16/10/2017 06:48
Mỹ thêm ‘luật mới’, doanh nghiệp Việt càng thêm khó
Hai thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam đưa ra quy định chống khai thác bất hợp pháp.
Từ 1/1/2018, tức chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản vào Mỹ (SIMP) sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Quy định mới này đang khiến cộng đồng doanh nghiệpxuất khẩu thủy, hải sản vào Mỹ lo lắng khi thời gian chuẩn bị thực hiện không còn nhiều và nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được quy định mới do Mỹ đưa ra.
Có thể phạt tù
Tại hội thảo về quy định chống khai thác bất hợp pháp và gian lận thương mại với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vừa diễn ra ở TP.HCM, Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) thông tin: Kể từ đầu năm tới, Mỹ sẽ tăng cường giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 13 loài thủy hải sản. Đó là cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ, cá mú, cá nục, cua, tôm, bào ngư, hải sâm, cá tuyết nhập khẩu vào nước này.
Theo bà Heather Brandon, chuyên gia của NOAA, theo quy định này, mỗi lô hàng hải sản nhập vào Mỹ phải khai báo đầy đủ thông tin khai thác rất chi tiết như đánh bắt ở vùng biển nào, số hiệu tàu, sản lượng và ngư cụ đánh bắt. Sau đó, hải sản được tập kết tại điểm thu mua nào, vận chuyển, bảo quản ra sao và thông tin quá trình doanh nghiệp thu mua đến chế biến, bảo quản, xuất khẩu.
Đặc biệt hồ sơ lưu về chuỗi lưu giữ, các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm được đưa vào Mỹ phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong thời hạn hai năm và cơ quan kiểm tra có thể yêu cầu trình xuất bất cứ lúc nào.
“Ngay cả khi lô hàng đó đã được tiêu thụ nhưng nếu NOAA phát hiện khai báo thiếu, sai thì đơn vị nhập khẩu cũng bị xử phạt theo quy định. Trường hợp lỗi vi phạm nhẹ thì phạt tiền theo giá trị lô hàng, nặng thì rút giấy phép nhà nhập khẩu, nặng hơn có thể phạt tù” - bà Heather Brandon nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích dù phía Mỹ cho rằng các quy định chống khai thác bất hợp pháp, gian lận thương mại chỉ áp dụng cho nhà nhập khẩu nước này nhưng thực tế doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
“Ví dụ nếu doanh nghiệp Việt không cung cấp đủ hồ sơ khai báo truy xuất nguồn gốc lô hàng hải sản, họ sẽ giảm mua, chuyển sang mua thị trường khác. Còn nếu bị cơ quan chức năng Mỹ phạt thì nhà nhập khẩu sẽ dừng mua hàng, khi đó doanh nghiệp hết cửa xuất khẩu sang thị trường này, thiệt hại rất lớn. Do vậy, dự báo số lượng hàng hải sản xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2018 sẽ giảm rất mạnh” - bà Sắc cảnh báo.
Nguy cơ mất hai thị trường lớn nhất
Như vậy, sau Liên minh châu Âu (EU), Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy hải sản thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình giám sát thủy hải sản nhập khẩu, nhằm chống lại đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại thủy sản.
Đáng chú ý Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới hiện nay. Hằng năm xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường này đạt khoảng 1,5 tỉ USD, riêng các mặt hàng hải sản đã là 350-400 triệu USD. Do vậy, với những yêu cầu mới này, nhiều doanh nghiệp đang khá lo lắng.
Nhằm đáp ứng quy định mới của Mỹ, đến đầu tháng 10/2017, đã có 59 doanh nghiệp cam kết chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Minh, đại diện một công ty xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, cho hay nguồn nguyên liệu hải sản thu mua của các doanh nghiệp lâu nay đều đã truy được nguồn gốc, đảm bảo khai thác hợp pháp. Nhưng khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt trong quy định mới của Mỹ cũng như EU là làm hồ sơ khai báo.
Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cho biết đã kiến nghị Mỹ giãn thời gian áp dụng quy định mới về chống khai thác bất hợp pháp và gian lận thương mại. Song phía Mỹ khẳng định vẫn áp dụng từ 1/1/2018, chỉ có hai loại hải sản tôm và bào ngư sẽ thực hiện chậm hơn nhưng không lâu.
“Doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ để quản lý dữ liệu này, chi phí sẽ đội lên, khi đó sức cạnh tranh về giá thành trên thị trường sẽ giảm. Ngoài ra, tàu thuyền của Việt Nam rất nhỏ, ngay cả cơ quan nhà nước cũng chưa quản lý hết. Đó là chưa kể Mỹ yêu cầu kê khai rất chi tiết về vị trí khai thác, đánh bắt, thuyền đánh bắt, số lượng chính xác… Tất cả đều phải có giấy tờ chứng minh như hóa đơn, vận đơn, giấy phép, thời gian lưu kho… Đây là một khối lượng công việc khổng lồ” - bà Minh nêu thực tế.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, trong 13 loại hải sản phải khai báo thì những doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ, cua, cá hồng, cá nục, cá kiếm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn vì những loại hải sản này xuất nhiều sang Mỹ. Đáng lo hơn là hải sản nuôi trồng có sản lượng lớn của nước ta là tôm sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu Mỹ áp dụng quy định này trong năm 2018.
Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng các doanh nghiệp không nên quá lo lắng mà nên làm việc trực tiếp với các đối tác nhập khẩu và cung cấp những nội dung thông tin họ cần vì nhà nhập khẩu Mỹ cũng bị ảnh hưởng, bị xử phạt nếu vi phạm.
“Trong trường hợp những nội dung phía đối tác đưa ra vượt quá năng lực của doanh nghiệp thì cần báo cáo với VASEP để có hướng xử lý kịp thời, để không bị gián đoạn xuất khẩu vào thị trường Mỹ” - ông Hòe khuyến cáo.
Thủy sản Việt giảm sức cạnh tranh tại Mỹ
Bộ Công Thương nhận định trong tám tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản sang hầu hết thị trường lớn tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng chậm lại và xuất khẩu sang Đức, Úc giảm.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng trưởng chậm do xuất khẩu tôm và cá tra gặp khó khăn. Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm và cá tra Việt Nam khiến các mặt hàng này bị giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.
Hơn nữa, việc cá tra xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải kiểm tra 100% lô hàng kể từ ngày 2/8/2017 đã khiến giá nhập khẩu vào thị trường này tăng đáng kể, đẩy chi phí tăng mạnh.
Chưa hết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã dự kiến sẽ đưa ra mức thuế chung cho các công ty cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá dành cho các công ty sẽ giống nhau từ tháng 3/2018.
Advertisement
Advertisement