Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Mảng ô tô của Samco đang làm ăn thế nào?

Chính sách - Hạ tầng

12/11/2018 07:01

Trong 5 đại lý ô tô của Samco, mỗi SPSamco là hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh 2017. Điều này khiến Samco chỉ đạt 98% doanh thu, giảm 5% so với 2016.

Tất cả đều giảm

Năm 2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) gặp không ít khó khăn so với năm 2016 do ảnh hưởng chung từ chính sách khí thải của Chính phủ và tình hình kinh doanh xe tại 5 đơn vị làm đại lý cho các hãng.

Việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 2017 chỉ đạt 98% doanh thu kế hoạch, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016 và hoàn thành kế hoạch năm nhưng dòng tiền thu về chủ yếu từ hoạt động đầu tư vốn của Samco chứ không phải đến từ hoạt động kinh doanh ô tô.

Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của 5 xí nghiệp ô tô do Samco kinh doanh đều giảm mạnh so với 2016.
Lợi nhuận trước thuế năm 2017 của 5 xí nghiệp ô tô do Samco kinh doanh đều giảm mạnh so với 2016.

Điển hình, Xí nghiệp ô tô Toyota Bến Thànhđã bị ảnh hưởng nhiều trong tình hình thị trường ô tô khó khăn, tình hình cạnh tranh khốc liệt giữa các đại lý và với các hãng xe khác. Toyota Bến Thànhđã phải giảm mạnh giá bán lẻ để đảm bảo đạt được doanh số và nổ lực tăng doanh thu dịch vụ sửa chữa nhằm tăng hiệu quả hoạt động.

Kết quả năm 2017, Toyota Bến Thànhđã tăng doanh thu 18% so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 9% kế hoạch 2017 nhưng lợi nhuận giảm 11% so với năm 2016 và chỉ đạt 81% kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2017 Toyota Bến Thành đạt doanh thu 2.969 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ 37,5 tỷ đồng.

Còn Xí nghiệp Công nghiệp và Dịch vụ ô tô-Isamco, doanh thu tăng 4% so với năm 2016 và vượt 6% so với kế hoạch, lợi nhuận cũng đạt được theo kế hoạch năm 2017. Cụ thể, doanh thu 2017 của Isamco là 423 tỷ đồng, lợi nhuận chưa đầy 6 tỷ đồng.

Tương tự, Xí nghiệp Dịch vụ Ô tô Isuzu An Lạc hoàn thiện phương án đầu tư xây dựng mới Isuzu D-Square và I-Trucks, đáp ứng yêu cầu của hãng và làm cơ sở tăng doanh thu kinh doanh, thị phần cạnh tranh của xí nghiệp trên thị trường. Năm 2017, Isuzu An Lạc tập trung nâng cao hoạt động dịch vụ sửa chữa, đẩy mạnh kinh doanh phụ tùng và sửa chữa đồng sơn.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh tại xí nghiệp vẫn giảm hơn so với năm 2016 do thị trường xe tải ảnh hưởng rất nhiều từ việc áp dụng chính sách khí thải của Chính phủ. Doanh thu năm 2017 đạt 369 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 6,8 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2016. Chỉ tiêu về lợi nhuận  trước thuế trong năm 2017 chỉ đạt 90% kế hoạch được giao.

Năm 2017 cũng được đánh giá là một năm khó khăn đối với Xí nghiệp Cơ khí Ô tô An Lạc-Samco An Lạc. Trong những tháng đầu năm, việc tiêu thụ sản phẩm chậm do thị trường chờ đợi quyết định của Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới cho xe khách, xe buýt và mẫu mã sản phẩm của xí nghiệp, chưa đáp ứng hết các đòi hỏi mới của khách hàng.

Vì vậy kết quả kinh doanh năm 2017 rất thấp, không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 đã được Samco giao. Theo đó, doanh thu chỉ đạt 1.489 tỷ đồng, hoàn thành 64% doanh thu 2017 và lợi nhuận trước thế đạt 64 tỷ đồng, bằng 34% so với kế hoạch 2017.

Nhà máy Ô tô Thương mại Samco là dự án đã khiến Samco thua lỗ 55 tỷ đồng.
Nhà máy Ô tô Thương mại Samco là dự án đã khiến Samco thua lỗ 55 tỷ đồng.

Chỉ riêng tại Xí nghiệp Cơ khí Ô tô Chuyên dùng An Lạc-SPSamco, hoạt động sản xuất của xí nghiệp tăng trưởng tốt trong năm 2017, khi tăng 11% về doanh thu và 19% về lợi nhuận so với năm 2016. So với kế hoạch, SPSamco đã có doanh thu vượt 23% và vượt 20% về lợi nhuận so với cùng kỳ 2016.

Cụ thể, doanh thu SPSamco đạt 235 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10 tỷ đồng. Nguyên nhân là SPSamco đã hoàn tất xây dựng các chính sách, thỏa thuận phân phối, thiết kế và lắp đặt banner phục vụ cho công tác tái thiết kế và mở rộng đại lý xe, thiết bị chuyên dùng. SPSamco cũng phối hợp cùng TP.HCM thực hiện đề án “Đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.HCM.

Đánh giá về kết quả hoạt động năm 2017 của các đại lý và dịch vụ ô tô, Samco cho rằng, thị trường có nhiều biến động và cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hệ thống đại lý, khiến các đơn vị gặp khó khăn trong việc đảm bảo đạt các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch được giao.

Cụ thể, năm 2017 thị trường ô tô trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn về chính sách thuế, sự cạnh tranh khốc liệt giữa những thương hiệu đang có mặt trên thị trường Việt Nam, giữa các đại lý cùng bán một mẫu xe với nhiều chương trình ưu đãi khác nhau để lôi kéo khách hàng.

Trong tháng 12/2017, lượng ô tô tiêu thụ đã giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, doanh số tiêu thụ của xe tải đã giảm 11%, xe buýt giảm 13% và xe chuyên dùng giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong báo cáo kết quả kinh doanh 2017 của Samco có điểm đáng lưu ý là nhà máy Ô tô Thương mại Samco (SCV) được xây dựng hơn 118 tỷ đồng để lắp ráp xe khách Fuso Rosa. Thế nhưng sau hơn 2,5 năm, nhà máy này đã lỗ gần 55 tỷ đồng nhưng trách nhiệm vẫn chưa rõ thuộc về cá nhân nào?

Tại cuộc họp báo tháng 10, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, lãnh đạo TP.HCM đã nhận phản ánh từ các cơ quan báo chí cũng như một số cán bộ của Samco về việc Samco liên danh với Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam (MBV) để thành lập Nhà máy Ô tô Thương mại Samco (SCV) nhưng thua lỗ. TP.HCM sẽ tiếp tục cho thanh tra bổ sung về liên danh này.

  Nhà máy Ô tô Củ Chi đã không được chọn để sản xuất xe khách Fuso Rosa. Samco quyết định xây dựng Nhà máy Ô tô Thương mại Samco mới với số tiền hơn 118 tỷ đồng.

Nhà máy Ô tô Củ Chi đã không được chọn để sản xuất xe khách Fuso Rosa. Samco quyết định xây dựng Nhà máy Ô tô Thương mại Samco mới với số tiền hơn 118 tỷ đồng.

Cụ thể, Samco đã bị lỗ đến gần 55 tỷ đồng cho dự án lắp ráp xe khách Fuso Rosa. Thế nhưng, lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp này vẫn bình chân như vại, dù gây ra thất thoát tài sản rất lớn cho Nhà nước.

Samco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM. Tháng 7/2014, Hội đồng thành viên của Tổng công ty Samco đã thông qua việc xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe chuyên dùng. Dự án này được xây dựng tại lô E3, E4 thuộc Khu công nghiệp Cơ khí Ô tô TP.HCM và có tên là Nhà máy Ô tô Thương mại Samco (SCV).

Nhà máy Ô tô Thương mại Samco là dự án hợp tác giữa Samco với Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam (MBV) để lắp ráp dòng xe khách Fuso Rosa, loại 29 chỗ ngồi. Dự án được Hội đồng thành viên Samco thông qua với tổng số vốn đầu tư là hơn 118 tỷ đồng.

Trước khi đặt nhà máy lắp ráp ô tô tại lô E3, E4 của Khu công nghiệp Cơ khí Ô tô TP.HCM thì Samco dự định lắp ráp xe khách Fuso Rosa tại Nhà máy Ô tô Củ Chi tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Nếu lắp ráp tại đây thì Samco chỉ đầu tư khoảng 50 tỷ đồng bởi nhà xưởng, thiết bị đã có sẵn. Với giá lắp ráp là 100 triệu đồng/xe thì Samco sẽ có lãi.

Tuy nhiên, Samco đã quyết định chi 118 tỷ đồng để xây dựng nhà máy SCV mới với việc đầu tư nhà xưởng mới, trang thiết bị mới, máy móc mới. Việc chi ra số tiền quá lớn đã không giúp Samco thành công mà còn khiến cho doanh nghiệp này phải chịu thua lỗ nặng nề.

Cụ thể, tại báo cáo số 14/CV-SCV do ông Nguyễn Đình Hiển, Giám đốc Nhà máy ô tô Thương mại Samco ký ngày 3/7/2017 gửi Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn-Samco cho thấy nhiều con số đáng buồn.

Theo đó, công suất thiết kế ban đầu của SCV là 5.000 xe trong 5 năm, trung bình 1.000 xe/năm. Thực tế 2,5 năm đi vào hoạt động, sản lượng sản xuất của SCV chỉ có 460 xe, đạt 18,4% kế hoạch. Sau hơn 2 năm ra mắt, Mercedes Việt Nam chỉ bán được khoảng 200 chiếc xe Fuso Rosa, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng 1.000 xe/năm.

Theo tính toán ban đầu, trong 5 năm hợp tác với Công ty TNHH Mercedes Việt Nam, Samco sẽ thu về mức lợi nhuận 14 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 2,5 năm đi vào hoạt động, SCV đã lỗ gần 55 tỷ đồng, tương đương với một nửa giá trị đầu tư Nhà máy ô tô Thương mại Samco.

Lúc đó, SCV đã nhận đơn đặt hàng của Công ty TNHH Mercedes Việt Nam đến đầu xe số 500, dự kiến hoàn tất nghiệm thu vào ngày 5/8/2017. Samco và SCV đã làm việc với Công ty TNHH Mercedes Việt Nam để yêu cầu ký các phụ lục điều chỉnh đơn giá lắp ráp nhưng vẫn chưa có kết quả. Có nghĩa, lúc này Nhà máy ô tô Thương mại Samco đang lỗ gần 55 tỷ đồng khi liên doanh với Mercedes Việt Nam.

Chỉ 2 tháng sau ngày ông Hiển gửi báo cáo về Samco, vào ngày 1/9/2017, Công ty TNHH Mercedes Việt Nam và Samco đã ký “Thỏa thuận về việc chấm dứt thỏa thuận lắp ráp” tại Nhà máy ô tô Thương mại Samco. Thoả thuận này không hề nhắc tới việc Mercedes Việt Nam sẽ đền bù gì cho Samco khi đã chi cả trăm tỷ đồng xây dựng kho xưởng rồi bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

  Việc lắp ráp xe khách Fuso Rosa thất bại khiến Nhà máy Ô tô Thương mại Samco biến thành Nhà máy sản xuất xe chuyên dùng.

Việc lắp ráp xe khách Fuso Rosa thất bại khiến Nhà máy Ô tô Thương mại Samco biến thành Nhà máy sản xuất xe chuyên dùng.

Thoả thuận có hiệu lực từ 1/9/2017. Tuy nhiên, Samco sẽ tiếp tục lắp ráp thêm 100 ô tô Fuso Rosa theo tiêu chuẩn Euro 2, hạn cuối giao xe là 15/12/2017. Chi phí do Công ty TNHH Mercedes Việt Nam trả cho Samco giống như đơn giá trong năm 2016 và sẽ không điều chỉnh trong bất kỳ trường hợp nào. Samco cam kết cố gắng hết sức để hoàn lại linh kiện không sử dụng cho nhà cung cấp của mình.

Nguyên nhân thua lỗ được xác định là do chi phí đầu tư nhà máy lắp ráp quá lớn so với nhu cầu dẫn đến khấu hao lớn, đòi hỏi sản lượng lớn. Thế nhưng, sau 2 năm sản phẩm xe khách Fuso Rosa ra thị trường thì không phù hợp nên không thể tiếp tục sản xuất.

Cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đã thay thế Samco để nhận chuyển giao toàn bộ mảng kinh doanh xe khách, xe tải Fuso từ MBV. Việc sản xuất thua lỗ tại nhà máy SCV bắt nguồn từ sự sai lầm trong phương án đầu tư cũng như sự tính toán kém hiệu quả của ban lãnh đạo Samco giai đoạn từ 2014 cho đến nay. Điển hình như vai trò của ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Samco và ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Samco.

Thế nhưng, các vị lãnh đạo này vẫn bình chân như vại dù đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền lên tới gần 55 tỷ đồng. Liệu có hay không việc cố tình đầu tư nhiều tiền vào nhà máy SCV để có lợi ích nhóm ở Samco?

Trước đó, Thanh tra TP.HCM cũng đã nêu hàng loạt sai phạm tại Samco và các công ty con như Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông hay Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé…

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement