, cuộc chiến thương mại với gà nhập khẩu chính thức diễn ra.
Các doanh nghiệp và người nuôi gà hy vọng họ sẽ sớm được bảo vệ trong môi trường làm ăn bình đẳng… Liệu “gà nội” có đủ cơ sở quy kết “gà ngoại” bán phá giá?
Năm doanh nghiệp nói trên, gồm Japfa, Emivest, CJ, C.P và Bel Gà, có sản lượng ước khoảng 2 triệu con mỗi tuần, chiếm hơn 70% tổng đàn cả nước, nên đủ điều kiện đứng đơn yêu cầu Nhà nước điều tra gà ngoại bán phá giá.
Cơ sở pháp lý trong vụ này, được các doanh nghiệp này dẫn chứng là liên tục nhiều năm gần đây, sản lượng gà ngoại đưa vào Việt Nam tăng đột biến, có thời điểm bằng với sản lượng nuôi trong nước. Tuy nhiên, trong khi giá thành nuôi gà nội địa luôn ở mức khoảng 1 USD/kg, ngang ngửa khu vực và thế giới, thì gà ngoại nhập về bán lẻ tới tay người dùng cũng chừng khoảng trên dưới 1 USD.
Mức giá này, đã cộng thêm 25% thuế nhập khẩu, cước tàu, kho bãi và các chi phí khác. Như vậy, nếu gà ngoại, được bán từ nhà máy thì có giá còn rẻ hơn nữa, điều này hoàn toàn không phù hợp và doanh nghiệp cho rằng, đây là hành động bán phá giá.
Nếu bộ “động tay động chân”
Đơn đã được đóng dấu, chuyển đi. Công việc còn lại phụ thuộc vào bộ Công thương. Giới luật sư bình luận kết quả sẽ có rất nhanh một khi bộ Công thương chịu “động tay động chân”! Sau một vài tháng điều tra, nếu bộ thấy có đủ bằng chứng gà ngoại bán phá giá thì bộ có quyền ra quyết định áp thuế phòng vệ ngay lập tức. Mức thuế cao hay thấp phụ thuộc vào biên độ bán phá giá, còn thời gian áp thuế thì phải theo luật pháp quốc tế. Bước tiếp theo, doanh nghiệp và người nuôi gà sẽ tiến hành đâm đơn khởi kiện.
Theo phân tích, vấn đề cốt lõi trong vụ này, đó là chúng ta có đủ các bằng chứng để chứng minh gà ngoại bán phá giá hay không, dù thực tế ai ai cũng nhìn thấy sờ sờ gà ngoại đang rẻ phân nửa gà nội!
Giá gà ở Mỹ
Cuối tháng 3 vừa qua, người viết có dịp vào một số cửa hàng bán lẻ thực phẩm ở thành phố Boston, Mỹ. Thịt gà ở đây cũng được bán phong phú như trong các siêu thị Việt Nam. Nghĩa là, người Mỹ cũng ăn gà nguyên con, ăn đùi tỏi, ăn đùi góc tư, ăn cánh gà, thậm chí là có cửa hàng bán cả bộ phận nội tạng và chân gà… Mỗi loại có một mức giá khác nhau và giá cả không hề rẻ chút nào.
Chẳng hạn, gà công nghiệp nguyên con, bỏ đầu có mức giá 2,86 USD/pound, tương đương khoảng 120.000 đồng/kg. Đùi gà góc tư có giá 2,79 USD/pound, xấp xỉ 120.000 đồng/kg. Cánh gà có mức giá cao nhất, 4,99 USD/pound, hơn 200.000 đồng/kg.
Quang, một Việt kiều từ Việt Nam qua Mỹ làm ăn mười năm nay. Quang có công ty riêng, chuyên nhập khẩu thuỷ hải sản từ Việt Nam cung cấp cho các chợ và cửa hàng nhỏ ở nhiều thành phố trên nước Mỹ. Quang cũng mua gà nguyên con từ nhà máy, sau đó đưa về kho, thuê nhân công pha lóc, đóng gói ra từng loại để giao cho các cửa hàng, trong đó có ở thành phố Boston.
Quang nói giá nhân công ở Mỹ rất đắt đỏ nên giá thịt gà bán lẻ ở cửa hàng đã cộng thêm khá nhiều chi phí qua các tầng nấc trung gian. Một nhân công ở Mỹ có giá thuê tối thiểu là 10 USD/giờ. Nếu làm trong môi trường lạnh pha lóc, đóng gói thịt gà hay thuỷ hải sản thì người thuê phải trả 15 – 20 USD/giờ, nhưng năng suất làm việc của họ thì quá tệ chứ không như người Á châu.
Giá gà nguyên con được Quang mua tại nhà máy dao động khoảng 50 – 60cent/pound, đùi góc tư khoảng 25 – 30cent, riêng cánh gà thì đắt hơn, khoảng 1 USD/pound. Tuy nhiên, dù giá ở nhà máy rẻ như vậy, nhưng khi đưa về sơ chế, bảo quản, đóng gói phải cộng thêm khá nhiều chi phí nên bán lẻ đến tay người dùng đã đội lên gấp ba bốn lần.
“Nói nông dân Mỹ nuôi gà giá thành rẻ là đúng, nhưng nói người tiêu dùng Mỹ mua được thịt gà giá rẻ là sai”, Quang khẳng định!
High River không nói bán gà cho ai
Một ngày trước khi rời Mỹ trở lại Việt Nam, người viết được tiếp xúc với tập đoàn High River có địa chỉ ở thành phố Denver trong tiểu bang Colorado. High River chuyên kinh doanh sỉ thịt động vật và thuỷ hải sản. Doanh số năm 2016 của tập đoàn này vào khoảng 1,4 tỉ USD, trong đó mảng thịt bò, thịt heo, thịt gà chiếm 2/3. High River có ba nhà máy giết mổ gia cầm và họ nói đã bán sản phẩm đùi gà góc tư cho một số đối tác Việt Nam, nhưng không tiết lộ tên công ty nào.
Đại diện High River cũng thừa nhận giá thịt gà bán sỉ tại các nhà máy giết mổ ở Mỹ khá rẻ. Chẳng hạn, giá đùi góc tư vào cuối tháng 3.2017 dao động ở mức thấp nhất 32 cent/pound, cao nhất là 38 cent. Nếu chọn đúng thời điểm để mua, thường từ tháng 10 đến gần cuối năm là dịp có thời tiết thuận lợi, sản lượng gà xuất chuồng khá lớn nên giá đùi gà góc tư khi đó chỉ còn khoảng 20 – 22 cent/pound. Đại diện High River nói các nhà nhập khẩu từ Việt Nam cũng biết chọn đúng thời điểm để mua cho có giá rẻ.
Đó là đùi góc tư, còn phần cánh gà thì bây giờ lại có giá tới hơn 2 USD/pound, trong khi cách nay khoảng 20 năm mặt hàng này có giá chỉ từ 6 – 7 cent mỗi pound. Người Mỹ, trong vài năm gần đây đã đổi thói quen từ chỗ chỉ sử dụng ức gà, sang ăn thêm cánh gà nên High River cho hay, lượng cánh gà sản xuất nội địa không đủ đáp ứng, các doanh nghiệp như High River phải tìm thêm nguồn hàng từ Chile.
“Trước đây người Mỹ chỉ ăn ức gà, giá hơn 5 USD/pound, nay, họ ăn thêm cánh gà nữa nên giá đẩy lên trên 2 USD. Đùi và các phần còn lại của con gà, dân Mỹ không thích ăn nên có giá khá rẻ và các nhà máy sản xuất ra chủ yếu chỉ dành cho xuất khẩu!”, đại diện High River, nói.
Advertisement
Advertisement