24/04/2019 10:39
Mỗi người Việt chi 17 USD cho sản phẩm của Masan trong năm 2018
Năm 2018, tổng doanh thu của tập đoàn Masan hơn 1,7 tỷ USD. Tính trung bình trong năm, mỗi người Việt chi hơn 17 USD cho các sản phẩm của tập đoàn.
Tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2019 của tập đoàn Masan sáng 24/4, ông Danny Le, thành viên HĐQT Masan, cho biết trung bình mỗi người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018 chi 17 USD cho các sản phẩm của Masan dựa trên kết quả tổng doanh thu của tập đoàn là 1,7 tỷ USD.
Bất chấp một số khủng hoảng truyền thông, Masan vẫn đạt kết quả tăng trưởng 35% trong mảng gia vị, và chiếm hơn 65% thị phần toàn thị trường. Năm 2019, Masan đặt mục tiêu tăng trưởng mảng kinh doanh này ở mức chỉ trên 10%.
Trong khi đó theo thông tin từ Zingnews, tại đại hội cổ đông 2017, Masan cho biết mỗi người Việt đang trả 2 USD/tháng cho sản phẩm Masan. Và mục tiêu doanh nghiệp này đặt ra đến năm 2020, mỗi người tiêu dùng có thể chi thấp nhất 10 USD/tháng mua các sản phẩm của Masan.
Năm nay, tập đoàn Masan đặt mục tiêu mỗi người tiêu dùng Việt sẽ chi 19-21 USD/năm cho các sản phẩm của mình. Doanh thu mục tiêu của toàn tập đoàn là 1,9-2,1 tỷ USD, tăng trưởng 18-31% so với năm 2018.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 sáng 24/4. Ảnh: Zingnews. |
Trong đó, Masan Consumer dự kiến tăng trưởng 21-35%, Masan Nutri-Science kỳ vọng tăng trưởng hơn 20%, Techcombank đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 15% còn Masan Resources hy vọng tăng trưởng 12-24%.
Trong dài hạn, ông Danny Le khẳng định Masan hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD doanh số, khi đó mỗi người Việt sẽ chi khoảng hơn 50 USD cho các sản phẩm của Masan.
Phát biểu trước cổ đông, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT tập đoàn, cho biết một người bạn ông đã đặt câu hỏi vì sao một người học về vật lý hạt nhân lại đi buôn mì gói.
"Tôi không chọn mì gói, mà bối cảnh dẫn chúng tôi đến lựa chọn này. 20 năm trước, chúng tôi đói, và chỉ mong được ấm bụng với một gói mì gói. Và chúng tôi phát hiện ra không chỉ người Việt Nam đói, cần gói mì, mà 140 triệu người Nga không dùng khoai tây, và cũng cần gói mì để giải quyết cơn đó. Đó là cách Masan bắt đầu sự nghiệp", ông chủ Masan nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp