30/01/2021 13:20
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo chuẩn nghi thức
Nghi lễ cúng ông Công ông Táo sẽ được tiến hành vào ngày 23 tháng Chạp. Mâm lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì, cách cúng ra sao?
Theo quan niệm của người Việt, ông Công ông Táo là vị thần dõi theo cuộc sống của mọi người trong gia đình. Hàng ngày ông Công ông Táo sẽ ghi lại những việc làm tốt-xấu của gia chủ, để đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo với Ngọc Hoàng. Thiên đình sẽ từ báo cáo đó của Táo quân mà đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.
Ông Công ông Táo là ai?
Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc, và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Theo tích của người Việt, Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau nhưng họ mãi không có con, vì vậy dần dà Trọng Cao hay kiếm chuyện xô xát, dằn vặt vợ.
Một hôm, chỉ vì chuyện nhỏ, Cao lại gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi. Nhi bỏ nhà, lang thang đến xứ khác và gặp Phạm Lang. Phải lòng nhau, hai người kết thành vợ chồng. Phần Trọng Cao sau khi nguôi giận thì quá ân hận nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Day dứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.
Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường, cuối cùng tình cờ mò vào xin ăn đúng nhà của Thị Nhi nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhận ra người hành khất là chồng cũ, Nhi mời vào nhà nấu cơm cho ăn. Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan nên giấu Cao dưới đống rạ sau vườn.
Chẳng may đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rạ để lấy tro bón ruộng. Thấy lửa cháy, Nhi lao mình vào cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.
Ông Công ông Táo là ai? Theo truyện dân gian, đó là người phụ nữ và 2 người chồng, duyên nghiệp khiến họ cùng chết trong đống lửa.Thượng đế thương tình thấy 3 người sống có nghĩa có tình nên phong cho làm vua bếp hay còn gọi là Định phúc Táo quân, giao cho người chồng mới làm Thổ công trông coi việc trong bếp, người chồng cũ làm Thổ địa trông coi việc trong nhà, còn người vợ làm Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo đúng nghi thức
Tùy theo khả năng từng gia đình, ngoài cá chép (còn sống hoặc bằng giấy), các gia đình có thể cúng mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn để tiễn Táo Quân. Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cỗ cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc cay măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.
Với những gia đình cúng chay, hai năm lại đây, thị trường xuất hiện loại bánh trôi cá chép. Bánh được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên: màu đỏ của gấc xay, màu cam của cà rốt, màu vàng của tinh bột nghệ, màu đen của tinh bột than tre. Bát bánh trôi cá chép này sẽ là một lựa chọn hay cho các gia đình muốn cúng chay.
Đơn giản hơn nữa có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay theo trường phái (Trí Tuệ). Theo đó, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 “ông” cá chép sống. Những người theo trường phái này không dâng cúng và đốt mũ, tiền vàng và cá chép giấy. Khi thắp hương xong, gia chủ sẽ mang cá thả ra sông.
Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 khổ thịt vai gáy luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Cũng cách chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo khác, gồm có: Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa; một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn; một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.
Một mâm lễ gồm: Gà trống; xôi đỏ; 3 chén rượu ba màu đỏ , trắng, vàng (màu đỏ mang lại vận khí tốt, màu trắng mang lại tài lộc, màu vàng mang lại sự bình an); 3 chén trà ba loại mùi vị khác nhau; ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần; vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá. Trong mâm lễ phải có 3 con cá chép; 9 cây cây nến đỏ.
Tuy nhiên, gia chủ không đốt tiền âm phủ vì Ông Công Ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên nếu đốt tiền âm phủ họ sẽ không nhận.
Đặc biệt năm nay, trên thị trường còn xuất hiện loại vàng mã không trang kim, có kích thước rất nhỏ gọn, được thiết kế khá tinh xảo để đáp ứng nhu cầu của những gia đình muốn cúng mã nhưng hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Cách cúng ông Công, ông Táo
Theo dân gian, nơi cúng ông Táo tốt nhất là đặt trong khu bếp, khi cúng nên bật bếp lên để có hơi ấm tỏa ra. Theo quan niệm này, mâm cỗ đề huề thì cả nhà sẽ quanh năm no ấm.
Tuy nhiên, ngày nay tùy vào điều kiện mỗi gia đình để lựa chọn nơi cúng ông Công ông Táo phù hợp. Có gia đình sẽ thắp hương tại bàn thờ gia tiên hoặc lập bàn thờ Táo Quân riêng biệt.
Nếu không có ban thờ riêng Táo Quân thì các gia đình có thể làm lễ cúng Táo Quân trên một chiếc bàn riêng để ở ngoài sân, ngoài hành lang hay ở giữa phòng khách của nhà. Trên bàn cúng nên trải vải đỏ.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, xúc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục, thắp 9 nén hương và quỳ xuống lễ 9 lễ.
Lễ cúng thường diễn ra tù ngày 22 tháng Chạp hoặc trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Gia chủ chờ hương cháy 1/3 là đã có thể mang vàng mã đi hoá cho các vị thần.
Hóa xong thì gói tro vào một tờ giấy màu đỏ sạch sẽ, rồi mang cá và tro đi thả ở sông, suối, hay hồ nước có dòng chảy lưu thông. Không nên thả ở những hồ nước bẩn, ao tù.
(Tổng hợp)
Advertisement
Advertisement