20/05/2021 12:37
Maybank Kim Eng: Tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực
Báo cáo của Maybank Kim Eng nhận định Việt Nam đã ngăn chặn thành công sự suy thoái trong năm 2020, với xuất khẩu trong năm 2020 tăng 7%.
Ngày 19/5, tờ Business Times của Singapore dẫn báo cáo của ngân hàng Maybank Kim Eng cho rằng sự phục hồi kinh tế của bốn nền kinh tế mới nổi tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (nhóm các nước CLMV) là không đồng đều, trong đó sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực, với xuất khẩu và sản xuất đã "vượt xa" mức trước đại dịch.
Báo cáo của Maybank Kim Eng nhận định Việt Nam đã ngăn chặn thành công sự suy thoái trong năm 2020, với xuất khẩu trong năm 2020 tăng 7%.
Trong khi đó, xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 29,6%, với các mặt hàng máy móc, máy tính và điện tử tăng mạnh.
Việc người dân đi đến các địa điểm mua sắm, như các trung tâm giải trí cũng đang phục hồi về mức trước COVID-19, mặc dù một làn sóng các trường hợp gần đây đang khiến khả năng di lại của người dân giảm trở lại khoảng 20%, Maybank cho biết.
Mặc dù vậy, Maybank Kim Eng vẫn duy trì dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,5%.
Tuy nhiên, Maybank Kim Eng đã hạ dự báo tăng trưởng đối với Campuchia xuống còn 4,2% (thay vì 5,9% trước đây). Trong khi đó, kinh tế Lào dự kiến sẽ tăng 4,8% thay vì 6% và kinh tế Myanmar có thể suy giảm ở mức 8%, thay vì dự báo tăng trưởng 3% trước đây.
Trong khi Campuchia và Lào đang phải đối mặt với những đợt lây nhiễm COVID-19 mới và nghiêm trọng hơn, tình hình của Myanmar rất phức tạp do tình hình chính trị bất ổn, có thể đẩy đất nước vào một cuộc suy thoái sâu sắc, Maybank cho biết.
Do đó, Myanmar được dự báo sẽ là một quốc gia tụt hậu ngay cả khi Việt Nam, tiếp theo là Campuchia và Lào, đang dần có lợi về xuất khẩu và sản xuất trong năm nay, khi nhu cầu toàn cầu tăng lên.
Ngân hàng này cho biết tốc độ phục hồi kinh tế ở cả 4 quốc gia chủ yếu phụ thuộc vào việc triển khai vaccine, nhưng việc mua vaccine vẫn là một thách thức, Maybank Kim Eng cho biết. Cho đến nay, các chính phủ đã đảm bảo đủ lượng vaccine từ 30 đến 60% dân số tương ứng vì nguồn tài chính cũng như hạn chế về nguồn cung và những thách thức về hậu cần.
Theo Maybank, Campuchia dẫn đầu về tiến độ tiêm chủng và kế đến là Việt Nam.
Khoảng 12,6% dân số Campuchia đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trog khi đó Việt Nam là 1%.
Trong khi Lào và Myanmar đã bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng, việc triển khai còn chậm, với 6,5% và 3,1% tương ứng đã được tiêm ít nhất một liều.
Maybank cũng lưu ý rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN chưa mua hoặc cấp phép cho bất kỳ loại vaccine nào do Trung Quốc sản xuất, bao gồm cả Sinovac và Sinopharm.
(Tham khảo Business times)
Chủ đề liên quan
Advertisement