07/11/2017 05:35
Máy giao dịch Bitcoin vẫn nhộn nhịp hoạt động tại TP.HCM, bất chấp lệnh cấm
Dù Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định giao dịch Bitcoin sẽ bị phạt tới 200 triệu đồng và xử lý hình sự nhưng tại TP.HCM, máy BTM Bitcoin vẫn hoạt động bình thường!?
Trưa ngày 7/11, chúng tôi tìm tới một quán ăn trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM. Đây là nơi quảng cáo có đặt máy giao dịch Bitcoin. Máy này được gọi là BTM Bitcoin để phân biệt với các máy ATM thông thường.
Theo nhân viên của quán ăn này, máy BTM Bitcoin đặt ở đây được gần một năm. Có rất đông người Việt và nước ngoài đến rút tiền.
Chiếc máy Bitcoin BTM được sản xuất bởi BitAccess Canada, nhập về Việt Nam năm 2015. Ngoài hai ngôn ngữ tiếng Anh và Pháp, máy có thêm ngôn ngữ tiếng Việt cùng khả năng giao dịch bằng VNĐ. Máy được kết nối trực tiếp với sàn giao dịch VBTC, điều hành bởi Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam.
Để sử dụng máy này, bước đầu tiên để sử dụng người dùng cần xác minh số điện thoại, mã giao dịch có sáu chữ số sẽ báo về tin nhắn. Trong ba nhà mạng Vietel, Mobifone, Vinaphone thì Mobifone được báo mã giao dịch nhanh nhất.
Sau đó, người dùng cần quét mã QR code ví Bitcoin của mình để giao dịch. Nếu chưa có ví riêng, máy sẽ giúp tạo một tài khoản tại Bitaccess và in ra dạng QR code. Khi rút tiền, máy này nhả ra mệnh giá thấp nhất là 100.000 đồng. Mỗi lần giao dịch, máy sẽ thu 5% tiền phí.
Liên hệ với Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam, đại diện công ty này đề nghị phóng viên gửi câu hỏi qua email rồi sẽ trả lời sau.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, việc đặt máy này ở tại Việt Nam là bất hợp pháp. Bản chất của máy BTM Bitcoin là giao dịch tiền ảo, mà loại tiền này đang bị cấm lưu hành ở Việt Nam.
“Chính phủ đang giao các bộ ngành soạn thảo khung pháp lý để quản lý đồng tiền ảo, tiền điện tử. Theo đề án, đến năm 2019 thì việc xây dựng mới hoàn thành bước đầu tiên. Như vậy, các giao dịch bằng tiền điện tử hiện nay chưa được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ”, ông Tín nói.
Xung quanh ý kiến cho rằng, dù là máy BTM Bitcoin nhưng khi rút vẫn ra tiền VND. Điều này cũng giống như người Việt sử dụng thẻ Visa hay Master Card do các ngân hàng trong nước phát hành và ra nước ngoài rút tiền, ông Tín cho rằng bản chất hai giao dịch này hoàn toàn khác nhau.
“Việc sử dụng thẻ Visa hay Master Card rút tiền ở nước ngoài là giao dịch tiền tệ. Giao dịch này được pháp luật quốc tế công nhận và bảo vệ. Còn rút tiền ở máy BTM Bitcoin là giao dịch Bitcon. Hiện tại, Việt Nam đang cấm giao dịch bằng Bitcoin nên điều này là trái luật”, ông Tín phân tích.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM khẳng định, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất cứ giao dịch, đặt máy BTM Bitcoin hay loại tiền ảo nào ở TP.HCM.
“Việc đặt máy BTM Bitcoin cũng giống như đặt một máy ATM hay mở một chi nhánh ngân hàng. Hiện tại, việc đặt máy ATM và mở chi nhánh ngân hàng phải được Ngân hàng nước cấp phép”, ông Minh nói.
Theo quy định, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác bị cấm tại Việt Nam. Điều này đã được quy định tại Nghị định 80/2016 và Nghị định 101/2012 của Chính phủ.
Tại khoản 6 điều 4 Nghị định 101 năm 2012 về thanh toán không dùng tiền mặt quy định về phương tiện thanh toán là séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Từ ngày 1/1/2018, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 150-200 triệu đồng.Đây là nội dung quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Ngoài ra, hành vi phát hành, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp như Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.
Advertisement
Advertisement