09/05/2017 07:12
Một năm, nhà sách lớn nhất Sài Gòn thu hơn 100 triệu USD
Cùng với Phương Nam, Fahasa là nhà phát hành sách lớn nhất nước hiện nay. Năm 2016, nhà phát hành sách này thu về gần 106 triệu USD từ hoạt động kinh doanh sách.
Fahasa là thương hiệu phát hành sách thuộc Công ty Cổ phần phát hành sách TP.HCM, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng sách lớn nhất cả nước.
Công ty thành lập từ năm 1976 đến nay, đã hoạt động trong lĩnh vực phát hành, buôn bán sách hơn 40 năm. Hiện công ty này sở hữu 91 nhà sách, bao gồm các Trung tâm sách Nguyễn Huê, Trung tâm sách Phú Nhuận, Trung tâm sách Gia Định, Trung tâm sách Fahasa…. (TP.HCM) và có hệ thống nhà sách tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang vận hành trang thương mại điện tử Fahasa.com và Xí nghiệp in Fahasa.
Theo báo cáo tài chính năm 2016, chỉ từ hoạt động phát hành và buôn bán sách, tổng doanh thu toàn hệ thống Fahasa đã đạt tới gần 2.400 tỷ đồng (tương đương 106 triệu USD), tăng 20% so với năm 2015. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử 40 năm thành lập của công ty.
Dù thu gần 2.400 tỷ đồng năm qua, nhưng Fahasa chỉ đạt 23 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nguyên nhân khấu trừ chủ yếu vào doanh thu của đơn vị do chi phí để duy trì hệ thống 91 cửa hàng sách trên toàn quốc cùng với Xí nghiệp in Fahasa tương đối lớn.
Sau khi trừ thuế và các khoản chi phí liên quan, Fahasa ghi nhận 18,5 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Công ty cũng phê duyệt chi hơn 1,1 tỷ đồng để trả thù lao cho các thành viên thuộc Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Đến hết năm 2016, nhà sách ghi nhận hơn 750 tỷ đồng tổng tài sản, trong đó phần lớn là tài sản ngắn hạn (gần 711 tỷ đồng), gần 60% trong số đó là hàng tồn kho, bao gồm các ấn phẩm, trang thiết bị... hiện hữu tại các nhà sách trên cả nước, với giá tị hơn 417 tỷ đồng. Đơn vị phát hành sách này cũng có hơn 170 tỷ đồng tiền đầu tư tài chính bên ngoài.
Fahasa cũng đang có khoản nợ phải trả người bán ngắn hạn lên tới 571 tỷ đồng, tương đương 76% tổng tài sản. Nổi bật trong đó là một số khoản phải trả bao gồm Văn phòng với giá trị 231 tỷ đồng, Trung tâm sách Nguyễn Huệ hơn 101 tỷ đồng, Trung tâm sách Xuân Thu hơn 68 tỷ đồng, Trung tâm sách Phú Nhuận 63 tỷ đồng, Trung tâm Sách Gia Định 58 tỷ đồng và Trung tâm Sách Hà Nội hơn 45 tỷ đồng…
Một điểm đáng chú ý trong tình hình kinh doanh của nhà sách lớn nhất cả nước này, đó là đơn vị không hề có bất kỳ một khoản nợ vay tài chính nào hiện nay.
Sau khi có được kết quả lợi nhuận khả quan trong năm 2016, dự kiến Fahasa sẽ chia cổ tức gần như toàn bộ số lợi nhuận đã thu được, và chỉ giữ lại hơn 128 triệu đồng lợi nhuận sang năm 2017.
Dự kiến năm 2017, đơn vị phát hành sách lớn nhất này sẽ thu về 2.550 tỷ đồng doanh thu và 24,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tiếp tục chia cổ tức tỷ lệ 14%.
Theo kế hoạch đến năm 2020, hệ thống Fahasa sẽ có khoảng 100 nhà sách trên toàn quốc.
Fahasa đang có vốn điều lệ của Fahasa hơn 91 tỷ đồng, trong đó, vốn cổ phần Nhà nước chiếm tới 30,5% thông qua Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, và giao cho một số cá nhân trong ban lãnh đạo công ty đại diện sở hữu. Ngoài ra, ông Phạm Minh Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc sở hữu tới 19,3% vốn điều lệ.
Advertisement
Advertisement