10/03/2017 02:04
Mường Thanh Khánh Hòa: Không chỉ “cắt ngọn” là xong
Ngoài việc xem xét trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, cần thiết phải điều chỉnh Bộ luật hình sự đối với hành vi này.
Tới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức “cắt ngọn” các tầng xây vượt chiều cao khống chế (40 tầng) đối với công trình Mường Thanh.
Biện pháp “cắt ngọn” được đặt ra, sau lưu ý của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn khi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa là nhất quyết không hợp thức hóa cho các công trình vi phạm như công trình Mường Thanh Khánh Hòa (cầu Trần Phú, TP Nha Trang).
Trong khi đó, các chuyên gia về pháp luật đã đưa ra một số lưu ý về pháp lý để giải quyết dứt điểm vụ việc “tai tiếng” này.
Chủ đầu tư phải có nghĩa vụ tháo dỡ
Căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, việc buộc phá dỡ bộ phận công trình xây dựng vi phạm là một biện pháp khắc phục hậu quả.
Biện pháp này phải đi kèm theo hình phạt chính (trong trường hợp có quyết định xử phạt vi phạm), hoặc được áp dụng độc lập (trong trường hợp không ra quyết định xử phạt theo quy định) và tất cả đều phải bằng một quyết định để cá nhân, tổ chức vi phạm có nghĩa vụ thực hiện.
Theo đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9-2012, các công trình thuộc khu đô thị ven biển Nha Trang chỉ được cao đến 40 tầng.
Như vậy, nếu cho rằng công trình Mường Thanh Khánh Hòa đã vi phạm nội dung quy hoạch này, nhất là khi giấy phép xây dựng cũ của Tập đoàn Mường Thanh đã bị thu hồi vì cấp sai quy định, Sở Xây dựng tỉnh có thể ra quyết định buộc tháo dỡ số tầng xây lố.
Về phía Tập đoàn Mường Thanh, nếu cho rằng đã bị thiệt hại do trước đây được cấp phép nên mới xây hơn 40 tầng, nhưng giờ lại bị yêu cầu phá dỡ thì tập đoàn có thể khiếu nại, khởi kiện cơ quan cấp phép.
Còn với quyết định buộc khắc phục hậu quả nêu trên, tập đoàn có trách nhiệm tháo dỡ trong hạn quy định và nếu không tự nguyện “cắt ngọn” sẽ bị cưỡng chế thực hiện.
Chế tài người cấp phép sai
Không giống như các công trình vi phạm của nhiều chủ đầu tư khác, vi phạm của công trình Mường Thanh Khánh Hòa bắt nguồn từ việc Sở Xây dựng tỉnh đã cấp phép xây dựng sai.
Lẽ ra phải tuân thủ tuyệt đối nội dung đồ án quy hoạch trên thì UBND tỉnh lại chấp thuận cho nhiều dự án cao ốc vượt qua 40 tầng. Với cao ốc Mường Thanh Khánh Hòa, Sở Xây dựng tỉnh đã cấp phép cho Tập đoàn Mường Thanh xây cao đến 47 tầng và trên thực tế tập đoàn đã xây dựng 43 tầng.
Đến tháng 9-2015, UBND tỉnh mới đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho điều chỉnh đồ án quy hoạch, nâng chiều cao khống chế lên 60 tầng kiểu như “tiền trảm hậu tấu”.
Khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến không đồng ý của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhằm đảm bảo không gian cảnh quan khu vực ven biển của vịnh Nha Trang, tỉnh mới cấp tập sửa cái sai của chính mình.
Vì lẽ này mà công trình Mường Thanh Khánh Hòa đã bị đình chỉ thi công, bị thu hồi giấy phép xây dựng... nhưng tới giờ vi phạm vẫn còn nhùng nhằng.
Đã làm sai thì bất kể lý do gì tập đoàn cũng phải bị xử lý nghiêm minh.
Tương ứng, những người có quyền hạn ở UBND và Sở Xây dựng tỉnh đã có lỗi cố ý trong việc cấp phép xây dựng không đúng với quy hoạch TP Nha Trang mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trước đó, khiến biển Nha Trang lần lượt bị băm nát cũng phải bị truy cứu trách nhiệm.
Sửa luật để hạn chế xây vượt tầng
Trước đó, với các vi phạm được đánh giá là hết sức nghiêm trọng ở một số chung cư tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết đã chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự.
Chưa rõ Công an TP Hà Nội xem xét thế nào, nhưng cần lưu ý hiện chỉ có một tội trong vi phạm về xây dựng là “tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 229 Bộ luật hình sự.
Với tội này, đối tượng bị xử lý phải có vi phạm về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công... gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Các công trình xây dựng trái phép của Tập đoàn Mường Thanh lại không có các dấu hiệu phạm tội trên, vậy làm sao khởi tố?
Điều đáng nói là đối với nhà ở xây dựng trái phép và đã bị xử phạt hành chính (hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích) mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về “tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” theo điều 270 Bộ luật hình sự 1999 (điều 343 Bộ luật hình sự 2015).
Đối chiếu điều luật này với hành vi sai phạm của Tập đoàn Mường Thanh sẽ thấy một nghịch lý: cùng là xây dựng trái phép nhưng chủ căn nhà chỉ vài chục mét vuông có thể đi tù, còn chủ công trình “khủng” thì cứ “rung đùi hưởng lợi”.
Để đảm bảo được kỷ cương, trật tự xây dựng, xem ra cần có một điều luật mới bao quát hơn để trị được tất cả đối tượng xây dựng công trình trái phép chứ không riêng gì nhà ở, như “tội vi phạm các quy định về quản lý công trình xây dựng” chẳng hạn.
Ngày 9/3, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết việc xử lý vấn đề xây dựng “vượt trần” của công trình Mường Thanh Khánh Hòa đến nay vẫn phải chờ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy hoạch TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2012, chiều cao các công trình chỉ được cho phép xây dựng tối đa 40 tầng. Thế nhưng năm 2014, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lúc đó là ông Nguyễn Chiến Thắng đã chấp thuận, phê duyệt cho chủ dự án Mường Thanh Khánh Hòa xây đến 47 tầng và đã được Sở Xây dựng tỉnh cấp phép xây dựng.
Trong quá trình xây dựng, DNTN xây dựng số 1 Điện Biên đã nhiều lần sai phạm, làm trái quy định pháp luật như: xây sai thiết kế công trình đã được thẩm định, phê duyệt; lấn chiếm đất, xây vượt diện tích hơn 1.031m2.
Cuối năm 2015, khi Mường Thanh Khánh Hòa xây đến tầng 33, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã có kết luận, yêu cầu chủ dự án Mường Thanh Khánh Hòa phải chấp hành, tuân thủ đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, không được xây vượt quá 40 tầng.
Thế nhưng DNTN xây dựng số 1 Điện Biên vẫn công khai “đạp trần” xây lên đến 43 tầng.
PHAN SÔNG NGÂN
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp