31/05/2020 17:52
Mỹ chìm trong biểu tình bạo lực sau cái chết của George Floyd
Từ Minneapolis tới New York, Atlanta và Washington, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát Mỹ trong một cơn sóng giận dữ để phản đối cái chết của George Floyd.
Các cuộc biểu tình bùng phát sau khi một người đàn ông người Mỹ gốc Phi George Floyd chết hồi đầu tuần bởi cuộc va chạm với cảnh sát ở thành phố Minneapolis. Người này sau đó đã bị nhân viên cảnh sát Derek Chauvin ghì đầu gối vào cổ trong khi ông Floyd kêu cứu vì không thở được, theo VOV.
Cảnh sát phun hơi cay vào đám đông người biểu tình sau vụ cảnh sát Minneapolis ghì chết George Floyd, ngày 27.5 tại Minesota, Mỹ. Ảnh: AFP |
Từ Minneapolis tới thành phố New York, Atlanta và Washington, người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát Mỹ trong một cơn sóng giận dữ để phản đối cái chết của George Floyd, Reuters đưa tin.
Viên cảnh sát sau đó đã bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát cấp độ 2 sau khi nhiều người lên tiếng kêu gọi viên cảnh sát này phải bị bắt giữ và truy tố.
Sau gần một tuần biểu tình ôn hòa, các cuộc biểu tình trở nên khó kiểm soát trong đêm ngày 28/5. Tại Oakland, California, một nhân viên an ninh hợp đồng cho bộ An ninh nội địa đã bị sát hại và một người khác bị thương sau khi bị bắn vào đêm 29/5.
Các thành phố đã phải áp đặt giới nghiêm về đêm và triển khai các lực lượng an ninh bổ sung sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực và tiếp diễn trong đêm ngày 30/5.
Người biểu tình đã đốt cháy các xe ô tô ở New York, Seattle và Philadelphia. Tại Los Angeles, người biểu tình đã phá vỡ cửa kính xe cảnh sát, đốt một trụ sở cảnh sát và cướp một số cửa hàng. Cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su và dùi cui để đối phó với đám đông.
Các cuộc biểu tình bạo lực xung quanh các chết của George Floyd nổ ra ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Ảnh: Reuters |
Tại Minnesota, nơi đầu tiên bùng phát các cuộc biểu tình sau cái chết của ông Floyd, Thống đốc Tim Walz đã kêu gọi người dân chấp hành lệnh giới nghiêm sau 20h. Thống đốc Tim Walz cho biết ông đã huy động toàn bộ lực lượng vệ binh quốc gia của bang đồng thời để ngỏ khả năng yêu cầu thêm quân đội liên bang. Theo ông Tim Walz, lực lượng từ các bang khác đã sẵn sàng được triển khai tới Minnesota để hỗ trợ ứng phó với người biểu tình.
Khi cảnh sát tìm cách huy động người dân ra khỏi các khu phố vào 20h, đám đông người biểu tình đang ôn hòa bỗng trở nên bạo lực. Cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su và hơi cay đối với đám đông. Trong khi đó, người biểu tình đã sử dụng bom khói và sơn màu xịt lên các tòa nhà.
Tối 30/5, ít nhất ba người bị bắn và một người chết trong cuộc biểu tình "Tôi không thể thở" tại thành phố Indianapolis, bang Indiana, theo VnExpress.
Randal Taylor, cảnh sát trưởng thành phố Indianapolis, cho biết cảnh sát đang điều tra sự việc và khuyên người dân tránh xa khu vực người biểu tình tập trung, nói thêm rằng một sĩ quan bị thương nhẹ.
6 người đã bị bắt sau khi đám đông biểu tình phá cửa sổ và xông vào tòa nhà trụ sở cảnh sát Indianapolis, châm ngòi cho cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Vào khoảng 22h, cảnh sát phun hơi cay để giải tán đám đông. Có thời điểm, người biểu tình chặn phố Pennsylvania bằng các thùng rác, một chiếc xe bị đốt cháy.
Một người biểu tình đối đầu với cảnh sát ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP |
Tại Los Angeles nơi hơn 500 người bị bắt giữ và 6 nhân viên an ninh bị thương đêm 29/5, Thị trưởng Eric Garcetti đã thông báo giới nghiêm trên toàn thành phố từ 20h ngày 30/5 và lực lượng vệ binh quốc gia của bang đã được triển khai trong đêm.
Tại Seattle, Thị trưởng Jenny Durkan thông báo lệnh giới nghiêm từ 17h chiều sau khi các cuộc biểu kéo xuống khu vực trung tâm thành phố.
Các cuộc biểu tình cũng biến thành bạo lực ở Miami, Philadelphia, Chicago, và các thành phố khác.
Tại New York, cảnh sát cho biết 30 người đã bị bắt trong đêm 30/5 trong khi số người bị bắt giữ đêm hôm trước là 200.
Ở thủ đô Washington, người biểu tình gần khu vực Nhà Trắng đã ném các vật thể và pháo hoa vào cảnh sát và các lực lượng chức năng đã sử dụng hơi cay đối với đám đông. Lực lượng vệ binh quốc gia của Đặc khu Columbia đã được kích hoạt để giúp cảnh sát đối phó với đám đông người biểu tình.
Đám đông bạo lực đã tràn vào thành phố Minneapolis và St. Paul, đốt lửa và bắn vào các lực lượng chức năng, buộc giới chức thành phố và tiểu bang phải kêu gọi sự giúp đỡ của lực lượng vệ binh quốc gia trước khả năng các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn trong ngày 30/5.
Một sĩ quan cảnh sát Mỹ ném lựu đạn hơi cay vào đám đông người biểu tình ở Louisville, tiểu bang Kentucky, ngày 29.5. Ảnh: NBC |
Thống đốc bang Minnesota Tim Walz cho biết đây là lần huy động đông nhất các lực lượng thực thi pháp luật trong lịch sử bang, tuy nhiên vẫn chưa đủ vì số người biểu tình quá đông. Tướng Jon Jensen, người đứng đầu lực lượng vệ binh quốc gia của bang cho biết 2.400 thành viên lực lượng vệ bệnh quốc gia của bang đã được huy động, con số lớn nhất trong lịch sử bang.
Thống đốc Tim Walz cho rằng các cuộc biểu tình trở nên bạo lực là do bị kích động bởi những kẻ cực đoan, những người muốn gây bất ổn ở thành phố. Theo ông Walz, những kẻ kích động tới từ ngoài bang Minessota đồng thời cho rằng một số phần tử theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng cũng có vai trò khiến các cuộc biểu tình trở nên bạo lực.
Trong khi đó, Bộ tưởng Tư pháp Mỹ Willoiam Barr ngày 30/5 cho rằng: “Ở nhiều nơi, các hoạt động bạo lực dường như đã được lên kế hoạch, tổ chức và dẫn dắt bởi các nhóm cực đoan cánh tả và vô chính phủ, sử dụng các cách thức giống như Antifa”. Bộ trưởng Barr nhấn mạnh bộ Tư pháp sẽ truy tố những kẻ gây ra bạo loạn đồng thời cam kết điều tra cái chết của ông Floyd.
Ứng cử viên đảng Dân chủ đang tranh cử tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/5 đã lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang nổ ra trên khắp nước Mỹ, tuy nhiên ông cho rằng người dân Mỹ có quyền được biểu tình.
Trong một tuyên bố, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh biểu tình chống lại hành vi tàn bạo là quyền của người dân và là điều cần thiết, nhưng việc đốt phá các cộng đồng và tiến hành các hành động phá hoại là không được phép. Ông cũng cho rằng bạo lực đe dọa đến tính mạng người khác và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh phục vụ cộng đồng là hoàn toàn sai trái.
Nhiều cửa hàng bị cướp bóc và đốt hôm 27/5. Hàng chục cửa hàng trong thành phố và khu vực ngoại ô phải đóng cửa sớm do lo ngại bạo lực. Ảnh: Reuters |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ sự giận dữ khi thị trưởng thành phố Minneapolis bất lực trong việc kiểm soát bạo loạn và dọa sẽ đích thân can thiệp để “làm điều đúng đắn”.
Trong thông điệp trên mạng xã hội ngày 29/5, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ trực tiếp can thiệp, tiếp quản thành phố nếu giới chức địa phương không làm tròn trách nhiệm. Ông Trump viết.“Tôi không thể ngồi yên và chứng kiến những gì xảy ra ở thành phố Minneapolis. Lãnh đạo cực kỳ yếu kém. Thị trưởng Jacob Frey hãy kiểm soát bằng được thành phố hoặc tôi sẽ can thiệp, đưa vệ binh quốc gia đến đó và làm điều đúng đắn”.
Ông Trump cũng khẳng định mình ủng hộ công lý cho người đàn ông da màu George Floyd, nhưng hành động đập phá, cướp bóc là hoàn toàn sai trái. Các cuộc biểu tình sau vụ cảnh sát Mỹ dùng đầu gối chẹt cổ khiến người đàn ông da màu thiệt mạng đã biến thành bạo loạn quy mô lớn và diễn ra ở nhiều thành phố lớn.
Nhiều cửa hàng bị cướp bóc và đốt hôm 27/5. Hàng chục cửa hàng trong thành phố và khu vực ngoại ô phải đóng cửa sớm do lo ngại bạo lực. Thành phố cũng đóng cửa hệ thống đường sắt trọng tải nhẹ và dịch vụ xe buýt do lo ngại vấn đề an ninh.
Bạo loạn đạt đến đỉnh điểm khi đám đông quá khích đã đập vỡ cửa, xâm nhập và phóng hỏa một đồn cảnh sát. Những người biểu tình giận dữ khi các công tố viên chưa ra quyết định có buộc tội sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin dùng đầu gối chẹt cổ khiến ông George Floyd tử vong hay không. Viên cảnh sát này và những cảnh sát khác liên quan đến vụ việc hiện đã bị sa thải.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp