03/09/2019 11:08
Mắt cá chân bị sưng phù là biểu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng
Sưng mắt cá chân là chuyện không hiếm gặp, nhưng đôi khi nó là dấu hiệu cảnh báo sự rối loạn nghiêm trọng một số cơ quan trong cơ thể.
Mắt cá chân bị sưng là vấn đề phổ biến mà hầu hết chúng ta đều đã từng trải qua, tại một hoặc một số thời điểm khác nhau. Tình trạng này không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn gây ra tình trạng khó chịu, đau đớn, khó khăn khi di chuyển.
Ngoài ra, mắt cá chân bị sưng, phù cũng có thể dẫn đến cứng các khớp và làm da bị căng lên tại vùng mắt cá chân. Nếu hiện tượng này liên quan đến vấn đề thần kinh, nó thậm chí còn gây tê chân. Nhưng đôi khi, sưng mắt cá chân cũng có thể do ứ nước, giữ nước. Và những trường hợp này thường không gây đau đớn.
Nguyên nhân của tình trạng sưng mắt cá chân
Có nhiều nguyên nhân khiến mắt cá chân bị sưng. Thông thường, tình trạng này xảy ra do chấn thương và thừa cân. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lơ là bởi đôi khi việc mắt cá chân bị sưng là dấu hiệu biểu thị vấn đề nghiêm trọng của một hoặc nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là khi mắt cá chân chỉ bị sưng một bên. Một số nguyên nhân cụ thể, phổ biến bao gồm:
Thừa cân
Việc quá cân, thừa cân sẽ gây ra nhiều áp lực lên mắt cá chân. Điều này dẫn đến việc lưu giữ quá nhiều nước xung quanh các khớp, gây viêm và dẫn đến tích nước, giữ nước. Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng có thể gây ra tình trạng giữ nước. Tất cả chúng đều góp phần làm cho mắt cá chân bị sưng phù.
Ít di chuyển, vận động
Ngồi làm việc trong nhiều giờ liên tục, ít vận động có thể khiến máu và chất lưu (bao gồm cả chất lỏng và chất khí) chảy quanh mắt cá chân và bàn chân, gây sưng.
Thuốc
Do tác dụng phụ của thuốc, một số loại thuốc uống có thể gây ra tình trạng sưng mắt cá chân, chẳng hạn thuốc điều trị huyết áp, steroid chống viêm và thuốc chống dị ứng. Đôi khi, liệu pháp estrogen và thuốc điều trị bệnh trầm cảm cũng có thể khiến bạn bị sưng mắt cá chân.
Tuy nhiên, tình trạng sưng mắt cá chân có thể là những dấu hiệu đầu tiên biểu thị cho những chứng rối loạn, bệnh lý nguy hiểm.
Phù bạch huyết
Chứng phù bạch huyết (Lymphedema) là sự tích tụ của chất lỏng được gọi là bạch huyết trong các mô bên dưới da khi một cái gì đó chặn dòng chảy bình thường của nó. Tức là, sự dẫn lưu của mạch bạch huyết bị suy giảm, bị tắc nghẽn dẫn đến ứ đọng dịch lỏng, phì đại các mô mềm ở chi dưới.
Ngoài ra tình trạng này cũng có thể do nhiễm trùng, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư gây ra.
Các triệu chứng của phù bạch huyết bao gồm cảm giác nặng nề hoặc căng cứng ở cánh tay hoặc chân, cứng khớp, nhiễm trùng tái phát, da dày hơn và mất ngủ.
Viêm khớp
Khi bịviêm khớp, các khớp thường bị sưng, đau, cứng và khó cử động. Đây là tình trạng phổ biến ở người lớn tuổi. Có thể nói viêm khớp ảnh hưởng đến tất cả các khớp của cơ thể, mắt cá chân cũng không ngoại lệ.
Máu đông
Mắt cá chân bị sưng biểu thị cho việc có máu đông, đặc biệt đúng nếu chỉ bị sưng có một bên mắt cá chân. Trong trường hợp này, người bệnh cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Các cục máu đông nếu không được xử lý kịp thời có thể di chuyển vào phổi, gây tắc nghẽn mạch phổi, đe dọa đến tính mạng. Nếu có các biểu hiện đi kèm như đau, khó thở, da đổi màu, đau đầu thì bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Tiền sản giật
Mắt cá chân bị sưng là tác dụng phụ phổ biến của thai kỳ do trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ thường phải sản xuất thêm máu và các chất lỏng, cơ thể có nhiều thay đổi, trong đó có sự thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, khi thai nhi càng lớn càng gây ra những áp lực đè nặng lên các tĩnh mạch. Điều này làm cho người phụ nữ thường bị sưng mắt cá chân, đặc biệt là ở những tháng cuối của thai kỳ.
Tuy nhiên, việc sưng đột ngột hoặc sưng to bất thường là biểu hiện của tiền sản giật, một tình trạng nghiêm trọng dẫn đến tăng huyết áp và protein trong nước tiểu. Nó thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Do đó, nếu thấy các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nhức đầu, đi tiểu không không thường xuyên, buồn nôn và nôn hoặc thay đổi thị lực cùng với sưng mắt cá chân, nó rất có thể là tiền sản giật.
Suy tim
Nếu bạn bị bệnh động mạch vành hoặc huyết áp cao, bạn có thể có nguy cơ bị suy tim xung huyết. Ngoài các triệu chứng liên quan như khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều, ho dai dẳng, mất phương hướng và đau ngực, nếu phát hiện mắt cá chân hoặc chân bị sưng phù thì nhiều khả năng bạn bị suy tim. Khi tim không còn bơm máu đúng cách, các chất lưu có thể chạy ngược lại gây ra tình trạng sưng này. Do đó, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức để được các bác sĩ theo dõi và chăm sóc cẩn thận.
Viêm khớp nhiễm khuẩn
Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm vào một khớp xương gây viêm khớp. Nó thường đi kèm với các biểu hiện như các vùng khớp bị sưng đỏ, đau và sốt. Tình trạng này là phổ biến ở trẻ sơ sinh và người già.
Rối loạn chức năng gan hoặc thận
Bất kỳ rối loạn chức năng nào của thận và gan đều có thể gây ứ nước trong cơ thể. Nếu bạn bị tổn thương thận hoặc bệnh thận, sẽ có chất lỏng và natri dư thừa trong máu và không đủ protein. Việc này gây ra tình trạng sưng mắt cá chân, đau cả bàn chân, toàn bộ chân. Tương tự đối với bệnh gan.
Nhiễm trùng
Vi khuẩn trong máu có thể ảnh hưởng đến khớp. Các triệu chứng thường là sưng, đau, ấm và đỏ các khớp, trong đó có mắt cá chân. Bệnh tiểu đường làm tăng khả năng bị nhiễm trùng ở chân cao hơn người không mắc bệnh lý này. Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra mụn nước, các vết loét trên cơ thể. Bệnh tiểu đường không chỉ gây ra tình trạng viêm, đau khớp mà còn làm tổn thương thần kinh, có thể dẫn đến tê liệt.
Bạn cần và nên làm gì?
Việc đi bộ, luyện tập thể thao thường xuyên giúp phòng ngừa tình trạng sưng mắt cá chân. Đồng thời, bạn nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống và duy trì cân nặng, không để thừa cân.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên và trong cơ thể, cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời từ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, nếu bạn đang bị sưng mắt cá chân, bạn nên cố gắng giữ cho bàn chân, mắt cá chân được nâng cao hơn so với tim, nghỉ ngơi và ít vận động để nhanh phục hồi.
Theo thehealthside.com
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp