25/11/2018 10:39
Mảng cho vay tài chính tiêu dùng gặp khó, FE Credit và HD Saison không còn là con gà đẻ trứng vàng cho VPBank và HDBank
Cạnh tranh trong mảng tái chính tiêu dùng tín chấp ngày càng trở nên gay gắt. Mô hình kinh doanh của FE Credit và HD Saison đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tụt giảm
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt-VCSC vừa có báo cáo cập nhật về xu hướng cho vay tài chính tiêu dùng. Theo đó, VCSC điều chỉnh giảm 12% dự báo lợi nhuận dành cho VPBank (VPB), xuống 7.000 tỷ đồng đối với năm 2018 và 13% xuống 8.200 tỷ đồng cho năm 2019.
Nguyên nhân, VCSC điều chỉnh giảm dự báo thu nhập lãi thuần 3% đối với năm 2018 và 7% năm 2019 do tăng trưởng tín dụng và giả định NIM thấp hơn.
VCSC cũng điều chỉnh giảm giả định thu nhập phí thuần, gồm kinh doanh ngoại hối 17% cho năm 2018 và 21% cho năm 2019 do tình hình mảng bancassurance kém khả quan và chi phí dịch vụ thu phí của FE Credit cao, khiến điều chỉnh giảm lợi nhuận.
FE Credit bị hàng loạt khách hàng phàn nàn vì gọi điện đòi nợ kiểu khủng bố, thuê giang hồ đòi nợ. |
Với dự báo lợi nhuận được điều chỉnh giảm và P/B mục tiêu 2019 được điều chỉnh giảm từ 1,8 xuống 1,4, VCSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu 19% xuống 27.500 đồng/cổ phiếu VPB. P/B mục tiêu được điều chỉnh giảm mạnh hơn so với dự báo lợi nhuận vì dự báo tăng trưởng tài chính tiêu dùng ngày càng chậm lại sau năm 2019. Tuy nhiên, VCSC vẫn giữ khuyến nghị mua VPB với tỷ lệ tăng 35,5% đối với giá mục tiêu hiện nay.
Tăng trưởng lợi nhuận 2018 đang bị chi phí tín dụng cao kìm hãm do tỷ lệ nợ xấu tăng tại cả ngân hàng mẹ và FE Credit. Việc duy trì tốc độ thu hồi nợ trong quý III năm 2018 là một yếu tố tích cực, có thể hỗ trợ lợi nhuận cả năm.
ROE 9 tháng đầu năm 2018 đạt 21% so với trung vị ngành là 16% và VCSC dự báo ROAE sẽ dao động quanh mức 20% trong trung hạn. Định giá VPB hấp dẫn tại mức P/B hiện tại 1,5 lần so với trung vị ngành là 1,8 lần.
Cạnh tranh trong mảng tái chính tiêu dùng tín chấp đang ngày càng trở nên gay gắt. Mô hình kinh doanh của FE Credit đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau từ các công ty tài chính tiêu dùng mới đang gia nhập thị trường sau làn sóng M&A trong 3 năm qua.
Trong khi ở một diễn biến khác, các ngân hàng thương mại truyền thống đang nỗ lực để thu hút nguồn khách hàng chất lượng tốt mà FE Credit nhắm đến để bán gia tăng các khoản vay tiền mặt.
FE Credit đã được cấp room tăng trưởng tín dụng 20% cho năm 2018 từ Ngân hàng Nhà nước nhưng để có thể sử dụng hết mức room này là một thách thức, theo quan điểm của VCSC.
Mảng tài tính tiêu dùng tín chấp nhìn chung hiện đang chững lại trong năm 2018. Cụ thể, HD Saison của HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng 6,6% tính từ đầu năm. Còn tăng trưởng tín dụng của FE Credit trong 9 tháng 2018 chỉ đạt 4,2%.
Để có thể sử dụng hết trần tăng trưởng tín dụng này trong quý cuối cùng của năm 2018 sẽ là thách thức rất lớn. Do đó, VCSC điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho vay từ 20% còn 10% cho FE Credit trong năm 2018 và 9,5% trong năm 2019.
Tuy nhiên, mô hình định giá của VSC vẫn giữ khuyến nghị mua, dù câu chuyện cổ phiếu VPB bao gồm mô hình tăng trưởng cho vay tại FE Credit, vốn đã thấp hơn đáng kể so với mảng ngân hàng tính riêng.
Mảng này phụ thuộc vào gia tăng quy mô khoản vay tiền mặt và sự chững lại trong tỷ lệ gia tăng vẫn là trở ngại chính cho tăng trưởng khoản vay nói chung. VCSC chưa cho rằng, việc triển khai sản phẩm mới khi cung cấp khoản vay thông qua ứng dụng cho các khách hàng đã được phê duyệt trước sẽ giúp kích hoạt lại tăng trưởng.
Cho đến khi sản phẩm mới bắt đầu tạo ra tăng trưởng, VCSC sẽ dự phóng tăng trưởng cho vay với sự thận trọng. Trong bối cảnh cả VPB và HDB có sự phụ thuộc vào các công ty con mảng tài chính tiêu dùng, VCSC cho rằng tâm lý đầu tư sẽ duy trì kém tích cực ít nhất là cho đến tháng 2/2019 khi cả 2 công ty có thể sẽ tổ chức buổi gặp mặt nhà đầu tư về chiến lược kinh doanh năm 2019.
Dự báo trước
Trên thực tế, báo cáo mới nhất của VCSC về xu hướng cho vay tài chính tiêu dùng không phải là cảnh báo mới cho VPBank và HDBank. Từ đầu năm 2018, đã có rất nhiều dấu hiệu chỉ rõ vấn đề này.
Cụ thể, trong những năm trước đây, FE Credit là con gà đẻ trứng vàng cho VPBank luôn chiếm trên 50% tổng lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018, FE Credit đã tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước.
Cụ thể, FE Credit tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4% và chiếm 22% trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng hợp nhất. Sự tăng trưởng chậm lại là do FE Credit điều chỉnh ở một số đối tượng cho vay và chỉ còn đóng góp khoảng 36% vào tổng lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất.
Còn theo báo cáo tài chính quý III năm 2018 của VPBank, lợi nhuận của FE Credit đóng góp cho VPBank chỉ ở khoảng hơn 2.200 tỷ và mức đóng góp vào ngân hàng hợp nhất ở vào khoảng 37%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với những năm trước, thường từ 45-50%.
Một trong những thách thức mà FE Credit đang đối mặt là việc thu hồi nợ gặp vấn đề. Thứ hai là do tỷ lệ nhân viên nghỉ việc nhiều hơn vì bị đối thủ thu hút nhân sự. Công suất thu hồi nợ của các nhân viên cũng giảm sút.
Việc FE Credit tăng trưởng chậm lại đã khiến VPBank, lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6.125 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Với một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây, thì mức 8,7% có thể nói là khá khiêm tốn. Mức đóng góp của FE Credit, vốn được xem là gà đẻ trứng vàng của VPBank ngày càng ít hơn.
HD Saison cũng đang tăng trưởng chậm lại. |
Riêng lợi nhuận trước thuế trong quý III năm 2018 của VPBank hợp nhất đạt 1.749 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ và cũng thấp hơn so với mức đạt được trong 2 quý đầu năm 2018. Cụ thể, quý I đạt 2.618 tỷ đồng, quý II đạt 1.757 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí cho dự phòng rủi ro VPBank tăng vọt 46% lên 8.194 tỷ đồng, chiếm đến 57% lợi nhuận trước dự phòng và kéo lãi trước thuế của VPBank hợp nhất xuống còn hơn 6.100 tỷ. Việc chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt ở VPBank đến phần lớn từ FE Credit.
Báo cáo tài chính của VPBank cho biết, nợ xấu hợp nhất tuyệt đối tại nhà băng đến cuối tháng 9 đã lên tới 9.401 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của VPBank tăng chậm hơn với mức 9,5% so với đầu năm.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,39% lên 4,7%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất với 61% lên 5.102 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 cũng đang chiếm tỷ trọng 54% trong cơ cấu nợ xấu của VPBank.
Còn với HDBank, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 2.309 tỷ đồng, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, HD Saison đóng góp khoảng 21,4% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm. Tăng trưởng tín dụng của HD Saison chỉ đạt 6,6% trong 9 tháng đầu năm 2018. Hiện tại, HDBank đang sở hữu 50% HD Saison.
Thu nhập phí thuần hợp nhất 9 tháng đầu năm của HDBank tăng 223% nhờ HD Saison mở rộng hợp tác bancassurance không độc quyền trong mảng phi nhân thọ. Ngoài ra, thu nhập thuần từ dịch vụ của ngân hàng mẹ cũng tăng trưởng 24,5%.
Tỷ lệ CIR của HDBank sau 9 tháng đầu năm giảm còn 44,1% từ mức 48,4% hồi đầu năm. CIR hợp nhất cũng giảm về mức 48% từ mức 54,3%, cho thấy hiệu quả kiểm soát chi phí của ngân hàng tiếp tục được khẳng định.
Đáng chú ý CIR vẫn được kiểm soát tốt dù trong 9 tháng đầu năm cả ngân hàng mẹ và HD Saison đều đã đẩy mạnh phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và điểm giao dịch tài chính tại các thành phố cấp 2 và 3. Đây là khu vực có tỷ lệ thâm nhập ngân hàng còn khá thấp so với các đô thị lớn.
Về hoạt động tín dụng, dư nợ cho vay quý III tăng trưởng kém so với quý 2 do tăng trưởng tín dụng mảng tài chính tiêu dùng chậm. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất trong 9 tháng đầu năm đạt 14,2% trong khi tăng trưởng tín dụng tính riêng ngân hàng mẹ đạt 15%. Điều này cho thấy HD Saison chỉ đạt tăng trưởng 6,6%.
Advertisement