20/12/2020 08:18
Mô hình xe đạp công cộng ở các nước trên thế giới vận hành như thế nào?
Ở Pháp bạn phải đặt cọc tiền bằng giá trị một chiếc xe khi thuê, còn tại "vương quốc xe đạp" Hà Lan, có hẳn khẩu hiệu đầy quyền lực “xe đạp trước tiên”.
Chiều 18/12, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết UBND TP đồng ý chủ trương thí điểm hệ thống xe đạp công cộng Mobike ở khu vực trung tâm. Sở cũng đang hoàn chỉnh báo cáo trình thường trực UBND TP thông qua, theo Zing.
Thực tế mô hình này đã được triển khai tại các thành phố lớn ở các nước như Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp và đặc biệt là Hà Lan, vốn được mệnh danh là "vương quốc xe đạp" với xe đạp còn nhiều hơn người.
Trung Quốc
Tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải du khách có thể nhận thấy hầu như rất hiếm xe gắn máy mà chỉ có 4 phương tiện lưu thông chính đó là ô tô, xe máy điện, xe đạp công cộng và xe buýt. Hiện nay, hàng triệu chiếc xe đạp đã được đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, theo Dân trí.
Mỗi mẫu xe là của một nhà cung cấp khác nhau. Một phần vỉa hè làm nơi dựng xe đạp. |
Trong đó, xe đạp công cộng là phương tiện khá được ưa chuộng. Các công ty bố trí xe dạp của mình theo mẫu mã, màu sắc riêng. Các xe này được dựng ngay trên vỉa hè, khi sử dụng thì người dùng chỉ cần lấy điện thoại, kích hoạt một phần mềm có sẵn chức năng quét mã QR.
Trên mỗi xe đạp đều có gắn mã QR và khi mã của xe nhận tín hiệu kích hoạt từ điện thoại thì khóa tự động mở. Mỗi lần kích hoạt, người dùng bị trừ 5 hào, tương đương một ngàn rưỡi đồng tiền Việt và được sử dụng trong 30 phút (giá năm 2017).
Trên mỗi xe đều có lắp mã QR. |
Khi sử dụng xong, người dùng dựng xe lại ngay ngắn trên vỉa hè. Nếu cố tình dựng xe không đúng nơi quy định thì thiết bị định vị trên thân xe sẽ báo về trung tâm xử lý. Người dùng vi phạm nhiều lần có thể bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Ở Trung Quốc quản lý sim điện thoại rất gắt gao nên số điện thoại rất quan trọng trong thông tin cá nhân của mỗi người dân.
Hàn Quốc
Sáng kiến lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2015 với 2.000 chiếc xe đạp tại bốn cổng lớn của thành phố Seoul: Yeouido, Sangam-dong, Sinchon và Seoungsu; 150 trạm xe đạp đã được lắp đặt tại các khoảng cách 300m xung quanh các trung tâm giao thông công cộng. Ý tưởng cho thuê xe đạp nhằm cải thiện sức khỏe của người dân cũng như giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và giá nhiên liệu cao.
Seo Juhee, Giám đốc Bộ phận Chính sách Xe đạp thuộc Chính quyền Thủ đô Seoul cho biết: Lúc đầu, chúng tôi có 30.000 thành viên nhưng giờ đã tăng lên 1,6 triệu.
Truy cập trang web hoặc ứng dụng điện thoại di động, bạn có thể mua một phiếu thuê xe tùy thuộc vào thời gian bạn muốn thuê một chiếc xe đạp. Nó có giá 1.000 won (0,9 đô la Mỹ) mỗi giờ trong tối đa hai giờ và cứ sau 30 phút sẽ tính phí 1.000 won.
Xe đạp Ttareungi thân thiện với phụ nữ, người cao tuổi và mọi người vì nó nhẹ và được làm từ vật liệu bền. |
Trên website có sẵn cả tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung bên cạnh tiếng Hàn nên khách du lịch đến Seoul có thể tùy chọn xe đạp để đi thăm quan thay cho các phương tiện khác. Nếu sử dụng ứng dụng đi động, bạn có thể kiểm tra một số thông tin như số dặm và thời gian và tính toán lượng calo bạn đang đốt.
Seo cho biết thêm, chính quyền thành phố Seoul đang có kế hoạch triển khai hơn 30 000 xe đạp công cộng vào năm 2020; “Kế hoạch là có một trạm xe đạp trong vòng năm phút đi bộ ở bất cứ đâu trong thành phố, cô nói.”
Pháp
Đặt chân đến Paris, cứ cách vài trăm mét hoặc cây số, lại thấy một bãi xe đạp công cộng tại vỉa hè các con phố mà không cần có người trông coi. Thỉnh thoảng lại có vị khách đến cà thẻ lấy xe đi, rồi một vài người đến trả xe. Marion (28 tuổi, nhân viên marketing) cho biết: “Xe đạp là cách di chuyển thuận tiện nhất ở Paris”, cô đi xe đạp 2-3 lần mỗi tuần. Với cô, những lúc các loại phương tiện cơ giới chen chúc một chỗ thì với tốc độ 5 km trong vòng 20 phút, cô vượt qua đám đông hỗn loạn để tới chỗ làm hoặc đi gặp khách hàng một cách nhẹ nhàng.
Các trạm cho thuê xe Vélib thường được bố trí ở các vị trí thuận tiện như gần ga tàu, bến xe, khu vực công viên, điểm du lịch, vỉa hè các con phố ở trung tâm mua sắm, khu thể thao…
Một điểm xe đạp công cộng tại thành phố Paris, Pháp. |
Tại mỗi trạm thuê xe đều có bản hướng dẫn bằng 8 thứ tiếng khác nhau để phục vụ du khách nước ngoài. Du khách có thể đăng ký và thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nếu sử dụng trong vòng 30 phút thì sẽ không phải trả tiền, còn từ phút thứ 31 đến phút 60 chỉ phải thanh toán 1 euro.
Khi kết thúc hành trình, người sử dụng có thể trả xe ở bất cứ trạm nào gần nhất. Tờ France24 nhận xét: “Sự cải tiến thông minh khiến xe đạp trở thành phương tiện thực sự hữu dụng chứ không chỉ là sở thích cuối tuần của người Paris”.
Nhiều người băn khoăn, làm sao xe để ngoài đường những không sợ mất, trả lời câu hỏi này, anh Hoàng Văn Thắng (Việt kiều tại Pháp) cho biết, hệ thống xe này được khóa tự động vào dãy cột ở bãi đỗ. Khách muốn đi phải quẹt thẻ mới lấy được xe. Với khách đi thường xuyên phải đặt cọc 300 euro (tương đương giá trị một chiếc xe đạp) cho công ty cung cấp dịch vụ để mở một tài khoản. Nếu lấy xe đi mà không trả lại thì coi như bị đóng luôn tài khoản.
Hà Lan
Người dân Hà Lan đặc biệt yêu thích phương tiện giao thông cá nhân này, ngay cả Thủ tướng Hà Lan cũng thường xuyên sử dụng xe đạp để đi làm. Thế nhưng, điều thú vị là người Hà Lan lại không hề gắn bó với xe đạp trong quá khứ.
Ở thủ đô Amsterdam vào đầu những năm 1970, người ta thậm chí còn tôn vinh xe hơi như là biểu tượng của sự giàu có và sang trọng, kể cả khi những chiếc xe gắn động cơ này làm tắc nghẽn các đường phố chật hẹp cũng như liên tục gây tai nạn chết người và đáng buồn hơn, nạn nhân phần lớn là trẻ em.
Cuộc biểu tình quy mô lớn mang tên Stop de Kindermoord (Ngăn chặn thủ phạm giết trẻ em) đã góp phần làm giảm số lượng ô tô ở Hà Lan vào những năm 1970. Ảnh: Dutch National Archive |
Sau rất nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình gay gắt diễn ra trên khắp đất nước, cùng với tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, cuối cùng, chính phủ Hà Lan đã phải chấp thuận kế hoạch hạn chế xe ô tô, đồng thời đầu tư mở hàng loạt làn đường dành riêng cho người đi xe đạp.
Hà Lan giờ đây đã được định danh là một "Vương quốc xe đạp". Ảnh: Timothy Clary/AFP via Getty Images |
Giờ đây, Hà Lan đã trở thành một “Vương quốc xe đạp” khi quốc gia này chỉ có 17 triệu dân nhưng lại sở hữu hơn 20 triệu chiếc xe đạp. Chưa kể có tới 35.000km đường dành riêng cho những người đi xe đạp, nơi họ có thể thảnh thơi lưu thông một cách an toàn mà không hề lo lắng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến với mình. Nếu chỉ phải di chuyển trong vòng 7,5km thì người dân Hà Lan không chọn phương tiện giao thông nào khác ngoài xe đạp.
Khả năng kết nối hoàn hảo giữa các làn đường dành riêng cho xe đạp với nhau khiến việc di chuyển bằng xe đạp trong nội ô các thành phố ở Hà Lan càng dễ dàng hơn bao giờ hết. Ảnh: Rick Nederstigt/AFP via Getty Images |
Ở Hà Lan, bạn có thể đi khắp thành phố một cách dễ dàng và an toàn bằng xe đạp vì họ đã biến các con đường riêng lẻ dành cho xe đạp thành một hệ thống kết nối với nhau. Thành phố Utrecht đang đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới như vậy với mỗi 200 đến 300 mét lại có một làn đường nhánh kết nối với các trục đường chính dành riêng cho người đi xe đạp.
Đặc biệt, ở Hà Lan có những con đường mà xe đạp được ưu tiên trước hết. Người dân mỗi khi ra đường bằng chiếc xe đạp của mình, họ luôn được ưu tiên bằng câu thần chú đầy quyền lực “xe đạp trước tiên” (fietsstraat).
Trên những con đường dùng chung giữa xe đạp và ô tô có tấm biển như thế này thì có nghĩa là, xe đạp được ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Modacity |
Theo đó, ngoài những làn đường dành riêng cho xe đạp thì ở những nơi mà các loại phương tiện khác nhau phải chia sẻ không gian cùng nhau thì ưu tiên số 1 là dành cho xe đạp, được thể hiện rõ qua những tấm biển vẽ hình chiếc xe đạp choáng ngay phía trước một chiếc ô tô với dòng chữ bằng tiếng Hà Lan có nghĩa “Xe đạp là chủ - Xe hơi là khách” (Fietsstraat - Auto te gast). Ở những con đường như thế này, xe ô tô bị giới hạn tốc độ không được quá 30km/giờ, không được phép vượt xe đạp và yếu tố an toàn cho người đi xe đạp được đặt lên cao nhất.
Ngoài ra, một số nơi còn cấm, hoặc hạn chế xe ô tô bằng nhiều biện pháp như nâng giá vé cắt cổ khi đậu xe ô tô, thậm chí là xóa sổ các điểm đậu xe ô tô. Điển hình là thành phố Amsterdam đang có kế hoạch xóa bỏ hơn 10.000 điểm đậu xe ô tô trong nội đô - một “cơn ác mộng” đối với bất cứ tài xế lái xe ô tô nào khi muốn di chuyển ở trung tâm thành phố.
Khuyến khích sử dụng xe đạp mang lại nhiều lợi ích cho con người. Ảnh: Modacity |
Bên cạnh các chế tài mạnh tay, chính quyền Hà Lan vẫn song song đẩy mạnh truyền thông một cách rõ ràng lợi ích của xe đạp như tăng cường vận động thể chất, hạn chế ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn động cơ, hộ kinh doanh bán được nhiều hàng cho khách du lịch hơn vì người đi bộ hoặc đi xe đạp dễ tiếp cận hơn so với xe hơi.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement