Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Năm 2020, Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng

Doanh nghiệp

06/01/2020 19:02

Năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ.

Chiều 6/1, Hội thảo “Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” - Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020” được tổ chức lần thứ 4 tại trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Đây là một diễn đàn kinh tế với quy mô lớn, quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế ở cả 2 miền Nam Bắc để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” diễn ra thường xuyên hơn.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, trong năm 2019, trên thế giới và khu vực, tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến phức tạp với sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU… đã tạo ra sự bất định chính sách có nguy cơ tác động tiêu cực đến nền kinh tế và thương mại toàn cầu.

Do đó, xuyên suốt năm 2019, các hiện tượng trước đây được xem là bất thường của nền kinh tế toàn cầu đã xảy ra thường xuyên hơn và được biết đến như những điều “bình thường mới”. Cụ thể, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến một đường cong Phillips phẳng, cho thấy lạm phát không gia tăng nhiều khi nền kinh tế toàn dụng lao động (tăng trưởng ở mức cao).

Bên cạnh đó, đường cong lợi tức đảo ngược, điều mà trong quá khứ đã từng xảy ra vào “đêm trước” của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nay đã không còn là tín hiệu cho một cuộc khủng hoảng. Thêm vào đó, việc mức độ nhạy cảm của lạm phát đối với lãi suất giảm đi đáng kể so với giai đoạn trước cũng là một “bình thường mới”, làm giảm dư địa của chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Song hành với diễn biến “bình thường mới” toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng có nhiều chuyển đổi sang “trạng thái mới”. Theo đó, các yếu tố như nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn biến khó lường và vấn đề địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới làm gia tăng tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu và xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu. Những diễn biến trên làm cho bức tranh thương mại và FDI vào Việt Nam có những thay đổi đáng kể so với giai đoạn 2011-2016.

Năm 2019, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã tăng ngoạn mục với tỷ lệ 17,7% và vốn đăng ký FDI tiếp tục tăng trưởng khá. Vấn đề căng thẳng thương mại Mỹ-Trung phần nào có tác động đến sự dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam và hỗ trợ hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ. Như vậy diễn biến “không bình thường” của kinh tế thế giới lại góp phần tạo ra “trạng thái mới” ở Việt Nam.

Kết thúc năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao 7,02%, tương đồng với 2017-2018. Nhìn bức tranh tăng trưởng từ 2017 trở lại đây, nền kinh tế đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó.

Một mặt, đây là mức tăng trưởng ổn định, cao hơn đáng kể so với trước đây. Nhưng mặt khác, việc tạo ra sự thay đổi cho những điều bình thường trở thành thách thức lớn bởi không dễ để tạo ra cú huých mới cho một trạng thái đã ổn định. Năm 2019 cũng là năm thứ năm mà lạm phát xóa bỏ chu kỳ 2 năm cao, 1 năm thấp.

Nếu như trước đây, người Việt Nam luôn lo sợ lạm phát bùng phát, tỷ giá bất ổn trước các cú sốc thương mại, tăng giá thực phẩm hay các mặt hàng nhu yếu phẩm… thì nay lạm phát luôn được kiềm chế dưới mốc 4%, bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tăng giá thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi.

Thêm vào đó, mức thâm dụng tín dụng (được tính bằng tăng trưởng tín dụng/tăng trưởng GDP danh nghĩa) có xu hướng giảm, cho thấy dòng vốn tín dụng đã được “định hướng” vào khu vực kinh tế thực, từ đó tạo ra nhiều hơn những giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Như vậy, kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một trạng thái mới khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu.

Những hiện tượng trên là khác biệt rất tích cực, nhưng đã diễn ra lặp đi lặp lại trong 3 năm trở lại đây nên dường như đã tạo cảm giác đó là những việc “hiển nhiên”, “bình thường”. Trên thực tế, những kết quả trên có được nhờ phần lớn vào việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

“Tình trạng mới” không chỉ diễn ra trên bình diện nền kinh tế mà còn thể hiện qua hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Hơn mười năm trước đây, khi dòng vốn quốc tế chảy vào lớn đột biến sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hoạt động mua vào ngoại tệ để trung hòa tỷ giá đã phần nào tạo ra áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện mua vào ngoại tệ để trung hòa, nhằm ổn định tỷ giá nhưng đồng thời hút tiền hợp lý thông qua nghiệp vụ thị trường mở, từ đó đảm bảo lượng vốn khả dụng ở mức độ vừa phải đáp ứng nhu cầu thanh toán của các tổ chức tín dụng.

Như vậy, nghiệp vụ thị trường mở thông qua mua kỳ hạn giấy tờ có giá và phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã phát huy hiệu quả trong việc trung hòa lượng tiền đồng lớn được bơm vào qua kênh mua ngoại tệ. Kết quả là, từ năm 2016 đến nay, dòng vốn quốc tế chảy vào rất mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện mua ngoại tệ (riêng năm 2019 mua được mức kỷ lục 20 tỷ USD), tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay (gần 80 tỷ USD và gấp 6 lần năm 2011) nhưng lạm phát và kỳ vọng lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp ổn định.

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế uy tín hàng đầu Việt Nam chia sẽ tại phiên thảo luận Kinh tế Việt Nam và giữ nhịp tăng trưởng trong trạng thái “Bình thường mới”.
Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế uy tín hàng đầu Việt Nam chia sẽ tại phiên thảo luận Kinh tế Việt Nam và giữ nhịp tăng trưởng trong trạng thái “Bình thường mới”.

Hơn thế, đối chiếu với các khuyến nghị của khuôn khổ “Quản lý dòng vốn nước ngoài” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), việc Ngân hành Nhà nước thực hiện mua vào ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn phù hợp. Cụ thể, theo cách tính toán của IMF, tỷ giá hối đoái của Việt Nam đang ở mức cân bằng, kinh tế không tăng trưởng nóng và dự trữ ngoại hối cần phải tiếp tục bổ sung.

Với các dữ liệu vĩ mô như vậy, nhóm chính sách được IMF khuyến nghị là tiếp tục các biện pháp khuyến khích mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhưng không cần trung hòa hết nhằm tạo thanh khoản, giúp hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2017-2019 đã minh chứng rõ nét việc thực hiện các khuyến nghị của IMF.

Như vậy, Việt Nam không hề có dấu hiệu nào của việc dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với các đối tác thương mại cũng như không can thiệp có chủ đích để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa.  Nói cách khác, Việt Nam không liên quan đến thao túng tiền tệ.

Nhìn về tương lai 2020, PGS.TS Nguyễn Đức Trung nói rằng, xu hướng “bình thường mới” của nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp, mặt bằng giá cả trong nước cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng giá cả thấp trên thị trường quốc tế.

Lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chững lại.

Tuy nhiên, tình trạng “bình thường mới” này cũng đặt nền kinh tế Việt Nam trước các rủi ro tài chính xuất phát từ sự lạc quan quá mức về triển vọng kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng khá đồng thời lạm phát và lãi suất dài hạn kỳ vọng ở mức thấp.

Bên cạnh đó, vẫn có những thách thức trong quá trình Việt Nam phát triển vượt bẫy thu nhập trung bình như tắc nghẽn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, làn sóng phản đối toàn cầu hóa và tự do thương mại dâng cao ở các nước Bắc Mỹ, EU, và quá trình Brexit để nước Anh rời khỏi EU có nguy cơ tạo ra những cú sốc thương mại đối với một nền kinh tế có độ mở rất cao như Việt Nam.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement