30/11/2018 12:23
Na "khổng lồ" Đài Loan gần nửa triệu đồng/kg vẫn cháy hàng
Mỗi quả na Đài Loan trung bình nặng 700 - 800 gram và được bán với giá đắt đỏ gấp 10 lần na Việt Nam.
Hằng năm cứ vào thời điểm giữa tháng 11, thì người Đài Loan thu hoạch quả na. Sau đó, loại quả này nhanh chóng được xách tay về Việt Nam và được nhiều khách hàng lùng mua. Trong khi na trong nước được bày bán tại các chợ với giá chỉ 35.000-45.000 đồng một kg, na Đài Loan có giá tới 450.000 đồng/kg, đắt gấp khoảng 10 lần.
Na Đài Loan có trọng lượng lớn gấp nhiều lần so với na trong nước, hương vị ngọt ngào thơm ngon (nguồn internet). |
Chị Trang, một chủ vựa trái cây nhập khẩu tại chợ Chuồng Bò (quận 10, TP.HCM) cho biết, na Đài Loan có hai loại: na dai và na bở. Na dai có hình dáng giống quả mãng cầu gai Việt Nam, trong khi na bở không khác na Việt nhưng kích thước lớn, trung bình mỗi quả nặng từ 700 - 800 gram.
"Hiện nay, trung bình mỗi ngày tôi nhập khoảng 50 - 60 thùng na Đài Loan. Cứ nhập hàng đến đâu là hết đến đó. Thông thường muốn có na ăn khách phải đặt trước đó 1 tuần, nếu chậm trễ thì sẽ không có hàng. Mặc dù giá cao nhưng na Đài Loan rất thơm ngon nên nhiều gia đình vẫn sẵng sàng chi tiền mua về thưởng thức" - Chị Trang nói.
Đồng quan điểm với chị Trang, anh Tân (một thương lái trái cây ở chợ Cây Gõ, quận 6, TP.HCM) thành thật: "Bây giờ người tiêu dùng họ không đè nặng chuyện giá cả, chủ yếu là sản phẩm chất lượng. Bởi vì vậy mà na Đài Loan dù giá rất cao, hàng vẫn đi đều đều. Tôi bán lâu cũng rất được tí kinh nghiệm, nếu người tiêu dùng ở TP.HCM chuộng na dai Đài Loan bởi hương vị ngọt dẻo, ít gai thì khách hàng Hà Nội lại yêu thích na bở bởi vị ngọt sắc, thơm đậm đà và bùi. Trung bình một ngày tôi bán khoảng 70 kg na dai và bỏ sỉ cho thương lái ở Hà Nội khoảng hơn 100 kg na bở.".
Hiện ở Việt Nam, na Đài Loan chủ yếu được nhập qua đường xách tay với giá bán từ 300 – 450 nghìn/1kg, một thùng 9 quả có giá bán trên 2 triệu đồng, đắt gấp nhiều lần so với na Việt Nam (nguồn internet). |
Theo Ngoisao.net, tại một cửa hàng trái cây nhập khẩu trên đường Lê Thị Riêng (quận 1), na bở Đài Loan có giá 390.000 đồng/kg, na dai 450.000 đồng/kg. Chị Huyền, chủ cửa hàng, cho biết na Đài Loan được nhập về bán từ 3 năm trước và được khách hàng ưa chuộng.
"Đợt vừa rồi, cửa hàng chúng tôi đứt hàng vài hôm vì nhu cầu mua lớn mà na nhập về không kịp. Không giống các loại quả nhập khẩu khác, na Đài Loan được nhiều khách hàng mới chủ động tìm đến mua về thưởng thức chứ không chỉ có khách quen", chị Huyền nói.
Trên tay xách chiếc túi có hai quả na dai, chị Nguyễn Yến Hoa (Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ hai quả này nặng 1,6 kg có giá 720.000 đồng chị mua về để tối đãi khách quý. Theo chị Hoa, đây vẫn chưa phải là quả to nhất mà chị từng mua. Chị Hoa từng ăn thử loại na này trong lần sang Đài Loan du lịch và luôn chờ đến mùa để tìm mua về cho gia đình, bạn bè cùng thưởng thức.
Hiện na Đài Loan được bán ở TP.HCM không nhiều, chỉ vài cửa hàng trái cây nhập khẩu có bán loại quả này với số lượng ít, vì thế giá khá đắt đỏ. Đặc biệt, khách hàng muốn mua đôi khi phải đặt hàng trước khoảng 2-3 ngày mới có.
Phát biểu trên Dân Trí, TS.Vũ Văn Thoại, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm cho biết, na Đài Loan là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và vị thơm ngon rất đặc trưng. Bản thân TS.Vũ Thoại cũng đã từng trực tiếp sang thị sát và nghiên cứu loại cây trồng này.
“Nhìn chung, các giống cây ăn trái của Đài Loan chất lượng rất cao, vì họ đầu tư nhiều công sức để lai tạo. Giống na này có vỏ xanh nhạt hơn so với na Việt Nam, hương vị cũng ngọt và thơm hơn hẳn”, TS.Vũ Thoại khẳng định. Nếu vào mùa chính, giá na Đài Loan dao động từ 250 – 300.000/ 1kg, vì thế khi về Việt Nam giá đắt hơn cũng là điều dễ hiểu.
Hiện tại, theo TS.Vũ Thoại một số vùng ở nước ta cũng đã bắt đầu nhân giống và trồng loại na này tuy nhiên phải vài năm nữa mới cho thu hoạch được. “Na Đài Loan thích hợp với thổ nhưỡng của các tỉnh miền Bắc hơn là miền Nam vì Đài Loan có khí hậu cận nhiệt đới, độ ẩm cao. Hiện tại cây giống này khá đắt khoảng 300.000/cây và mới đang trồng thử nghiệm chứ chưa được nhân giống đại trà”, TS.Vũ Thoại nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp