26/12/2017 19:58
Một cá nhân bị phạt 600 triệu đồng và buộc phải nộp lại hơn 9 tỉ đồng vì thao túng cổ phiếu SPI
Tổng số tiền xử phạt hành chính và buộc nộp lại khoản thu lợi bất chính với bà Đỗ Thị Cẩm Thúy ở Hà Nội là đến gần 10 tỉ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra Quyết định số 1204/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đỗ Thị Cẩm Thúy. Bà Thúy ở tại số 87 Ngõ 72 Quan Nhân, Nhân Chính, Hà Nội. Bà Thúy bị xử phạt hành chính do thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần Đá Spilít (SPI).
Cụ thể, bà Đỗ Thị Cẩm Thuý đã mở 1 tài khoản và nhờ 15 cá nhân mở 28 tài khoản tại 4 công ty chứng khoán khác nhau. Trong khoảng thời gian từ ngày 1/9/2015 đến 13/5/2016, 29 tài khoản này liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo và thao túng cổ phiếu SPI.
Một cá nhân thao túng cổ phiếu SPI đã bị buộc nộp lại hơn 9 tỉ đồng. Ảnh: Mỏ đá của SPI. |
Căn cứ kết quả xác minh của cơ quan công an ngày 28/11, chưa đủ căn cứ để khởi tố bà Đỗ Thị Cẩm Thúy theo Điều 181c Bộ Luật Hình sự 1999 về tội thao túng chứng khoán). Ngày 26/12/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ký Quyết định số 1204 phạt tiền 600 triệu đồng đối với bà Thúy.
Ngoài ra, bà Thúy còn buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là 9.281.500.050 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 29 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.
Như vậy, tổng số tiền mà bà Thúy phải nộp là 9.881.500.050 đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 26/12.
Trước đó, hồi giữa tháng 11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng ký quyết định số 1039/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Ông Trịnh Văn Quyết và phạt tiền 65 triệu đồng vì không báo cáo dự kiến giao dịch. Cụ thể, ông Quyết đã bán ra 57 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 20-24/10 nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE.
Việc giao dịch của ông Quyết được thực hiện khi cổ phiếu FLC ở ngưỡng 7.100-7.700 đồng, với giá trị giao dịch thu về ước tính đạt hơn 400 tỉ đồng. Ngay sau đó, cổ phiếu FLC giảm về mức 6.500 đồng, mất gần 10% giá trị.
Ông Trịnh Văn Quyết bán chui 57 triệu cổ phiếu, thu về hơn 400 tỉ đồng. Trừ đi giá vốn, ông Quyết đã thu lợi khoảng 50 tỉ đồng sau thương vụ này nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ phạt 65 triệu đồng. Điều này đã gây nên sự bất bình trong giới đầu tư chứng khoán.
Theo Hiệp hội các nhà Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), hành động bán chui này đã lừa gạt nhà đầu tư, làm cho hàng trăm nhà đầu tư thua lỗ và làm cho thị trường chứng khoán bất bình.
VAFI cho rằng, hành vi của ông Quyết không đơn giản chỉ là bán chui cổ phiếu mà phải là hành vi lừa đảo nhà đầu tư để bán chui cổ phiếu. Bởi ông Quyết đã vi phạm Điểm 1 và 2 Điều 9 về Quy định các hành vi bị cấm của Luật Chứng khoán ban hành ngày 29/6/2006.
VAFI cũng cho rằng, mức xử phạt 65 triệu đồng theo Quyết định 1039 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là quyết định không thể chấp nhận được. Nó mang nặng cơ chế xin cho hay duyên nợ, pháp luật thì bị bẻ cong.
Các cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét lại hình thức xử phạt sau khi định danh đúng bản chất của sai phạm theo Luật hiện hành. Theo Khoản 2 Điều 29 Nghị định 108/2013/NĐ-CP thì phạt tiền từ 1,2-1,4 tỉ đồng đối với hành vi gian lận hoặc tạo dựng, công bố thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua bán chứng khoán.
Tại Điểm 5 Điều 29 Nghị định 108 còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm Khoản 2 Điều 29.
VAFI và giới đầu tư rất lo ngại rằng nếu quyết định xử phạt không nghiêm thì pháp luật không được tôn trọng. Thực tế trong những năm gần đây tình trạng làm giá, thổi giá, hàng giả, hàng nhái tăng lên nhanh chóng đang đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Nếu những sai phạm như của ông Quyết mà chỉ phạt nhẹ như vậy thì càng nhiều kẻ đầu cơ sẽ công khai lừa đảo, làm giá chứng khoán để trục lợi từ các nhà đầu tư chân chính, nhà đầu tư nhỏ lẻ và sau đó họ chỉ bị mức phạt tượng trưng coi như không là gì so với lợi nhuận kiếm được và khi đó thị trường chứng khoán sẽ ra sao?”, VAFI đặt vấn đề.
Advertisement
Advertisement