Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Mảng bất động sản của Tập đoàn KIDO còn lại gì khi bán khu đất ở Thủ Đức?

Từng được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận lớn, tạo bước nhảy vọt cho KIDO nhưng hầu hết dự án mà tập đoàn này góp vốn đều bị trùm mền hoặc chậm tiến độ.

Tham vọng lớn

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) được thành lập năm 2002. Năm 2005, KDC niêm yết trên HOSE. Hoạt động chính của KDC là bán buôn thực phẩm và mua bán nông sản thực phẩm. Tuy nhiên từ năm 2006, KDC đã thể hiện tham vọng lấn sân vào lĩnh vực bất động sản.

Điển hình, KDC có kế hoạch xây dựng dự án tại khu đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM để xây nhà ở cao tầng. Các căn hộ trong dự án này, một phần dành ưu tiên cho cán bộ, nhân viên của Công ty Kinh Đô có nhu cầu về nhà ở, một phần làm quỹ tái định cư cho các dự án do KDC làm chủ đầu tư tại TP.HCM, số còn lại sẽ đưa vào kinh doanh thu hồi vốn. Vốn đầu tư dự kiến cho dự án này tại thời điểm 2006 là 1.071 tỉ đồng.

Năm 2009, KDC tiến thêm một bước nữa khi định giá lại lô đất số 6/134, Quốc lộ 13 và lập Công ty TNHH Tân An Phước để thực hiện dự án này. Vốn điều lệ của Tân An Phước là 500 tỉ đồng. Trong đó, KDC nắm 80% và Công ty Cổ phần Địa ốc KIDO nắm 20% vốn điều lệ.

Khu đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức hoang tàn sau 12 năm về tay KDC.

Trong bản cáo bạch năm 2009, KDC xác định bất động sản là lĩnh vực có khả năng mang lại lợi nhuận cao, giúp công ty có bước nhảy vọt, hỗ trợ cho mảng thực phẩm. Trong năm 2010, chiến lược của KDC là đầu tư vào các dự án bất động sản tại những địa điểm hấp dẫn, mức sinh lời cao và rủi ro đầu tư thấp.

Kế hoạch kinh doanh năm 2010 của KDC thể hiện rõ tham vọng lấn sân vào mảng bất động sản khi đặt chỉ tiêu lợi nhuận từ bất động sản và lợi nhuận khác lên tới 425 tỉ đồng, chiếm 50% lợi nhuận của KDC. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính chỉ là 342 tỉ đồng, chiếm 40% lợi nhuận năm 2010. 10% lợi nhuận còn lại của năm 2010 đến từ công ty liên kết 4% và hoạt động đầu tư tài chính 6%.

Để thực hiện tham vọng này, trong năm 2009 KDC đã hoàn tất việc tháo dỡ, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ thiết kế và giấy phép để khởi công trong quý III năm 2010. KDC cũng kỳ vọng, giá trị của lô đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước sẽ tăng giá mạnh khi TP.HCM làm xong tuyến đường Phạm Văn Đồng và mở rộng Quốc lộ 13, đoạn đi qua Thủ Đức.

Lô đất số 6/134, Quốc lộ 13 là đất có nguồn gốc từ đất công được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô làm văn phòng và nhà máy vào năm 2004, rộng 49.420m2.

Năm 2005, Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô chuyển nhượng quyền sử dụng đất của lô đất này cho KDC. Tuy nhiên, lô đất này đến nay vẫn chưa chuyển được mục đích sử dụng đất và phảiđóng tiền thuê đất hằng năm.

Tham vọng của KDC ở mảng bất động sản còn thể hiện ở việc góp vốn làm dự án SJC Tower. Dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác Lê Lợi-Lê Thánh Tôn-Nguyễn Trung Trực-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rộng 4.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Tòa nhà này được thiết kế với 6 tầng hầm và 54 tầng nổi. Chủ đầu tư dự án SJC Tower là Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.

Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Công ty Cổ phần Hùng Vương, KDC và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á để đầu tư khu phức hợp SJC Tower.

Ngoài ra, KDC còn góp vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue với tổng số tiền 1.087 tỉ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ của Lavenue. Công ty Lavenue thành lập năm 2010 với hoạt động chính là kinh doanh bất động sản.

Cơ cấu cổ đông tại Công ty TNHH Tân An Phướcsau khi KDC thoái vốn.

KDC cũng đang nắm giữ 34% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phong Thịnh. Công ty này được thành lập năm 2016, lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản và xây dựng. Phong Thịnh có trụ sở tại 436, Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh.

Chẳng đi đến đâu

Dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng mảng bất động sản của KDC lại rất mờ nhạt trên thị trường. Bởi hầu hết các dự án có sự tham gia của KDC đều trễ tiến độ hoặc trùm mền.

Chẳng hạn, dự án xây nhà ở cao tầng tại khu đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức đến nay vẫn chưa thành hình hài. Hiện tại, khu đất này vẫn là chỉ bãi đất trống không với khu nhà văn phòng cũ đã xập xệ, cỏ mọc cao quá đầu người.

Những khó khăn trong việc huy động vốn, bế tắc trong việc hoàn thiện hồ sơ để khởi công dự án đã khiến KDC quyết định buông khu đất này. Hồi giữa tháng 11, Hội đồng quản trị KDC đã họp và ra quyết định chuyển nhượng 80% vốn góp tại Công ty TNHH Tân An Phước cho các đối tác. Thương vụ này giúp KDC thu về 400 tỉ đồng, tính theo giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính quý III năm 2017 của KDC.

Cổ đông mới của Công ty Tân An Phước là hai cá nhân và một pháp nhân. Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối Miền Nam nắm giữ 45% vốn, ông Nguyễn Xuân Phước mua 25% vốn điều lệ và ông Trần Quang Phụng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối Miền Nam nắm 30% vốn.

Như vậy, sau 12 năm với bao lần khởi công hụt, KDC đã chính thức từ bỏ dự án tại khu đất số 6/134, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

Còn ở dự án SJC Sài Gòn do Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư, KDC cũng chuyển nhượng 50% vốn góp tại đây cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để thu về 425 tỉ đồng nhưng đây có thể là một thương vụ sai lầm của KDC.

Bởi hồi cuối tháng 7, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương đã thông qua kế hoạch phát hành 121,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Với tỷ lệ phân bổ quyền 1:2,07, HFIC được phân bổ hơn 23,44 triệu quyền mua cổ phiếu trong đợt phát hành mới này.

Dự ánLavenue Crown nằm trên mặt tiền đường Lê Duẩn-Hai Bà Trưng, KDC góp 50% cổ phần nhưng nằm bất động nhiều năm qua.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM yêu cầu HFIC phải giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Sài Gòn Kim Cương nên HFIC đưa hơn 13 triệu quyền mua ra bán đấu giá, tương ứng 55,6% tổng số quyền mua được phân bổ.

Khi HFIC thông báo sẽ bán đấu giá hơn 13 triệu quyền mua cổ phiếu Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương với giá khởi điểm 4.620 đồng/quyền mua, HOSE đã nhận được 9 hồ sơ đăng ký đến từ 7 cá nhân và 2 tổ chức trong nước.

Đến ngày 17/10, tại HOSE đã diễn ra phiên đấu giá quyền mua Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Kết quả, có 1 tổ chức và 2 cá nhân trúng thầu với mức giá bình quân 19.350 đồng/quyền mua, cao gấp 4 lần so với giá khởi điểm là 4.620 đồng. Tổng số tiền mà HFIC thu về từ đợt đấu giá này là gần 252 tỉ đồng, chiếm hơn 55% số tiền HFIC bỏ ra mua phần vốn góp của KDC vào năm 2010.

Phần vốn góp ở Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue là để làm dự án Lavenue Crown, mặt tiền đường Lê Duẩn-Hai Bà Trưng rộng hơn 4.900m2 nhưng đến nay dự án vẫn bất động. UBND TP.HCM đã nhiều lần yêu cầu các sở ngành đánh giá lại năng lực chủ đầu tư nhưng hiện tại, Lavenue Crown chỉ là bãi giữ xe.

Trên thị trường có Công ty Cổ phần Địa ốc KIDO-KIDO Land. Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị KDC cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị của KIDO Land và ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị KDC chính là Thành viên Hội đồng quản trị của KIDO Land. Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính hay báo cáo thường niên KDC đều không thấy KIDO Land nằm trong danh sách công ty con hoặc công ty liên kết.

Hiện tại, KIDO Land đang mở bán dự án Cộng Hòa Garden tại số 20 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM rộng 3ha với 5 block cao từ 13-15 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 130.000m2. Dự án Cộng Hòa Garden đã cất nóc và dự kiện giao nhà vào tháng 3/2018.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement