03/09/2020 21:33
‘Mỏ vàng’ của tỷ phú Jack Ma lên sàn để gom tiền đối đầu với Tencent?
Sau đợt IPO sắp tới để huy động 30 tỷ USD, Ant Group của tỷ phú Jack Ma phải tập trung đối đầu với đối thủ truyền kỳ Tencent.
Ant Group với 711 triệu người dùng hàng tháng, tổng giao dịch thông qua nền tảng tới 17.000 tỷ USD, đang chuẩn bị lên sàn và sẽ là buổi IPO lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể chú ý vào mối đe dọa lâu dài đối với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ từ đối thủ truyền kiếp Tencent Holdings.
Đối thủ truyền kỳ là Tencent
Ant Group với đại diện là Ant Financial dự kiến sẽ gia nhập tổ chức tài chính toàn cầu hàng đầu cùng với Bank of America khi họ tìm cách huy động khoảng 30 tỷ USD với mức định giá khoảng 225 tỷ USD ở Hồng Kông và Thượng Hải.
Nhưng để đi đến đích này, Bloomberg cho rằng không phải dễ dàng. Trang này nhận xét: “Khi cát bụi lắng xuống, viên ngọc quý từ đế chế Alibaba Group của Jack Ma phải đối mặt với thách thức mới bởi kẻ thù truyền kiếp Tencent đang ngày càng lấn sân sang lĩnh vực của họ từ thanh toán đến quản lý tài sản”.
Hai tập đoàn lớn nhất Trung Quốc Alibaba và Tencent đang giành giật vị trí dẫn đầu trong mọi lĩnh vực trực tuyến từ giải trí đến thương mại điện tử và điện toán đám mây. Chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến là có mặt trên 1 tỷ phương tiện mà người Trung Quốc đang dùng để tiêu tiền. Ant Group được sở hữu 33% bởi Alibaba và WeChat của Tencent hiện là những “ứng dụng xương sống” cho điện thoại thông minh, có khả năng làm chủ điều này.
Alipay có mặt khắp Trung Quốc, đang cho phép người nước ngoài sử dụng. Ảnh: Fintech News Hong Kong |
“Ant Group nên cảnh giác với hệ sinh thái Tencent rộng lớn hơn, đang lấy đi lưu lượng thanh toán đáng kể của họ. Mặc dù Ant có dữ liệu chất lượng tốt hơn từ thương mại điện tử, nhưng họ cần phải đảm bảo rằng họ không mất quá nhiều thị phần trong các ngành có tần suất sử dụng cao như gọi xe, giao đồ ăn và bán lẻ ngoại tuyến”, Shawn Dương, giám đốc điều hành Blue Lotus Capital Advisors có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết.
Một lợi thế của Tencent so với Ant là WeChat, công cụ giao tiếp, làm việc dành cho hơn 1 tỷ người Trung Quốc và hàng triệu ứng dụng chơi game và tiêu dùng mà họ sử dụng hàng ngày. WeChat Pay của họ là chất bôi trơn cho hệ sinh thái thanh toán và phần mềm độc lập kết nối người mua sắm với cả những tên tuổi lớn như Walmart và Didi Chuxing cũng như các thương gia bán lẻ trên khắp Trung Quốc.
Chỉ mất 5 năm để Tencent chiếm được phần đáng kể trong thị trường thanh toán trực tuyến trị giá 36.000 tỷ USD của Trung Quốc nhờ vào các trò chơi điện tử và mạng xã hội. Từng chiếm 3/4 thị trường thanh toán di động của Trung Quốc, Alipay đã xử lý 55% giao dịch di động trong quý đầu tiên, còn Tencent tăng thị phần của mình lên 39%.
“Tencent và Ant đang trong một cuộc chiến tàn khốc về lưu lượng truy cập và người dùng. Họ không chỉ xây dựng các tuyến phòng thủ của mình mà còn tấn công lãnh thổ của nhau. Nếu bạn thua ở một đấu trường này, bạn sẽ phải bắt kịp đối thủ ở đấu trường khác”, Kế Vân, một nhà phân tích tại Singapore của DZT Research, ví von.
Tencent đang lôi kéo đồng bọn “chống lại Alibaba”
Hiện tại, Tencent đang tìm cách thu hút các doanh nhân và thương hiệu khỏi các thị trường trực tuyến của Alibaba bằng cách xây dựng một nền tảng thương mại điện tử ngay trên ứng dụng phổ biến WeChat của mình. Điều này đang thúc đẩy cuộc chiến trong lĩnh vực thanh toán, thu hút lưu lượng truy cập đặc biệt là từ các công ty đang cạnh tranh với hệ sinh thái Alibaba.
Các nhà đầu tư lớn nhất của Tencent đã tập hợp lại để “chống lại Alibaba”. Tháng trước, gã khổng lồ giao hàng thực phẩm Meituan Dianping đã ngừng chấp nhận Alipay làm tùy chọn thanh toán cho một số người dùng. Nhà bán lẻ trực tuyến số 2 Trung Quốc JD.com từ lâu đã loại bỏ Alipay để chuyển sang sử dụng hệ thống nội bộ và WeChat.
Cao Lỗi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Điện tử Trung Quốc tại Hàng Châu, cho biết: “Một số đối thủ của Alibaba đã loại bỏ Alipay khỏi nền tảng của họ vì họ muốn bảo vệ dữ liệu và thông tin kinh doanh của riêng mình, điều đó mang lại lợi thế cho Tencent”.
Wechat Pay đang "ăn thua đủ" với Alipay nhờ công ty mẹ Tencent thống trị ngành truyền thông. Ảnh: Tech In Asia |
Ngày nay, việc di chuyển và mua sắm ở các thành phố lớn của Trung Quốc với ví di động Alipay hoặc WeChat dễ dàng hơn so với việc mang theo một túi chứa đầy tiền giấy. Nhưng trở lại vào năm 2004, Alipay được tạo ra để giải quyết các vấn đề về niềm tin trong những ngày đầu của mua sắm trực tuyến, như một loại dịch vụ ký quỹ trước khi nó bùng nổ cùng với thương mại điện tử.
Sự nổi lên của WeChat lại là một câu chuyện khác. Ứng dụng nhắn tin của Tencent đã ra mắt chức năng thanh toán vào cuối năm 2013 và bắt kịp bằng cách số hóa truyền thống hàng thế kỷ của Trung Quốc là tặng phong bao lì xì trong dịp Tết Nguyên đán.
Mánh lới quảng cáo tiếp thị nhanh chóng thúc đẩy người dùng liên kết tài khoản ngân hàng của họ với WeChat, sau đó họ bắt đầu gửi tiền cho bạn bè và mua hàng thông qua nền tảng của WeChat. Trong những năm tiếp theo, Alipay đã phải tham gia vào các chiến dịch tặng bao lì xì tốn kém để giành lại người dùng.
Đồ họa: Tất Đạt |
Ant Group muốn thành siêu ứng dụng
Ant Group hiện đang hình dung sự phát triển vượt ra ngoài lĩnh vực fintech, một tham vọng được đánh dấu bằng việc đổi tên đăng ký từ Ant Financial Services Group thành Ant Group vào tháng 5 vừa qua.
Bloomberg cho rằng, nguyên nhân là vì họ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong cuộc chiến cung cấp các dịch vụ tiêu dùng hàng ngày từ giao đồ ăn đến đặt phòng khách sạn và du lịch, một lĩnh vực mà Tencent nắm giữ lợi thế đi đầu bằng cách nhúng các ứng dụng nhỏ hoặc chương trình nhỏ trong chính nền tảng của WeChat.
Khái niệm ứng dụng tất cả trong một, hay còn gọi là siêu ứng dụng, đã được Ant mô phỏng lại. Alipay ngày nay tổ chức hơn 2 triệu chương trình nhỏ để phục vụ 600 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Tencent cho biết vào tháng 5/2020, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của các chương trình nhỏ của WeChat đã vượt qua 400 triệu người.
Bất chấp sự thống trị của Tencent trong lĩnh vực truyền thông và tiêu dùng hàng ngày, hoạt động kinh doanh sinh lợi nhất cho cả hai công ty vẫn đến từ các dịch vụ tài chính được xây dựng trên nền tảng thanh toán. Theo Bloomberg, đó là nơi Ant lão luyện hơn.
Đồ họa: Tất Đạt |
Là những người môi giới cho các ngân hàng truyền thống, Alipay và WeChat đã tận dụng các ứng dụng phổ biến của họ để cung cấp cho người dùng các khoản vay ngắn hạn, bảo hiểm, các sản phẩm quản lý tài sản và các dịch vụ tài chính khác với tỷ lệ truy cập và cách tiếp cận dễ dàng hơn nhiều.
Tuy nhiên, sự phát triển của tài chính phi truyền thống đã thu hút sự chú ý của các nhà quản lý. Bắc Kinh đã thông qua các quy định mới trong tuần này để thắt chặt giám sát lĩnh vực này, yêu cầu các công ty phi tài chính hoặc cá nhân có doanh nghiệp hoạt động trong ít nhất hai lĩnh vực tài chính và đáp ứng các ngưỡng tài sản nhất định sẽ được phân loại là “công ty nắm giữ tài chính” và phải xin giấy phép.
Động thái này diễn ra khi hoạt động cho vay trực tuyến dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ đã vượt qua thanh toán di động trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của Ant, chiếm 39% trong tổng số 10,5 tỷ USD doanh thu trong nửa đầu năm nay.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp