23/03/2022 10:36
Mỹ sắp công bố thêm lệnh trừng phạt đối với Nga
TT Biden, người sẽ tham gia cuộc họp đặc biệt của NATO và phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Hội đồng châu Âu, cũng được cho là sẽ nhấn mạnh nỗ lực thực thi các lệnh trừng phạt hiện có mà Mỹ và các đồng minh đã công bố trước đó.
“Ông ấy sẽ cùng các đối tác áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có để đảm bảo thực thi (các lệnh trừng phạt) mạnh mẽ”, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết thêm.
Sau khi rời Brussels, TT Biden sẽ tới Ba Lan - nơi đã tiếp nhận hơn 2 triệu người tị nạn Ukraina – để tìm cách thúc đẩy sự đoàn kết giữa các đồng minh trong bối cảnh Nga vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt mức độ tấn công vào Ukraina.
Tại Ba Lan, TT Biden sẽ gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người đã yêu cầu thêm viện trợ của Hoa Kỳ và tăng cường hiện diện quân sự ở sườn phía Đông của NATO.
Mỹ đã tăng hơn gấp đôi sự hiện diện quân thường xuyên của mình bằng cách điều động thêm hơn 4.000 binh sỹ tới Ba Lan nâng tổ số quân hiện diện tại nước này lên 10.000.
Estonia, Latvia, Lithuania và Romania cũng đã kêu gọi NATO hoặc Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn trong những tuần gần đây.
Ông Sullivan nói rằng điều đó có thể đến sớm và TT Biden có kế hoạch đàm phán "về những điều chỉnh lâu dài hơn đối với lực lượng NATO ở sườn phía Đông".
“Chúng tôi cảm thấy rằng đó là nơi thích hợp để ông ấy có thể đến gặp quân đội, các chuyên gia nhân đạo và đồng minh cùng chiến tuyến nhưng rất dễ bị tổn thương”, ông Sullivan nói về chuyến thăm Ba Lan của TT Biden.
Tuần trước, tại trụ sở NATO ở Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và những người đồng cấp của ông đã cân nhắc những biện pháp phòng thủ ở sườn phía Đông của tổ chức này, từ Estonia ở phía Bắc qua Latvia, Lithuania và từ Ba Lan đến Bulgaria, Romania.
Mục đích của việc phân bổ lực lượng là để ngăn chặn việc Tổng thống Vladimir Putin có thể tấn công bất kỳ nước nào trong số 30 đồng minh và việc phòng thủ này không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà đó là sự chuẩn bị cho 5 - 10 năm tới.
Chỉ trong hai tháng qua, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở châu Âu đã tăng từ khoảng 80.000 quân lên khoảng 100.000 quân, gần bằng con số này vào năm 1997 khi mà Hoa Kỳ và các đồng minh NATO bắt đầu mở rộng liên minh.
Vào năm 1991, năm Liên Xô giải thể, Hoa Kỳ có 305.000 quân ở châu Âu, trong đó riêng ở Đức là 224.000 quân, theo hồ sơ của Lầu Năm Góc. Con số sau đó giảm dần, đạt 101.000 vào năm 2005 và khoảng 64.000 vào năm 2020.
Các nhà lãnh đạo Ba Lan đã kêu gọi phái bộ gìn giữ hòa bình của phương Tây can thiệp vào Ukraina, một bước đi mà Mỹ và các đồng minh khác lo ngại có thể dẫn đến cuộc chiến mở rộng.
Ông Sullivan nói thêm rằng, TT Biden cũng sẽ “công bố hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu và giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga”.