14/12/2020 08:59
Mua cổ phiếu Sacombank từ khi niêm yết, nhà đầu tư lời lỗ thế nào?
Sau 14 năm rót tiền vào cổ phiếu Sacombank, nhà đầu tư sẽ lỗ gần 80% nếu nắm giữ mã STB liên tục.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được thành lập từ năm 1991. Trong những năm đầu, Sacombank là một tổ chức tín dụng nhỏ với vốn điều lệ khoảng 3 tỷ đồng. Trong những năm 1995-1998, với sáng kiến phát hành cổ phiếu đại chúng, nhà băng này đã có thể nâng vốn từ 23 tỷ lên 71 tỷ đồng. Sacombank là một trong những công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng ở Việt Nam.
Ngày 12/7/2006, gần 190 triệu cổ phiếu mã STB chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Đóng cửa phiên đầu, cổ phiếu Sacombank có thị giá 78.000 đồng/cổ phiếu. Lúc bấy giờ, nếu bỏ ra 10 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ nắm trong tay khoảng 128 cổ phiếu. Giữ nguyên khối lượng trên, đến nay, số tiền của nhà đầu tư trên HOSE chỉ còn vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng.
Từ đầu tháng 10 tới nay, mã STB đang được giao dịch trong vùng đỉnh giá khi luôn đạt 13.000 đồng/cổ phiếu trở lên. Trong năm, hầu như cổ phiếu Sacombank chưa bao giờ giao dịch với giá vượt quá mốc trên, có thời điểm còn gần chạm đáy giá 7.000 đồng/cổ phiếu. Cuối tuần qua, mã STB đóng cửa với 15.800 đồng/cổ phiếu. Trong rổ cổ phiếu VN30, mã này có thị giá thấp thứ 3 và là cổ phiếu có thị giá thấp nhất trong nhóm ngân hàng.
Sacombank là một trong những doanh nghiệp đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng. Ảnh: STB |
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Sacombank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 của ngân hàng đạt 2.328 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy cho vay khách hàng của Sacombank chỉ tăng 8,2% trong 3 quý đầu năm nay, nhưng thu nhập lãi thuần của nhà băng này lại tăng mạnh 15% mang về 8.513 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh chính khác của Sacombank như dịch vụ, ngoại hối cũng ghi nhận tăng trưởng lãi thuần lần lượt 25,2% và 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Sacombank tăng trưởng 24% trong kỳ này, nhưng do chi phí dự phòng rủi ro trong quý III/2020 tăng mạnh gần 70% lên 2.853 tỷ đồng, nên các chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng đều giảm.
Đến hết tháng 9/2020, tổng tài sản của nhà băng này tăng 7% với 485.213 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 8,2% đạt 320.215 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm 5,6% còn 428.213 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của Sacombank cũng tiếp tục tăng 9,3% đưa tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 1,7% cuối năm trước lên 1,71%.
Về mục tiêu về xử lý thu hồi 11.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay, theo Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm, đến hết tháng 9/2020, ngân hàng này đã xử lý được trên 11.000 tỷ đồng nợ xấu. Tổng dự phòng rủi ro, Sacombank đã trích lập lũy kế từ đầu năm đến nay 3.000 tỷ đồng.
Việc đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ xấu đã tác động tích cực lên lợi nhuận. Vì thế, bà Diễm dự kiến lợi nhuận đạt được của Sacombank trong năm nay sẽ vượt 20% chỉ tiêu đề ra, tức bằng với con số đạt được của năm 2019 (3.200 tỷ đồng).
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, Sacombank đã tập trung xử lý các tài sản tồn đọng thông qua tăng dự phòng cho tài sản có rủi ro tín dụng 1.200 tỷ đồng. Điều này khiến chi phí dự phòng cao hơn 69% so với cùng kỳ năm trước. VCSC nhận định ngân hàng có thể vượt kế hoạch về xử lý tài sản nợ xấu 11.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo đà trên, VCSC nâng dự phóng xử lý tài sản tồn đọng thuộc đề án trong năm 2020 lên 11.500 tỷ đồng. Mức dự phóng này được hỗ trợ bởi quan điểm mảng kinh doanh cốt lõi ổn định, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Dù Sacombank hiện diện lớn tại khu vực miền Trung, nơi vừa bị tác động lớn của đợt bão lũ vừa qua tại Việt Nam, VCSC cho rằng, các biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng sẽ không tác động đáng kể đến lợi nhuận của ngân hàng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp