04/02/2017 06:12
Một km đường sắt đô thị “ngốn” 2.200 - 3.000 tỷ đồng
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km, Hà Nội sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).
Ngày 4/2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, TP. Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội.
Tại buổi làm việc, cả hai Ban Quản lý dự án đường sắt đều kiến nghị Chính phủ giải quyết những vướng mắc về vốn để bảo đảm dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó hạ tầng không theo kịp, năng lực của giao thông công cộng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu, phương tiện giao thông cá nhân hiện đang tăng lên rất nhanh.
Trước vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, ngay trong những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng, các Phó thủ tướng, lãnh đạo các bộ đã làm việc trực tiếp với Hà Nội và TP.HCM để chỉ đạo các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Theo đó, trước mắt cần tổ chức giao thông tốt hơn, có biện pháp giảm phương tiện cá nhân đi vào các khu vực dễ ùn tắc. Về dài hạn, phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị là một trong những giải pháp quan trọng, có tính ổn định bền vững, lâu dài.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để xây dựng được hệ thống đường sắt đô thị cần nguồn lực rất lớn. Với 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội, tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).
Vì vậy, việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Tuy nhiên, thực tế là cả hai tuyến đều chậm so với tiến độ, dù đã nhiều lần được điều chỉnh.
Phó thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chính là do thể chế liên quan đến đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị chưa hoàn thiện, đặc biệt là thể chế liên quan đến quản lý đầu tư bằng hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Việc đánh giá, định giá các gói thầu không chính xác, khiến giá thành bị đội lên nhiều lần so với giá trị hợp đồng EPC ban đầu. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý dự án còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những dự án liên quan đến pháp luật quốc tế.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, đến nay, khối lượng xây lắp công trình của dự án đã hoàn thành 90%, trong đó phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Công tác xây lắp cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công đã đề ra. Các bên đang tiếp tục bám sát tiến độ thi công tổng thể đã đề ra, đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp, trang trí hoàn thiện trong quý I/2017.
Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc ban quản lý Dự án đường sắt cho biết, mục tiêu đặt ra là hoàn thành, đưa vào chạy thử trong tháng 9/2017. Để bảo đảm mốc tiến độ này, dự kiến sẽ hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc bao gồm cả khu Depot trước ngày 31/3; hoàn thành lắp đặt thiết bị trước ngày 31/7; đóng điện toàn tuyến ngày 1/9.
“Thời gian vận hành chạy thử liên động toàn hệ thống tối thiểu là 3 tháng nhưng có thể lên tới 6 tháng tùy thuộc kết quả chạy thử trước khi bàn giao công trình đưa vào khai thác”, ông Lê Kim Thành cho biết.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (là đoạn tuyến giai đoạn 1 của tuyến số 3 trong mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội) có chiều dài 12,5 km với 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án gồm 10 gói thầu được khởi công vào năm 2010, tuy nhiên đến nay, tiến độ chung mới đạt trên 30%.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết tiến độ tổng thể dự án đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào khai thác từ cuối năm 2021.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp