20/06/2021 20:20
Mỹ e dè Trung Quốc trên cuộc đua ngoài không gian
Hơn 50 năm trước, Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng. Tuy nhiên, nước này đang phải đối mặt với tham vọng không gian ngày càng mở rộng của Trung Quốc.
Trong một nỗ lực khuyến khích Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) quay trở lại Mặt Trăng, Phó Tổng thống Mỹ năm 2019 là Mike Pence đã tìm cách khôi phục cuộc đua không gian thời Chiến tranh Lạnh của thập niên 60. Đây là thời điểm Mỹ vượt qua Liên Xô trở thành quốc gia đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đối thủ của Mỹ không còn là Liên Xô mà thay vào đó là Trung Quốc, quốc gia mà Pence cảnh báo đang cố gắng "chiếm ưu chiến lược trên Mặt Trăng và trở thành nước đi đầu về du hành vũ trụ của thế giới".
Bill Nelson, người đứng đầu NASA mới thuộc chính quyền Biden, tiếp tục luận điệu đó, xem Trung Quốc là "một đối thủ cạnh tranh tích cực" với tham vọng trong lĩnh vực không gian và đang thách thức vị thế hàng đầu của Mỹ.
Giống với chính quyền Trump, Nelson đề ra chiến lược xem Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh, không chỉ trên cuộc đua lên Mặt Trăng mà còn có thể dẫn đầu về hàng không vũ trụ ở quy mô rộng lớn hơn.
Kịch bản này đã được làm rõ vào hôm 17/6 khi Trung Quốc phóng thành công tên lửa chở các phi hành gia lên Trạm vũ trụ Thiên Cung. Tại đây, phi hành đoàn sẽ làm việc trong ba tháng – sứ mệnh dài nhất từ trước đến nay của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ sự khôn ngoan trong cách tiếp cận của Nelson.
"Biến trạm vũ trụ của Trung Quốc thành một mối đe dọa nghiêm trọng là bước đi sai lầm vì nó tác động đến các mục tiêu chính trị của bản thân Trung Quốc", Brian Weeden, giám đốc kế hoạch của tổ chức tư vấn Secure World Foundation, cho biết.
"Trung Quốc đang cố gắng sử dụng trạm vũ trụ của mình để chứng tỏ rằng họ cũng là một cường quốc về không gian. Việc Mỹ liên tục ám chỉ một cuộc chạy đua không gian và lo ngại mối đe dọa từ trạm vũ trụ của Trung Quốc càng củng cố thêm thông điệp đó", Weeden nói.
Việc Trung Quốc cho phóng tàu đưa người lên không gian có thể được xem là thành tựu đáng trân trọng, "nhưng không có nghĩa là Trung Quốc đã bằng, chứ chưa nói đến là vượt qua Mỹ".
Trong tương lai xa, sẽ không có chuyện Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong lĩnh vực không gian. Theo luật pháp Mỹ, kể từ năm 2011, NASA, công ty đưa thành công con người lên Mặt Trăng vào năm 1969 và đang có một nhóm phi hành gia hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) hơn 20 năm, bị cấm "bắt tay" với Trung Quốc.
Và cho đến nay, cũng chưa có phi hành gia người Trung Quốc nào từng lên ISS. Tuy vậy, đây lại là nơi chào đón các phi hành gia đến từ gần 20 quốc gia. Không có hy vọng nào về việc lập trường của Washington sẽ sớm thay đổi khi xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực công nghệ, từ máy tính lượng tử cho đến triển khai 5G.
Ngành hàng không vũ trụ của Trung Quốc đã chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc trên con đường trở thành cường quốc về du hành vũ trụ.
Năm 2019, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống mặt tối của Mặt Trăng, phần không bao giờ được nhìn thấy từ Trái Đất và trở thành tàu vũ trụ đầu tiên làm được điều này. Tháng trước, Trung Quốc tuyên bố đáp thành công tàu thăm dò xuống bề mặt sao Hỏa. Hay đầu tuần này, Trung Quốc và Nga công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ quốc tế chung trên Mặt Trăng.
Về phần mình, Nelson chúc mừng Trung Quốc "đã phóng thành công phi hành đoàn lên trạm vũ trụ riêng và mong chờ những khám phá khoa học mới trong tương lai".
Tuy nhiên, giống như chính quyền tiền nhiệm, Nelson đã lấy tham vọng chinh phục vũ trụ của Trung Quốc như một cách để Quốc hội Mỹ tài trợ cho kế hoạch quay lại Mặt Trăng của NASA, giữa thời điểm cơ quan này đang nỗ lực xây dựng liên minh quốc tế của riêng mình.
NASA đã có kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2028. Nhưng chính quyền Trump đã tìm cách đẩy nhanh tiến trình, ủy quyền cho cơ quan vũ trụ thực hiện nhiệm vụ vào năm 2024, sớm hơn rất nhiều so với cột mốc mà nhiều người có thể nghĩ đến.
Dưới thời Biden, NASA đã được thông qua chương trình Artemis quay trở lại Mặt Trăng. Sau khi nhậm chức, Bill Nelson cũng dành vài tuần đầu tiên với tư cách người đứng đầu NASA để tiến hành vận động hành lang Quốc hội tài trợ cho sứ mệnh mới. Và như đã nói, Nelson lấy Trung Quốc làm đối thủ cạnh tranh và viện dẫn cho lý lẽ của mình.
Phát biểu trước lãnh đạo Hạ viện Mỹ vào tháng 5, Nelson cho biết Trung Quốc đang tìm cách đưa con người lên Mặt Trăng. Điều đó sẽ thúc đẩy Quốc hội thông qua một khoảng kinh phí lớn để NASA thực hiện chương trình Artemis, phát triển một hệ thống hạ cánh để đưa các phi hành gia quay lại bề mặt Mặt Trăng.
Ngoài chương trình Artemis, Nelson cũng kêu gọi kéo dài tuổi thọ cho ISS được kéo dài đến năm 2030, vốn sẽ ngưng hoạt động vào năm 2024 theo kế hoạch.
Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã trích ngân sách 850 triệu USD cho tàu đổ bộ mặt trăng , thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu 3,3 tỷ USD của NASA. Trong yêu cầu tài trợ năm nay, NASA đã đưa ra con số 1,2 tỷ USD, nhưng chương trình bị vướng lại bởi các vụ kiện tụng.
Trong khi đó, Nelson cho biết ông hy vọng Quốc hội cung cấp cho NASA số tiền cần thiết đủ để cạnh tranh. Ở phiên điều trần trước Hạ viện, Nelson đã giơ lên một bức ảnh tàu thám hiểm Chúc Dung hạ cánh trên sao Hỏa vào tháng trước. "Bức ảnh này là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc, khiến cho Mỹ bị lu mờ trong lĩnh vực công nghệ không gian", ông nhấn mạnh.
Hiện NASA đang xây dựng một liên minh quốc tế để hỗ trợ sứ mệnh lên Mặt Trăng và tạo ra những quy định, ứng xử chung trong không gian. Những nước ký kết Hiệp định Artemis sẽ hợp tác với NASA trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng, nhưng bên cạnh đó sẽ được yêu cầu tuân thủ một bộ quy chuẩn gồm cả việc công bố dữ liệu khoa học.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm sự hợp tác quốc tế cho kế hoạch lên Mặt trăng. Đầu tuần này, họ đã công bố Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế, một chương trình hợp tác với Nga. Trong một tuyên bố, các cơ quan vũ trụ của hai nước cho biết họ "cùng mời tất cả các đối tác quốc tế quan tâm hợp tác và đóng góp nhiều hơn cho việc khám phá và sử dụng Mặt Trăng một cách hòa bình vì lợi ích của tất cả nhân loại, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, cởi mở và chính trực".
(Theo Washington Post)
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement