24/10/2023 09:41
Mô hình kinh tế xanh nhìn từ Cần Giờ
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm BSA vừa tổ chức "Tour trải nghiệm Xanh" đến các doanh nghiệp có mô hình kinh tế xanh tại Cần Giờ. Đây là chương trình chung sức cùng TP.HCM để thúc đẩy chuyển đổi và xây dựng mô hình kinh tế xanh.
Xuất hiện nhiều mô hình kinh tế xanh
Chuyến tham quan và trải nghiệm là một sáng kiến của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhằm tạo cơ hội để chia sẻ thông tin, kiến thức, và trải nghiệm thực tế về các mô hình kinh tế tuần hoàn, và kinh tế xanh – bền vững.
Chương trình không chỉ giới thiệu các mô hình kinh tế xanh mà còn thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và cộng đồng; kỳ vọng xây dựng mạng lưới cho những người có chung quan tâm và tinh thần đổi mới trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Có thể kể đến như doanh nghiệp mật dừa nước VIETNIPA; nơi nổi tiếng với việc "massage dừa" (dùng cây tạo lực gõ vừa phải lên cuốn dừa sau thu hoạch, cây dừa sẽ tiết ra một lượng lớn mật dừa). Từ loại mật này, doanh nghiệp đã tạo ra rất nhiều các sản phẩm từ mật hoa dừa như nước uống giải khát, mật dừa nước, đường ăn kiêng...
Theo ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (VIETNIPA), doanh nghiệp tận dụng một tài nguyên tự nhiên quý báu là dừa nước để phát triển nguồn thu nhập cho bà con nông dân nơi đây và cung cấp cho thị trường một loạt sản phẩm từ mật dừa nước.
Theo ông Tiến, các nước láng giềng như Philippines và Thái Lan đã phát triển một ngành công nghiệp từ mật dừa nước, và họ sản xuất nhiều sản phẩm từ dừa nước như đường, dấm, rượu và các sản phẩm khác. Trong khi Việt Nam là quê hương của cây dừa nước, tại sao chúng ta lại chưa phát triển một ngành công nghiệp tương tự?
Ông Tiến cho biết, mỗi cùi dừa nước có thể tiết ra 30 lít mật mỗi tháng với diện tích hiện tại trên 10 ha, doanh nghiệm có thể thu hơn 50.000 lít mật/tháng. Với mô hình kinh tế tuần hoàn xanh này, công ty không chỉ bảo vệ rừng dừa nước, tạo công ăn việc làm cho nông dân, nâng cao giá trị cây dừa nước mà còn hướng đến phát triển và bán chứng chỉ cacbon (giao dịch giấy phép khí nhà kính) từ việc phát triển cây dừa nước.
"Mật dừa nước phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất tạo ngọt, có khả năng thanh nhiệt, giải độc và phần nào bù lại lượng khoáng của cơ thể bị mất. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước, hoàn không dùng bất kỳ chất bảo quản nào trong quá trình sản xuất", ông Tiến chia sẻ.
Một doanh nghiệp khác thúc đẩy kinh tế xanh bền vững là Công ty Đầu tư Thương mại Dịch vụ Yến Đảo Cần Giờ, doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy các giải pháp kinh tế xanh và bền vững liên quan đến sản xuất và thương mại của sản phẩm yến đảo. Doanh nghiệp này chuyên cung cấp các sản phẩm tổ yến nguyên chất, đảm bảo 100% sử dụng yến từ huyện Cần Giờ.
Theo bà Phan Ngọc Diệu, Giám đốc quán lý nhà máy Yến Đảo Cần Giờ, thì Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO, vùng đất này đã được chứng minh là môi trường lý tưởng cho chim yến sinh sôi và phát triển.
Không bị tác động bởi khói bụi từ công nghiệp và thảm thực rừng ngập mặn, các loài chim yến tại Cần Giờ có điều kiện sống tốt quanh năm. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi chim yến tại Cần Giờ.
Tổ yến từ huyện đảo Cần Giờ có giá trị dinh dưỡng cao nhờ cách nuôi chim yến trong môi trường sạch từ thức ăn, nguồn nước đến bầu không khí của huyện đảo. Các quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói tổ yến được thực hiện tại nơi thu hoạch, giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và duy trì tinh túy của yến.
Bà Ngọc Diệu còn cho biết, doanh nghiệp phát triển hướng đến việc phát triển kinh doanh phải đi kèm với bảo vệ môi trường và đóng góp vào phát triển kinh tế và xã hội của Cần Giờ. Sự phát triển của Công ty Yến Đảo Cần Giờ không chỉ tạo thêm cơ hội việc làm, mà còn góp phần thúc đẩy du lịch sinh thái tại huyện. Điều này có thể giúp huyện Cần Giờ trở thành điểm đến hấp dẫn, đồng thời thúc đẩy du lịch sinh thái trong khu vực.
Bên cạnh đó, Công ty Yến Đảo Cần Giờ đã hợp tác với Trường Đại học Công Thương TP.HCM để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm yến sào khoa học, chất lượng, an toàn và hiệu quả giúp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao và có khả năng xuất khẩu.
Ngoài ra, tại Cần Giờ cũng đang thí điểm mô hình phân loại rác thải tại Lata Camping, một khu du lịch tọa lạc tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Theo đó, Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận, đang phải đối mặt với vấn nạn rác thải nhựa. UBND Huyện Cần Giờ đã hợp tác giữa Viện Nghiên Cứu Phát Triển TPHCM và Duy Tân Recycling thực hiện việc phân loại và thu gom rác thải nhựa tại Lata Camping, nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa lên môi trường,
Nhằm đảm bảo việc phân loại rác thải nhựa diễn ra một cách hiệu quả, Duy Tân Recycling đã tặng khu du lịch những thùng rác tái chế phục vụ cho quá trình này. Đồng thời, doanh nghiệp đã tổ chức các buổi đào tạo cho đội ngũ nhân viên tại Lata Camping, giúp họ nắm vững kỹ thuật phân loại rác và cung cấp hướng dẫn cụ thể cho du khách về cách phân loại rác thải một cách đúng đắn.
Đây là một phần trong dự án Cần Giờ xanh, mục tiêu của dự án là lan tỏa mô hình này đến nhiều khu du lịch khác trên toàn huyện Cần Giờ, nhằm tạo ra môi trường du lịch bền vững.
Nhiều giải pháp đưa sản phẩm xanh ra thị trường
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, "tour trải nghiệm xanh" không chỉ giới thiệu các mô hình kinh tế xanh mà còn đẩy mạnh sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp và cộng đồng, tạo cơ hội xây dựng mạng lưới với những người có quan tâm trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Bà Hạnh nhấn mạnh: "Nếu không đặt sự tập trung vào yếu tố xanh, doanh nghiệp sẽ khó duy trì cân bằng giá thành của sản phẩm theo tiêu chuẩn xanh, đặc biệt khi giá sản phẩm tăng do sử dụng nguyên liệu gần thiên nhiên, nguyên liệu tái chế và yếu tố bảo vệ môi trường.
Điều này đồng nghĩa rằng, để kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp cần phải quản lý chi phí một cách nghiêm ngặt, và nên tập trung vào một số sản phẩm quan trọng và thiết yếu theo hướng tiêu chuẩn xanh".
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm từ 2021- 2030, Việt Nam đã xác định thực hiện mục tiêu của "kinh tế xanh", một hướng tiếp cận kinh tế bền vững bao gồm việc giảm thiểu sản lượng chất thải, giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường và thúc đẩy sự phát triển của các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Để quảng bá và đưa sản phẩm của doanh nghiệp Cần Giờ ra thị trường trong nước và thế giới, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện đã tổ chức và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, quảng bá sản phẩm OCOP (Sản phẩm nông nghiệp, làm thủ công và thôn quê) của huyện Cần Giờ đến du khách. Những sản phẩm này sẽ trở thành quà tặng hấp dẫn cho du khách khi đến tham quan Cần Giờ và TP.HCM nói chung.
Các sản phẩm sau khi đạt danh hiệu này đã nhận được sự đầu tư cải tiến hơn, bao gồm cải tiến công nghệ, máy móc và nguồn nhân lực. UBND TP.HCM đã hỗ trợ việc quảng bá và giới thiệu các sản phẩm của Cần Giờ để tham gia vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn.
Theo ông Triển tại huyện Cần Giờ hiện có có 18 sản phẩm được công nhận, trong đó có 12 sản phẩm đạt danh hiệu OCOP 4 sao như tổ yến, xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa một nắng, tôm khô, tôm sú tự nhiên, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, mật dừa nước...
Mới đây nhất, để quảng bá và đưa sản phẩm của doanh nghiệp Cần Giờ ra thị trường trong nước và thế giới, huyện Cần Giờ đã phối hợp với TikTok cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức chiến dịch quảng bá nông đặc sản tại Cần Giờ qua nền tảng số.
"Huyện Cần Giờ đang nỗ lực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, được khởi xướng bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ năm 2018. Mục tiêu của chương trình là nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn và dịch vụ nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và xã hội nông thôn", ông Triển cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một giải pháp quan trọng và một xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh có thể nâng cao năng lực, cải thiện lợi thế cạnh tranh, tồn tại và phát triển, giảm giá thành cho các sản phẩm tại huyện Cần Giờ.
Trong đó hợp tác với TikTok có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này dài hạn đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Sự hợp tác này đóng góp vào việc củng cố và thực hiện mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, và định hướng phát triển đến năm 2030. Đồng thời, nó cũng giúp gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Con theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, thành phố với vị thế là trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, đã đặc biệt quan tâm đến việc đa dạng hóa các doanh nghiệp và sản phẩm từ khắp cả nước, kể cả các sản phẩm nông nghiệp.
Ông đánh giá cao sự nỗ lực của các bên hợp tác để thúc đẩy đào tạo và nâng cao năng lực, đồng thời khuyến khích việc chuyển đổi số và tư duy công nghệ số cho các đơn vị kinh doanh sản phẩm địa phương.
TP.HCM đang cam kết tiếp tục hợp tác mật thiết với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, TikTok, và các đối tác liên quan để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số và thúc đẩy thương mại số cho cả các sản phẩm và ngành nông nghiệp tại Cần Giờ nói riêng và trong toàn bộ khu vực nói chung.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp