Hôm nay (18/3), Moody's vừa đăng tải báo cáo, công bố về việc xếp hạng cho khả năng thanh toán nợ trái phiếu dài hạn và nợ 'được ưu tiên trả trước' không có tài sản bảo đảm (long-term issuer and senior unsecured ratings) được phát hành bởi Chính phủ Việt Nam lên Ba3.
Đồng thời, Moody’s cũng thay đổi đổi triển vọng của Việt Nam từ "tiêu cực" (theo nghiên cứu hồi tháng 12/2019) thành "tích cực".
Đơn vị này cho biết các động lực của triển vọng tích cực bao gồm các dấu hiệu cải thiện chính sách tài khóa và những cải thiện tiềm năng về sức mạnh kinh tế đến từ ngành sản xuất, tiêu dùng và trao đổi thương mại.
Moody’s đề cập tới thành công của Việt Nam đến từ việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế trong nước cũng như thương mại xuyên quốc gia, hỗ trợ thu thuế.
Ngoài ra, triển vọng đầu tư Việt Nam cũng tăng mạnh nhờ khả năng hội nhập quốc tế vào chuỗi cung ứng châu Á, cũng như nhu cầu về đồ điện tử, điện thoại thông minh, đồ nội thất và các mặt hàng sản xuất khác tăng nhanh và còn tiếp diễn sau đại dịch.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu đa dạng hóa địa điểm sản xuất tại châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút vốn FDI nhờ chi phí lao động cạnh tranh, ổn định chính trị và các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.
Đồng thời, Moody’s cho rằng các yếu tố khiến triển vọng Việt Nam trước đó bị đánh giá tiêu cực như khả năng giám sát và minh bạch đã được cải thiện. Moody's sẽ tiếp tục giám sát các hoạt động và hệ thống mà chính phủ đang áp dụng để đảm bảo thanh toán kịp thời các khoản nợ trực tiếp và gián tiếp.
Bên cạnh đó, đánh giá mức trần đồng nội tệ và ngoại tệ của Việt Nam không thay đổi, vẫn nằm ở mức Baa3 và Ba2 tương ứng. Mức trần đồng nội tệ thể hiện quyết sách chưa rõ ràng và suy giảm dấu ấn quốc doanh trong nền kinh tế. Mức trần đồng ngoại tệ phản ánh hạn chế đối với dòng vốn dẫn đến hạn chế chuyển nhượng và chuyển đổi khi cần thiết.
Khả năng Việt Nam bị tụt hạng tín nhiệm khó có thể xảy ra
Theo Moody's, xếp hạng Ba3 cân bằng giữa các yếu tố của nền kinh tế Việt Nam: sức tăng trưởng mạnh mẽ, khả năng thanh khoản thấp, các rủi ro bên ngoài, sức mạnh thể chế và khả năng quản trị tương đối yếu và rủi ro thanh toán nợ đến hạn.
Đặc biệt, chiến lược thanh toán và đáo hạn nợ được cải thiện, ngày càng thu hút được nhiều hơn nguồn vốn trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải vay ưu đãi bên ngoài từ các chủ nợ chính thức, dẫn đến rủi ro trong thanh khoản. Kế hoạch tài khóa (thuế và đầu tư công) vẫn chưa rõ ràng và dễ bị ảnh hưởng bởi doanh thu hạn hẹp.
Bên cạnh sự cải thiện hiệu quả trong chính sách tài khóa và tiền tệ, sức mạnh kinh tế Việt Nam như khả năng bền vững thu hút vốn FDI và lợi ích từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu có thể giúp Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm trong đầu tư.
Ngoài ra, Moody’s cũng đánh giá rằng khả năng Việt Nam bị tụt hạng tín nhiệm khó có thể xảy ra trong tương lai gần.
Moody's là công ty chuyên đưa ra đánh giá về mức độ rủi ro của các công cụ nợ (debt instrument). Nhà đầu tư trên toàn thế giới luôn chú ý đến các xếp hạng của Moody's đối với trái phiếu, cổ phiếu của các công ty và chính phủ.
Trong thang xếp hạng của Moody’s, AAA là mức cao nhất đối với các nhà phát hành nợ có rủi ro thấp nhất; đến mức C là các loại trái phiếu có rất ít khả năng thu hồi được nợ gốc và lãi.