22/08/2018 14:58
Mỗi giây trôi đi cả thế giới vứt bỏ 66 tấn thực phẩm
Tình trạng lãng phí thực phẩm sẽ diễn biến trầm trọng đến năm 2030, nếu thói quen tiêu thụ và chế biến của người tiêu dùng không thay đổi.
"Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng thực sự ở cấp độ toàn cầu". Đó là nhận định của Esben Hegnsholt, một trong những tác giả của nghiên cứu về tình trạng lãng phí thực phẩm được công bố ngày 21/8.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên vấn đề lãng phí thực phẩm trên toàn thế giới, song nghiên cứu này đưa ra con số cụ thể dự báo tình trạng lãng phí thực phẩm diễn biến trầm trọng đến năm 2030, nếu thói quen tiêu thụ và chế biến của người tiêu dùng và các nhà sản xuất không thay đổi.
Cụ thể, nghiên cứu cảnh báo nguy cơ tới năm 2030, toàn thế giới sẽ lãng phí 2,1 tỷ tấn thực phẩm (trị giá tương đương 1.500 tỷ USD) mỗi năm.
Cứ mỗi giây trôi qua, có 66 tấn thực phẩm bị vất bỏ trên toàn thế giới. |
Lượng thực phẩm bị sử dụng một cách lãng phí hoặc bị vứt bỏ hiện nay là 1,6 tỷ tấn/năm (trị giá tương đương 1.200 tỷ USD). Phép tính cụ thể hơn cho thấy đến năm 2030, mỗi giây trên thế giới sẽ có khoảng 66 tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Về tổng thể, mỗi năm, thế giới vứt bỏ tới 30% lượng thực phẩm được sản xuất ra.
Nghiên cứu của Công ty tham vấn Boston (BCG) phản ánh rõ sự khác biệt về thực trạng lãng phí thực phẩm ở các nước phát triển và đang phát triển. Tình trạng lãng phí thực phẩm ở các nước đang phát triển xảy ra ở khâu sản xuất và chế biến. Trong khi đó, ở các nước phát triển việc lãng phí lại xảy ra ở khâu phân phối của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng "quá tay" trong việc mua thực phẩm, hoặc thực phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về hình thức (kém tươi sống).
Theo ước tính của Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO), tình trạng lãng phí thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội mà còn gây áp lực nặng nề đối với môi trường. Các hoạt động xả thải thực phẩm chiếm tới 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây biến đổi khí hậu Trái đất. Để giải quyết tình trạng này, Liên hợp quốc đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% lượng thực phẩm lãng phí tính trên đầu người, cũng như giảm thất thoát thực phẩm trong quá trình sản xuất và cung ứng.
Nghiên cứu cũng xác định 5 sự thay đổi có thể giúp tiết kiệm gần 700 tỷ USD trong cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm. Đó là nhận thức của người tiêu dùng, các quy định chặt chẽ hơn, hệ thống cung ứng thực phẩm hiệu quả hơn, có sự hợp tác chặt chẽ trong hoạt động cung ứng và sản xuất thực phẩm.
Theo Liz Goodwin, Giám đốc Chương trình Chống lãng phí thực phẩm của Viện Các nguồn tài nguyên thế giới, người tiêu dùng, các doanh nghiệp và các nhà lập pháp chính là những người có vai trò dẫn dắt trong việc định hướng những thay đổi giúp cải thiện tình trạng lãng phí thực phẩm.
Advertisement
Advertisement