04/04/2020 08:03
Mua nhà đã có nội thất, làm sao tránh “tiền mất tật mang”?
Căn nhà thường là tài sản lớn và quan trọng nhất đối với một gia đình. Vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, hiện nay rất nhiều gia đình Việt đều lựa chọn mua nhà có sẵn nội thất. Tuy nhiên, nếu chưa “dày” kinh nghiệm, người mua nhà dễ bị thua thiệt khi gặp phải những chủ nhà vô tâm.
Làm thế nào để tránh gặp phải các rủi ro khi mua nhà đã có nội thất?
Điểm lợi thế của việc mua nhà đã có nội thất là gia chủ tiết kiệm được thời gian và chi phí sắm sửa. Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt, việc mua nhà đã có nội thất cũng thường gặp phải một số vấn đề như sau: Nội thất bị hỏng, bị hư hại so với khi xem và quyết định mua nhà, nội thất bị hoán đổi, thậm chí không cánh mà bay. Người mua nhà thường không “cãi thắng” được người bán, vì không có căn cứ chứng minh người bán nhà sai phạm. Nếu không có kinh nghiệm, người mua nhà dễ bị thua thiệt, đặc biệt là khi gặp phải chủ nhà không tử tế.
Cần kiểm tra nội thất trước khi mua. |
Đầu tiên, người mua nhà nên tự có đánh giá sơ bộ về người bán sau khi tiếp xúc. Song song với việc đánh giá về căn nhà, việc đánh giá về người bán nhà cũng là cách để hạn chế những rắc rối không đáng có. Một chủ nhà rõ ràng và dứt khoát trong chuyện mua bán hẳn nhiên sẽ đáng tin cậy và an tâm hơn.
Thứ hai, để phòng các trường hợp rủi ro như đã nêu phía trên, người mua nhà cần phải có những chứng cứ rõ ràng, chứng minh các thỏa thuận của hai bên trước khi đặt cọc và thanh toán. Chứng cứ này phải được thể hiện bằng văn bản, nhằm mục đích ràng buộc trách nhiệm đối với bên bán, buộc bên bán phải có sự bồi thường nếu có sai phạm so với những nội dung đã thỏa thuận ban đầu.
Cụ thể: Thỏa thuận nhất thiết phải liệt kê đầy đủ các đồ dùng bên bán để lại, kèm theo mô tả hiện trạng (cũ, mới, chủng loại, màu sắc, thương hiệu,...) của những đồ đạc đó.
Nên có một bản thỏa thuận mua bán. |
Thỏa thuận cần rõ nếu bên bán vi phạm sẽ phải hoàn trả tài sản, hoặc bồi thường một khoản tiền tương ứng với giá trị tài sản, hoặc cấn trừ vào khoản tiền bên mua giữ lại.
Lập thỏa thuận mua bán chi tiết là một trong những cách hữu ích giúp người mua tránh được những rủi ro trong quá trình mua nhà đã có nội thất
Thứ ba, khi đi xem nhà, tốt nhất người mua nên ghi nhớ kỹ những nội thất trong nhà và nên chụp lại ảnh để làm căn cứ chứng minh, phòng trường hợp xảy ra tranh cãi sau này.
Thứ tư, để bảo vệ quyền lợi của mình, khi thỏa thuận mua bán, người mua không nên trả hết tiền mua nhà một lần mà giữ lại một tỉ lệ phần trăm nhất định để dự phòng cho những rắc rối có thể gặp phải về sau.
Người mua nhà nên có sự chuẩn bị cẩn thận và kỹ lưỡng khi mua lại những căn nhà đã có nội thất
Checklist khi nhận nhà
Khi nhận nhà, ngoài việc kiểm tra đầy đủ nội thất đã mua lại, người mua cũng nên tiến hành xem xét kỹ những hạng mục sau: Kiểm tra hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, các trang thiết bị khác: cửa, gạch, tường, trần, lan can…và nhận đầy đủ hồ sơ, giấy tờ có căn cứ pháp luật. Kiểm tra mọi thứ cần thiết trước khi nhận nhà là điều người mua nên làm để tránh những rắc rối sau này.
Những lưu ý khi mua nhà có nội thất. |
Sở hữu một căn nhà đã có đầy đủ nội thất giúp người mua không mất thêm thời gian cho việc mua sắm cũng như thiết kế. Tuy nhiên không phải ai cũng có kinh nghiệm hoặc hiểu rõ những vấn đề về việc mua bán nhà như thế này. Trong trường hợp như vậy, bạn nên chú ý kỹ nhưng vấn đề về giấy tờ, pháp luật, thỏa thuận để việc mua bán diễn ra thuận lợi, như ý.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp