01/07/2020 16:07
Mỗi ngày, Việt Nam có 80 doanh nghiệp đăng ký hoạt động
Tổng cục Thống kê vừa báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2020, chỉ ra nhiều điểm phục hồi tích cực của sức khoẻ nền kinh tế.
Tổng cục Thống kê nhận định: “Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại”.
Doanh nghiệp giải thể giảm so với năm ngoái
Tính chung 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 697.100 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 người. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tuột dốc rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động.
Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục của sức khoẻ nhiều doanh nghiệp đang tiến triển tốt. 6 tháng qua có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với 6 tháng đầu năm 2019. Điều này nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên 87.200 doanh nghiệp. Trung bình mỗi ngày có gần 80 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Doanh nghiệp Việt Nam dẫn phục hồi sức khoẻ sau cao điểm đại dịch COVID-19. Ảnh: VietnamPlus |
Trong 6 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29.200 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ có 19.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 7.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Hai con số trên thậm chí còn đi lùi so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt giảm 10,2% và giảm 5%.
Tổng cục Thống kê chỉ ra, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo,… Nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục… tuy chiều nhiều thiệt thòi từ đại dịch nhưng chỉ xếp ở nhóm ngành có doanh nghiệp giải thể ở mức trung bình.
Về tương lai, Tổng cục Thống kê thu thập được nhiều số liệu chứng tỏ tâm lý kinh doanh trong nước đã được cải thiện rất nhiều so với giai đoạn cao điểm đại dịch COVID-19. Theo khảo sát, có 27,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2020 tốt hơn quý I/2020; 40,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 31,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2020 so với quý II/2020, có 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 19,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 31,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sẽ ổn định.
Doanh thu du lịch giảm sốc hơn 50%
Theo đà của tháng 5/2020, hoạt động thương mại dịch vụ trong nước tháng 6 tiếp tục tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%, chỉ đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,6% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê giải thích là do nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào và hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội.
Trong đó, lương thực, thực phẩm và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình là nhóm hàng được người Việt Nam tăng cường mua sắm. Đối ngược lại, may mặc, phương tiện đi lại và vật phẩm văn hoá, giáo dục là nhóm hàng khá ế ẩm trong thời gian qua.
Bán lẻ hàng hoá trong 6 tháng đầu năm vẫn rất sôi động, nhất là lương thực và thực phẩm. Ảnh: Tất Đạt |
Dịch vụ lưu trú, ăn uống là nhóm ngành chịu không ít tổn thương trong cao điểm COVID-19. Doanh thu 6 tháng đầu năm nay chỉ còn 234.700 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng mức và giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu quý II/2020 giảm mạnh 26,1% do ảnh hưởng của tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Du lịch lữ hành cũng là đối tượng chịu tác động mạnh của dịch bệnh. Doanh thu 6 tháng qua chỉ có 10.000 tỷ đồng, chiếm vỏn vẹn 0,4% tổng mức. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu ngành này giảm sốc tới 53,2%. Theo Tổng cục Thống kê, việc tạm dừng tiếp nhận khách du lịch quốc tế để khống chế dịch và tình trạng học sinh, sinh viên chưa nghỉ hè đã khiến du lịch quốc tế tê liệt, còn du lịch nội địa thì kém sôi động.
Trong số đó, các địa phương là tụ điểm du lịch hàng đầu của đất nước đều có mức suy giảm doanh thu hơn 2/3 so với năm ngoái. Cụ thể, doanh thu du lịch lữ hành của Khánh Hòa giảm đến 73,5%; TP.HCM cũng giảm không kém 71,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 66,2%; Quảng Ninh giảm 60,8%,…
Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng. Do đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu, đạt mức 4 tỷ USD.
Trong quý II/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,98 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước và giảm 8,3% so với quý I năm nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7%). Nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do các hãng, trong đó có Samsung, không ra mắt mẫu điện thoại mới vì đại dịch COVID-19.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 19,5 tỷ USD, tăng 17,4% mà phần nhiều là nhờ mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng 127,9%. Thị trường EU tiếp tục giữ hạng thứ ba đạt 16,1 tỷ USD, nhưng lại giảm 8,8% so với năm ngoái.
Các bạn hàng lớn của Việt Nam vẫn còn đối phó với dịch nên trong quý II/2020, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 57,68 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 3% so với quý I năm nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ghi nhận ở mức 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Hải quan báo cáo có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhóm điện tử, máy tính và linh kiện dẫn đầu, đạt 27 tỷ USD, chiếm 23,1% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Xếp sau là nhóm hàng máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, điện thoại và linh kiện,…
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 34,8 tỷ USD, dù giảm giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm đến 10%. Thị trường ASEAN đứng hạng thứ ba khi đạt 14,2 tỷ USD, giảm mạnh 11,9% so với năm 2019.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp