21/09/2016 12:15
Mường Thanh Khánh Hòa phớt lờ quyết định rút phép
Công trình tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa bị Sở Xây dựng Khánh Hòa ra quyết định rút giấy phép xây dựng, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp buộc chủ đầu tư dừng thi công...
Cao ốc Mường Thanh đã bị đình chỉ thi côngẢNH: HIỀN LƯƠNG
Thế nhưng, tất cả bị phớt lờ và dự án vẫn thi công rầm rộ.
Tỉnh sai, doanh nghiệp cố thủNgày 25.9.2012, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2025, nêu rõ chiều cao các công trình xây dựng tối đa ở khu vực mà Mường Thanh Khánh Hòa đang xây cao ốc là không quá 40 tầng.
Tuy nhiên, ngày 12.9.2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ký thỏa thuận cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) thuê 5.864 m2 để làm dự án Mường Thanh Khánh Hòa. Căn cứ vào thỏa thuận trên, ngày 30.10.2014, Sở Xây dựng tỉnh cấp giấy phép xây dựng cho dự án với 47 tầng cùng 1 tầng kỹ thuật áp mái và 2 tầng hầm.
Đến tháng 5.2015, cao ốc này được phát hiện xây vượt diện tích 1.031 m2nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa lại thỏa thuận cho chủ đầu tư thuê bổ sung, tăng diện tích dự án lên 6.895 m2; đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh đồ án quy hoạch, nâng chiều cao khống chế lên 60 tầng. Tuy nhiên, ngày 6.12.2015, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã “bác” đề nghị trên của Khánh Hòa.
Sau khi nhận thông báo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5.1.2016, tỉnh Khánh Hòa ban hành văn bản yêu cầu Mường Thanh Khánh Hòa điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án với chiều cao không quá 40 tầng. Mặc dù Sở Xây dựng đã nhiều lần ra văn bản nhắc nhở chủ đầu tư chấp hành nghiêm các văn bản của tỉnh và Chính phủ, song cao ốc vẫn được xây dựng lên đến tầng 42.
Ngày 16.8, Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ thi công nhưng tầng 43 vẫn tiếp tục được đổ bê tông. Sở Xây dựng và chính quyền tỉnh Khánh Hòa đề ra nhiều giải pháp để có thể “khống chế” chủ đầu tư như cắt nước, cúp điện, thậm chí cắt cử người ra ngăn cản xe chở vật liệu đến tập kết tại công trình, song tất cả đều không ngăn được công trình này tiếp tục.
Ngày 9.9.2016, Sở Xây dựng Khánh Hòa buộc phải đưa ra giải pháp cuối cùng: thu hồi giấy phép xây dựng công trình Mường Thanh Khánh Hòa. Tuy nhiên, cho đến chiều 19.9, trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết phía Mường Thanh vẫn chưa nộp lại giấp phép xây dựng.
Tìm cách hợp pháp hóa sai phạm?
Trong một diễn biến khác, nhiều ý kiến đang cho rằng, tỉnh Khánh Hòa đang tìm cách hợp thức hóa sai phạm của Mường Thanh bằng cách xin điều chỉnh tăng độ cao công trình ở một số điểm. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Dũng cho biết hiện tỉnh đang cùng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (thuộc Bộ Xây dựng) lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung cho TP.Nha Trang, gửi Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ xem xét.
Theo đó, Nha Trang sẽ có 13 khu vực được điều chỉnh, trong đó 8 khu vực đề xuất tăng độ cao công trình. Tuy nhiên, hiện hồ sơ đang trong giai đoạn thẩm định, chưa có ý kiến cuối cùng và đây cũng không phải là việc làm “hợp thức hóa” cái sai của Mường Thanh.
Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, chủ đầu tư đã bán căn hộ từ tầng 41 - 47 từ khi mở móng, chứ không phải xây tới đâu bán tới đó. Bây giờ tỉnh Khánh Hòa rút giấy phép không cho xây tiếp thì số nhà đầu tư đã “trót” mua các tầng “vượt” ấy không biết sẽ phải xử lý thế nào.
Không thể để pháp luật bị xem thường
Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: theo điều 101 luật Xây dựng, khi Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thu hồi giấy phép xây dựng thì trong thời hạn 10 ngày chủ đầu tư phải nộp lại giấy phép hoặc Sở sẽ hủy giấy phép. Nếu chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công thì bị xử lý như trường hợp xây dựng không giấy phép và bị cưỡng chế.
"Trường hợp Sở Xây dựng sai trong việc cấp hoặc thu hồi giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa, nếu có thiệt hại thì yêu cầu bồi thường. Nếu Sở Xây dựng sai thì phải chịu trách nhiệm bồi thường những việc chủ đầu tư làm đúng theo quy định pháp luật", luật sư Phượng phân tích.
Trong khi đó, một chuyên gia về xây dựng cho rằng, trước đây tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho Tập đoàn Mường Thanh xây dựng dự án cao đến 48 tầng, trong khi quy hoạch chỉ cho phép xây dựng đến 40 tầng là hoàn toàn sai. Nay tỉnh sửa sai bằng cách thu hồi lại giấy phép và điều chỉnh lại giấy phép theo đúng quy hoạch là đúng và chủ đầu tư phải tuân thủ quyết định này.
“Trong thời gian này, chủ đầu tư có thể khởi kiện tỉnh Khánh Hòa, những cá nhân gây thiệt hại cho công ty, nhưng bắt buộc đơn vị phải tuân thủ đúng quyết định của tỉnh. Không có chuyện quyết định ban hành cứ ban hành, chủ đầu tư xây cứ xây. Chủ đầu tư làm như vậy là xem thường pháp luật”, chuyên gia này nói.
KTS Lê Công Sĩ cho rằng sai phạm của Mường Thanh khi không chấp hành quyết định thu hồi giấy phép của Sở Xây dựng đã rõ, nhưng sai phạm này có nguồn cơn từ những sai phạm khác như công văn thỏa thuận của các lãnh đạo tỉnh và quan trọng nhất chính là giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Khánh Hòa cấp. “Việc xử lý sai phạm tại dự án Mường Thanh Khánh Hòa phải rõ ràng, dứt khoát. Ai sai đến đâu xử lý đến đó chứ không thể có chuyện quyết định đã ban hành rồi hai bên vẫn cãi qua, cãi lại. Chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng, không trả lại giấy phép bất chấp việc bị ra quyết định rút giấy phép”, KTS Sĩ nói. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp