08/11/2020 12:35
Mô hình dân chủ Mỹ đang trở thành một trò hề
Trung Quốc, Nga và Iran- nơi mà các vị lãnh đạo tối cao không bao giờ phải bận tâm về sự lựa chọn của cử tri- đang rất hài lòng trước những hỗn loạn trên chính trường Mỹ sau ngày bầu cử tổng thống.
Với Bắc Kinh, mô hình "độc đảng lãnh đạo" trong tay Đảng Cộng sản là giải pháp tối ưu để bảo đảm ổn định chính trị. Moskva và Tehran nói đến “vở tuồng ngoạn mục” đang diễn ra trên sân khấu chính trị tại một trong những nền dân chủ lâu đời nhất, tinh vi nhất thế giới.
Nhiều ngày sau bầu cử, nước Mỹ vẫn lúng túng, đếm từng lá phiếu để phân chia thắng bại. Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump tuyên bố đắc cử trước khi kết quả kiểm phiếu được công bố, kèm theo đó là những cáo buộc đối phương gian lận bầu cử mà không đưa ra bằng chứng đã khiến thế giới tự do và các nền Dân chủ châu Âu bàng hoàng.
Riêng đối với những đối tượng liên tục bị Washington đưa vào danh sách các “đối thủ”, thậm chí là những “kẻ thù” của nước Mỹ thì đây là một món quà ngoài mong đợi.
Krista Matheny, 26 tuổi, ở thành phố New York, phản ứng khi chứng kiến bài phát biểu của Biden tại Quảng trường Thời đại. Ảnh: REUTERS |
Một nền Dân chủ bị hụt hơi
Trước hết tại Trung Quốc, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc độc quyền cai trị đất nước từ năm 1949, không ít dân cư mạng được báo Le Figaro của Pháp trích dẫn cho rằng cuộc đọ sức Trump-Biden để tranh giành chiếc ghế tổng thống lần này là dấu hiệu cho thấy “nền Dân chủ Mỹ đang hụt hơi”.
Một tờ báo thân Bắc Kinh tại Hong Kong chạy hàng tít “cái được gọi là mô hình Dân chủ Mỹ đang trở thành một trò hề”. Thời báo Hoàn Cầu- một ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc- phân tích sâu về những “ảo vọng của mô hình Dân chủ phương Tây”.
Cùng lúc ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang “chìa bàn tay thân thiện” và tỏ “thiện chí muốn xây dựng” với chủ nhân Nhà Trắng tương lai một mối quan hệ ít sóng gió hơn so với thời kỳ Donald Trump trong 4 năm vừa qua.
Một nhà quan sát khác của Pháp cho rằng, bất kể là Biden hay Trump nắm giữ chìa khóa Nhà Trắng trong 4 năm sắp tới, Trung Quốc thừa biết những chia rẽ quá sâu rộng trong công luận Mỹ sẽ làm suy yếu chính quyền Washington tới đây và đó là một ”điều tốt” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình sẽ càng “rảnh tay để bám trụ cho đến hết nhiệm kỳ 2022 và có thể là nắm giữ quyền lực suốt đời”.
Nhìn sang Moskva, Điện Kremlin không chính thức lên tiếng nhưng không ít chính khách Nga cho rằng những gì đang diễn ra trên đất Mỹ là “kịch bản tệ hại nhất” đối với Mỹ và hơn thế nữa, trong mọi trường hợp, “vẫn sẽ có một nửa phần dân Mỹ không công nhận chính quyền sắp tới” ở Washington.
Ông Trump cho đế thời điểm này vẫn khăng khăng có gian lận trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. |
Gậy ông đập lưng ông?
Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại ở Thượng viện Nga, trả lời báo Le Figaro rằng “Kẻ thua cuộc lần này trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ là nền dân chủ Mỹ”. Trên mạng xã hội Facebook, ông giải thích thêm là “những vụ tai tiếng, rồi việc một số bang đã thay đổi luật bầu cử, những cáo buộc nhồi phiếu và gian lận làm lộ rõ bộ mặt tệ hại của tiến trình bầu cử tại Mỹ”.
Lãnh đạo hệ thống truyền hình Nga Russia Today Margarita Simonyan gián tiếp chỉ trích chính nước Mỹ của Donald Trump từng đưa ra những lập luận này để bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống tại Belarus hồi tháng 8/2020 và Washington đã không công nhận Tổng thống mãn nhiệm Loukachenko tái đắc cử.
Chủ tịch Hạ viện Douma Viatchslav Volodin dường như đã tạm quên mất chính nước Nga vừa cải tổ Hiến pháp hồi mùa Xuân vừa qua để cho phép Tổng thống Vladimir Putin cầm quyền đến năm 2036. Ông Volodin đã không vòng vo xem những náo loạn trên chính trường Mỹ hiện nay là một vở tuồng cho thấy “hệ thống bầu cử của Nga rộng mở hơn và chính đáng hơn”.
Cuối cùng, “kẻ thù không đội trời chung” của Mỹ là Iran đã hài lòng không kém. Vào lúc Mỹ đau đầu đếm phiếu, tại Tehran, Lãnh tụ tôn giáo tối cao, giáo chủ Ali Khamenei xem tình hình chính trị Mỹ là một “phường tuồng” khi mà tổng thống đương nhiệm khẳng định có gian lận bầu cử, còn ứng cử viên của bên đối lập thú nhận có ý định gian lận.
Hàng Tweet bằng tiếng Anh của giáo chủ Iran kết luận: “Đó là bộ mặt của nền dân chủ Mỹ”. Có một điều chắc chắn đó là trước mắt những cáo buộc gian lận và đòi hỏi ngừng kiểm những lá phiếu gửi qua bưu điện, dường như là dấu hiệu cho thấy bản thân tổng thống mãn nhiệm Mỹ xem thường lá phiếu của cử tri.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp