23/06/2020 15:55
MEATLife vẫn dựa vào thức ăn chăn nuôi, tham vọng thu tỷ USD từ thịt heo của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang còn xa vời
Trong doanh thu dự kiến 16.000-18.000 tỷ đồng trong năm nay của MEATLife, thịt chỉ chiếm 20%. Xem ra, tham vọng thu 1 tỷ USD từ thịt năm 2022 của Masan không dễ.
Doanh thu từ thịt chỉ đóng góp 20% cho Masan MEATLife
Cùng với công ty mẹ Masan, Masan MEATLife (MML) cũng sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 vào ngày cuối tháng 6. Theo tài liệu công bố, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần dao động từ 16.000 – 18.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 16 - 30% so với năm 2019.
Mức tăng trưởng doanh thu vừa phải nhưng con số tăng trưởng lãi suất được đưa ra khá cao, gấp từ 1,7 – 4,3 lần so với thực hiện năm 2019, đạt 200 - 500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu năm nay chủ lực vẫn là thức ăn chăn nuôi. Dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải, nhưng mảng này được cho là có tiềm năng tăng mạnh theo việc tái đàn heo sẽ được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đặt tham vọng đến năm 2022, Masan sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt với thương hiệu MEATDeli, qua hệ thống 5.000 điểm bán, tương ứng doanh số lên đến 1-2 tỷ USD. Ảnh: MML. |
Doanh thu từ thịt dự kiến chỉ đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất năm nay, dù cơn sốt thịt heo trong nước vẫn chưa dịu lại và chính phủ phải nhập heo sống từ Thái Lan về giết mổ để hạ nhiệt thị trường.
Sự tăng trưởng về nhu cầu tiêu dùng cũng như mức giá heo hơi liên tục được đẩy lên thời gian qua mang về lợi nhuận rất lớn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi heo, đặc biệt là quý cuối năm 2019 và nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, MEATLife lại có lợi nhuận sau thuế trong quý I/2020 giảm đến 60%, chỉ đạt 14 tỷ đồng. Nguyên nhân là chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng mạnh lần lượt 57% và 31%, đặc biệt chi phí bán hàng tăng mạnh chủ yếu chi cho ngành thịt.
Trong quý đầu năm, MEATLife có doanh thu đạt 3.397 tỷ đồng, nhưng mảng thịt chỉ có giá trị 278 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 8%.
MEATLife cũng giải trình thêm do thịt mát tăng quy mô hoạt động đáng kể, đòi hỏi đầu tư lớn để mở rộng chuỗi cung ứng, tăng nhận diện thương hiệu. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận mảng thịt chịu tác động tiêu cực do giá heo hơi tăng vọt.
Năm 2019, MEATLife ghi nhận 13.799 tỷ đồng doanh thu thuần và 115 tỷ đồng lãi ròng. Với kết quả kinh doanh này, HĐQT đề xuất phương án không chia cổ tức 2019.
Tham vọng thu tỷ USD từ thịt vào năm 2022 của Masan
Thực tế, dù là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu thịt một cách bài bản, nhưng nguồn thu chủ yếu của Masan MEATLife hiện nay vẫn đến từ thức ăn chăn nuôi. Tham vọng thu 1 tỷ USD từ thịt của Masan MEATLife vào năm 2022 vẫn là bài toán chưa có lời giải, khi mức thu từ thịt hiện tại vẫn rất nhỏ.
Người tiêu dùng Việt quen ăn thịt nóng và mới chỉ có một bộ phận nhỏ thực sự biết đến thịt mát. Ảnh: MML. |
Thương hiệu thịt heo mát "MEAT Deli" ra đời tại Hà Nội từ tháng 12/2018. Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tham vọng chiếm lĩnh mảng thịt khi chuyển Masan Nutri Science (MNS) thành Masan MEATLife (MML), chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản phẩm nông nghiệp sang chuỗi giá trị đạm động vật.
Chuỗi giá trị của Masan MEATLife được hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) với 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An với sản lượng 230.000 con heo thịt mỗi năm, và một tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam có công suất 1,4 triệu con heo mỗi năm, tương đương 140.000 tấn.
Mục tiêu đến năm 2022, công ty sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt với thương hiệu MEATDeli, hiện diện toàn quốc qua hệ thống 5.000 điểm bán, tương ứng doanh số lên đến 1-2 tỷ USD.
Hiện thịt mát MEAT Deli đang được cung cấp tại tất cả siêu thị Vinmart tại Hà Nội theo mô hình "cửa hàng bên trong cửa hàng". Ngoài ra còn được phân phối tại các cửa hàng độc lập MEAT Deli và đại lý thông thường.
MEATLife hiện có 3 cổ đông lớn nắm trên 5% cổ phần, gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan nắm 79,32%, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm giữ 7,95% cổ phần và Consumer Meat II Pte.Ltd nắm 7,14% cổ phần.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vissan mới đây, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Satra, Chủ tịch HĐQT Vissan, cho biết Vissan cũng sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thịt tươi sống đóng khay vỉ, theo qui trình sản xuất thịt mát và đóng gói công nghệ MAP - khay thịt được bơm hỗn hợp khí nhằm đảm bảo thịt luôn tươi ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp