24/01/2021 15:02
Mối quan hệ giữa Mỹ và châu Á sẽ như thế nào dưới thời ông Biden?
Các đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Á hy vọng rằng chính quyền ông Biden sẽ "hồi sinh" các mối quan hệ truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hoài nghi...
Ông Biden sẽ hồi sinh các mối quan hệ đồng minh truyền thống?
Trong bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức của mình hôm 20/1, ông Biden đã thể hiện mong muốn thu hẹp sự chia rẽ đất nước sau một kỳ bầu cử được xem là "hỗn loạn" nhất lịch sử của quốc gia này, sự chia rẽ đã đe dọa không chỉ bản thân nước Mỹ mà còn mối đe dọa cho các nền dân chủ khác.
“Đây là ngày của nước Mỹ. Đây là ngày dân chủ. Một ngày của lịch sử và hy vọng, đổi mới và quyết tâm. Nước Mỹ đã được thử thách một lần nữa và nước Mỹ đã vượt qua thách thức", ông mở đầu bài phát biểu của mình.
Một lần nữa, chúng tôi nhận thấy rằng nền dân chủ là điều đáng quý. Nền dân chủ thật mong manh. Và vào giờ này, các bạn của tôi, nền dân chủ đã thắng thế. Thế giới đang dõi theo chúng ta trong ngày này và vì vậy, đây là thông điệp của tôi tới những người bên ngoài biên giới của chúng ta rằng: nước Mỹ đã được thử thách và chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn vì điều đó”, ông nói thêm.
Bài phát biểu của ông Biden được cho trấn an một thế giới đang cảnh giác với chính sách thất thường của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Trước đó, vị Tống thống tiền nhiệm đã gây mất niềm tin với các đồng minh khi rút Mỹ ra khỏi các thỏa thuận quốc tế, đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại, gây áp lực lên các đồng minh nhiều hơn về nhiều vấn đề, trong đó có chi tiêu quốc phòng.
"Chúng tôi sẽ hàn gắn lại các liên minh và lại tương tác với thế giới, không phải để đáp ứng những thách thức của ngày hôm qua mà là thách thức của hôm nay và ngày mai. Chúng tôi sẽ là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy vì hòa bình, tiến bộ và an ninh. Chúng ta có thể biến Mỹ, một lần nữa, trở thành lực lượng hàng đầu vì điều tốt đẹp trên thế giới", Biden nói.
Khi được hỏi về các ưu tiên toàn cầu của Mỹ dưới thời của chính quyền Biden, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nói trong một cuộc họp báo rằng “ưu tiên của ông ấy là xây dựng lại các mối quan hệ đối tác và liên minh, qua đó giành lại vị trí của Mỹ trên các vấn đề toàn cầu”.
Quan điểm của chính quyền Biden báo hiệu sự quay trở lại chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, một sự thay đổi được Tokyo hoan nghênh.
Thủ tướng Yoshihide Suga đã nhanh chóng lên Twitter chúc mừng tân tổng thống Hoa Kỳ và phó Tổng thống Kamala Harris.
“Xin chúc mừng Tổng thống Biden và phó TT Kamala Harris. Nhật Bản và Hoa Kỳ là những đồng minh được ràng buộc chặt chẽ bởi các mối quan hệ và các giá trị chung. Tôi mong muốn được làm việc với bạn và nhóm của bạn để củng cố liên minh của chúng ta và hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng”, ông Suga viết.
Phát biểu với các phóng viên sau đó tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo, ông Suga cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ với ông Biden trong các vấn đề toàn cầu như đại dịch và biến đổi khí hậu.
Chính phủ Nhật Bản cũng hoan nghênh việc ông Biden đảo ngược quyết định của ông Trump về việc rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp định khí hậu Paris. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi cho rằng sự tham gia của Washington vào thỏa thuận Paris là “quan trọng” và giúp tạo sự thành công cho hiệp định này.
Ông Biden tạo hoài nghi do chọn nhiều nhân vật chủ chốt thuộc chính quyền Obama
Tại châu Á, chính quyền Biden cũng sẽ đối phó với nhiều thay đổi so với thời ông Barack Obama nắm quyền.
Dưới thời Trump, quan hệ Trung-Mỹ đã giảm xuống mức thấp lịch sử; Triều Tiên tiếp tục cải tiến kho vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công Mỹ; quan hệ cấp cao với Đông Nam Á không có nhiều tiến triển.
Nhóm của Biden đang cố gắng gửi những thông điệp hợp tác mới đến các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với việc ông chỉ định nhiều cựu quan chức chính quyền Obama vào các vị trí chủ chốt trong Nội các đã gây ra lo ngại rằng cách tiếp cận của chính quyền ông Biden có thể lạc hậu.
Đặc biệt, Tokyo lo ngại rằng chính quyền mới có thể có đường lối mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác trong các vấn đề khác như biến đổi khí hậu và đại dịch, những động thái có thể làm mất vị thế của Nhật Bản ở châu Á và cản trở các mục tiêu chiến lược của nước này.
Ông Aki Tonami, phó Giáo sư Kinh tế và Quan hệ quốc tế tại Đại học Tsukuba cho biết: “Có những lo ngại trong cộng đồng xây dựng chính sách của Nhật Bản về chính quyền Biden, đặc biệt là về chính sách châu Á của họ. Mối quan tâm dường như đang gia tăng đặc biệt vì các chức vụ tại Bộ Ngoại giao và NSC (Hội đồng An ninh Quốc gia) chứa đầy nhân viên từ chính quyền Obama, những người dường như đánh giá sai về Trung Quốc và Nga”.
Toshihiro Nakayama, một giáo sư của Đại học Keio, người chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại và chính trị Hoa Kỳ, cũng chỉ ra sự “tối quan trọng” của Đông Nam Á, nơi ông nói rằng có “sự hoài nghi mạnh mẽ” về việc liệu Hoa Kỳ có còn là một cường quốc hay không.
Nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Đông Nam Á và trấn an họ về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực được coi là điều không thể thiếu đối với mục tiêu của chính quyền Biden. Đó là thành lập một liên minh các quốc gia để đối đầu với trỗi dậy của Trung Quốc, theo các nhà quan sát.
Một chiến lược kinh tế và an ninh song song của Hoa Kỳ đối với những quốc gia này sẽ trùng lặp với chiến lược FOIP của chính Nhật Bản, mà ông Suga đã triển khai tập trung mạnh vào Đông Nam Á, nơi ông đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng vào năm ngoái.
Tuy nhiên, trong lựa chọn của Biden cũng có những nhân vật phần nào trấn an lo lắng của các đồng minh tại châu Á.
Đó là ông Antony Blinken, người được chọn làm Ngoại trưởng, khi người này khá am hiểu về Trung Quốc.
“Khi chúng tôi nhìn vào Trung Quốc, chắc chắn rằng nó đặt ra thách thức quan trọng nhất” đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ', ông cho biết.
“Có những khía cạnh bất lợi đang gia tăng của mối quan hệ; chắc chắn là có cái cạnh tranh và có cái hợp tác, khi nó có lợi cho cả hai bên”, ông nói thêm.
Trong khi đó, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã mô tả Trung Quốc là “mối đe dọa đang phát triển”, ám chỉ một đối thủ đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thách thức chiến lược quốc phòng của Mỹ.
Ông nói rằng Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong quá trình thúc đẩy hiện đại hóa quân đội trong hai thập kỷ qua, đồng thời áp dụng các hành vi hung hăng và đôi khi mang tính ép buộc chống lại các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Ông Keio’s Nakayama nói: “Sẽ rất khó khăn. Sẽ mất một thời gian để Mỹ sửa chữa hình ảnh của mình. Trong thời gian chờ đợi, nhiệm vụ của ông Biden là phải chữa lành những vết thương trong nước và đặt nền tảng cho chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Mỹ ”.
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng, các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương kỳ vọng Hoa Kỳ có thể hồi sinh các mối quan hệ đồng minh vốn có của mình dười thời của chính quyền Biden.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp