13/11/2019 15:07
Mark Mobius: Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Ấn Độ là một sai lầm
Theo nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius, việc Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's hạ bậc tín nhiệm của Ấn Độ xuống mức tiêu cực là sai lầm.
Theo đài CNBC, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's ngày 8/11 đã hạ triển vọng tín nhiệm của Ấn Độ từ "Ổn định" xuống "Tiêu cực," với quan ngại rằng tăng trưởng kinh tế của quốc gia Nam Á này sẽ vẫn thấp hơn so với trước đây.
"Moody's hạ bậc tín nhiệm của Ấn Độ là một sai lầm", nhà đầu tư kỳ cực Mark Mobius cho biết hôm 13/11. Mark Mobius, người từ lâu đã lạc quan về nền kinh tế Ấn Độ, cho biết ông không đồng ý với cơ quan xếp hạng đánh giá về việc tăng trưởng của nước này sẽ đi xuống.
Nhà đầu tư kỳ cựu Mark Mobius. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's nhấn mạnh: "Quyết định của hãng thay đổi triển vọng sang tiêu cực phản ánh rủi ro ngày càng tăng rằng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ sẽ vẫn thấp hơn so với trước đây, qua đó một phần phản ánh hiệu quả chính sách và điều hành trong giải quyết các yếu kém về kinh tế và thể chế lâu dài thấp hơn so với ước tính trước đây của Moody's, dẫn đến việc tăng dần gánh nặng nợ từ mức vốn đã cao."
"Tôi nghĩ rằng đánh giá của Moody's là sai lầm. Tôi không nghĩ rằng Ấn Độ bị hạ bậc tín nhiệm như vậy, vì tôi thấy tiềm năng phát triển mạnh của Ấn Độ trong tương lai. Tôi tin rằng rất nhiều cải cách sẽ thực sự bắt đầu và có một sự lớn mạnh tác động đến nền kinh tế trong tương lai", Mark Mobius cho biết với CNBC hôm 13/11.
Ấn Độ đang phải trải qua một thời kỳ kinh tế tồi tệ. Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đang ở mức thấp nhất trong 6 năm trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, trong đó nền kinh tế tăng trưởng 5% so với năm ngoái.
Một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra trong lĩnh vực tài chính đã cản trở hoạt động cho vay và đầu tư bị ảnh hưởng, trong khi những cải cách chính sách gần đây đã khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn. Nền kinh tế Ấn Độ cũng đang vật lộn để tạo ra đủ việc làm cho lực lượng lao động đông đảo của mình.
Mark Mobius không phải là người duy nhất có kỳ vọng vào Ấn Độ. Các nhà kinh tế tại DSP Merrill Lynch, một công ty con của Bank of America hoạt động tại Ấn Độ, cho biết mức đánh giá của Moody's đối với Ấn Độ là quá mạnh tay.
Các nhà kinh tế cho biết trong một báo cáo tuần trước rằng họ thấy sự chậm lại hiện tại ở Ấn Độ là theo chu kỳ chứ không phải theo cấu trúc, như Moody chỉ ra.
Tăng truởng GDP của Ấn Độ đi xuống
Tuy nhiên, các nhà kinh tế khác đã cảnh báo rằng sự tăng trưởng của Ấn Độ có thể nặng nề hơn trước khi hồi phục trở lại. Ngân hàng lớn nhất của Ấn Độ, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ, hôm 12/11 đã hạ dự báo tăng trưởng cho Ấn Độ, báo The Times đưa tin.
Chính phủ Ấn Độ lên tiếng khẳng định các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn khá mạnh. |
Ngân hàng cho biết ngoài những thách thức trong nước, một nền kinh tế toàn cầu chậm lại sẽ kéo Ấn Độ xuống. Ngân hàng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm năm tài chính hiện tại từ 6,1% xuống còn 5%.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ và các tổ chức toàn cầu khác bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng đã hạ mức tăng trưởng Ấn Độ trong năm tài chính này.
Trước đó theo Moody's, mặc dù các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Ấn Độ được cho là sẽ giúp hạn chế mức độ giảm và thời gian suy giảm tăng trưởng, song căng thẳng tài chính kéo dài ở các hộ gia đình nông thôn, khả năng tạo việc làm yếu và gần đây, một cuộc khủng hoảng tín dụng giữa các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI), đã làm tăng nguy cơ khiến suy thoái lún sâu. Hơn nữa, triển vọng về những cải cách tiếp theo vốn sẽ hỗ trợ đầu tư và tăng trưởng kinh doanh ở mức cao đã giảm đi.
Ngay sau động thái trên của Moody's, Chính phủ Ấn Độ lên tiếng khẳng định các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn khá mạnh, với việc lạm phát được kiểm soát và lợi suất trái phiếu thấp, đồng thời tuyên bố Ấn Độ đang mang lại triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong ngắn hạn và trung hạn.
Một tuyên bố của Bộ Tài chính Ấn Độ nêu rõ: "Chính phủ đã thực hiện một loạt cải cách trong lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực khác để thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Chính phủ Ấn Độ cũng đã chủ động đưa ra các quyết định chính sách để đối phó với tình trạng suy giảm toàn cầu. Những biện pháp này sẽ đưa đến một triển vọng tích cực về Ấn Độ và thu hút dòng vốn cũng như kích thích đầu tư".
Advertisement