21/12/2020 10:57
Lý Tú Anh, ‘bông hồng thép’ của ngành logistics Việt Nam
Bà Lý Tú Anh, Giám đốc Công ty TNHH TM – Vận tải Quốc tế Ngôi Sao Mỹ được mệnh danh là "bông hồng thép" ngành logistics. Bà làm nên tên tuổi với những pha giải cứu hàng hóa siêu khó.
Bà Lý Tú Anh được biết đến là nữ lãnh đạo đa năng khi cùng lúc kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nhau tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, giám đốc đại diện một công ty đa quốc gia của Hàn Quốc, Chủ tịch CLB nữ lãnh đạo, thành viên CLB nữ doanh nhân (thuộc Hội nữ tri trức TP.HCM), người sáng lập cửa hàng An Chơn…
Nhưng điều đặc biệt ở người phụ nữ này là luôn tràn đầy năng lượng và có rất nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng.
Khẳng định tên tuổi từ những pha giải cứu hàng hóa
Năm 2003, bà Lý Tú Anh thành lập công ty TNHH TM Vận tải Quốc tế Ngôi sao Mỹ, đến nay được gần 20 năm trong nghề logistics và công ty đã mang về cho bà không ít những thành tựu trong ngành khi để lại tiếng vang trong những pha giải cứu hàng hóa có một không hai.
Theo bà Lý Tú Anh, theo nghề này không chỉ làm “dâu trăm họ” khi đối mặt với hàng trăm thủ tục giấy tờ cho các lô hàng, cho đến khâu vận chuyển hàng hóa xuất nhập cảnh vào nước bạn… mà còn phải có một tinh thần thép đón nhận và giải quyết những rủi ro ngoài ý muốn.
Doanh nhân Lý Tú Anh, "bông hồng thép" ngành logistics. |
Giống như trường hợp bà từng trải qua đó là liên tiếp 2 container vận chuyển hàng của công ty rớt xuống đèo Bảo Lộc ở độ sâu 40m. “Khi nghe tin 2 container gặp nạn như trời sập trước mắt tôi vì đó không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn là tính mạng con người. Tai nạn vượt quá sức chịu đựng của một người phụ nữ nhưng với vai trò người lãnh đạo tôi không được phép gục ngã. Tôi phải là người đứng vững hơn bất kỳ ai để cùng nhân viên giải quyết vụ tai nạn. Rất may là vụ tai nạn không thiệt hại về người nhưng hàng hóa thì chúng tôi phải trục vớt, bồi thường…”, bà Lý Tú Anh chia sẻ.
20 năm kinh nghiệm đã trui rèn người phụ nữ này thành nhà lãnh đạo với tinh thần thép, không có ca nào mà bà không hóa giải được.
Bà nhớ có lần một người phụ nữ lớn tuổi (Việt kiều Mỹ) đến công ty khóc và xin bà giải cứu container hàng nội thất, đồ cá nhân của khách hàng ở bên Mỹ vận chuyển về Việt Nam định cư nhưng bị kẹt ở cảng không lấy được. Khách hàng này đã đi nhiều nơi nhưng không có cách giải quyết.
Biết đây là ca khó với lợi nhuận không cao nhưng bà Tú Anh vẫn cùng các nhân viên của mình làm việc ròng rã 2 tháng trời với đủ các loại thủ tục giấy tờ để “giải cứu” lô hàng trên. Đó là những câu chuyện mà nữ giám đốc này luôn tự hào kể khi nói về nghề nghiệp của mình.
Với những kỹ năng và kinh nghiệp trong nghề, bà Lý Tú Anh là một trong những thành viên của Hiệp hội Combined Logistics Networks (CLN). CLN là một tổ chức có uy tín cao, chỉ cho phép một số lượng ít ỏi doanh nghiệp ngành logistics của mỗi nước tham gia với tư cách là thành viên chính thức. Bà cho biết, nhờ là thanh viên của hội mà bà được kết nối với rất nhiều doanh nghiệp và các đối tác lớn trên thế giới.
Giao quyền cho nhân viên
Nhiều người thắc mắc tại sao một người phụ nữ nhỏ bé như vậy lại làm việc và đảm nhận được các vai trò chủ chốt ở nhiều vị trí khác nhau và luôn đạt hiệu quả tốt. Theo bà Lý Tú Anh, nguyên tắc làm việc của bà là không “ôm đồm” quá nhiều công việc vào người. Tuy bà đứng vị trí chủ chốt ở nhiều doanh nghiệp tuy nhiên công việc bà làm rất ít.
“Tất cả công việc tôi đều tin tưởng tuyệt đối và giao toàn quyền quyết định cho nhân viên của mình. Ví dụ công việc tại công ty Ngôi Sao Mỹ, nhiều khách hàng ngạc nhiên khi thấy nhân viên của tôi báo giá dịch vụ logistics rất nhanh và có thể tự mình ra quyết định ở hầu hết công việc mình phụ trách”, bà Lý Tú Anh chia sẻ.
Bà Lý Tú Anh không ngại giao mọi quyền quyết định cho nhân viên. |
Theo bà Tú Anh, nếu nhân viên phải trình cấp trên phê duyệt như ở công ty khác thì mất rất nhiều thời gian. Trong giao dịch quốc tế, sự nhanh nhạy rất quan trọng, nếu không nói là yếu tố quyết định thành công. Thực tế, việc trao quyền giúp cho nhân viên xử lý tình huống rất linh hoạt mà vẫn bảo đảm nguyên tắc căn bản. Điều này vừa thể hiện lòng tin trong nội bộ cũng vừa là tinh thần trách nhiệm của nhân viên.
Để làm được điều này, bà Lý Tú Anh cho biết mất rất nhiều thời gian để đào tạo một nhân viên thật sự giỏi. Với mỗi nhân viên bà cho thử việc từ 6 tháng đến một năm và thậm chí là lâu hơn. Bà đào tạo nhân viên của mình đến khi nào thành nghề và giỏi bằng sếp hoặc hơn thì mới thôi. Bà không ngại việc cầm tay chỉ việc cho nhân viên.
“Chính vì tin tưởng vào giao toàn quyền cho nhân viên nên tôi rất thành thơi “tả xung hữu đột” khắp nơi tham gia nhiều hoạt động từ thiện và xã hội”, bà Lý Tú Anh cho biết.
Ngoài việc nhận lời giảng dạy tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, bà còn mở các khóa đào tạo nghiệp vụ logistics cho sinh viên để các bạn trẻ được tiếp xúc trải nghiệm thực tế với nghề khi theo chân các anh chị công ty xuống tận cầu cảng, kho bãi sân bay.
Bà Lý Tú Anh (Áo hồng) đồng hành cùng phụ nữ trong rất nhiều hoạt động cộng đồng. |
Theo bà Lý Tú Anh thì 2021 sẽ là năm sôi động của ngành vận tải và logistics. Sau một năm tạm đóng băng vì COVID-19, nhiều công ty trên thế giới sẽ tìm địa chỉ mới để hoạt động sản xuất kinh doanh thay thế Trung Quốc, nên nhu cầu về lao động trong ngành này rất lớn. Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì nhân lực sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Đồng hành cùng bệnh nhân trầm cảm
Là một nữ lãnh đạo của các công ty và các tập đoàn lớn việc bà mở cửa hàng nhỏ An Chơn khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng ít ai biết đó là nơi bà tạo công ăn việc làm giúp đỡ những người bị trầm cảm.
Nơi bà có thể chia sẻ những sản phẩm, thực phẩm sạch đến người tiêu dùng hướng mọi người quan tâm đến sức khỏe tinh thần.
Bà Tú Anh cho biết, thời đại mà mọi người cứ mải chạy theo sự phát triển không ngừng của công nghệ, của đời sống công nghiệp, thì tình trạng stress, căng thẳng và trầm cảm ngày càng nhiều trong xã hội, nhất là phụ nữ.
Cửa hàng An Chơn, nơi truyền tài thông điệp đời sống tinh thần đến cộng đồng. |
Theo bà Tú Anh, việc mở An Chơn là các bà đưa những sản phẩm mang đời sống tinh thần đến những người có vấn đề về tâm lý. Bà muốn thông qua cửa hàng chia sẻ nguồn năng lượng tích cực của mình đến mọi người, để giúp người khác hiểu được giá trị của bản thân.
“Tôi là người đã từng bị trầm cảm nên rất thương những người bị trầm cảm hoặc chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, nhất là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, tôi mở ra cửa hàng An Chơn chuyên cung cấp các sản phẩm thuần tự nhiên giúp cho khách hàng không chỉ có được sự khỏe mạnh vì nhưng mục tiêu cuộc đời tôi không phải kiếm nhiều tiền mà tôi muốn làm nhiều hơn cho trẻ em”, bà Tú Anh chia sẻ.
Cụ thể tại cửa hàng An Chơn, nơi đây bán những sản phẩm nông sản sạch như hạt điều sấy khô, tinh dầu, trà từ các loại hoa quả, những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam như nón lá làm từ sen, túi xách từ mây tre đan… Đây cũng là nơi nhận rất nhiều các bạn trẻ, phụ nữ là bệnh nhân điều trị trầm cảm của các chuyên gia tâm lý đến để làm việc.
Bà Tú Anh cho biết, trong tương lai bà sẽ chuyển giao lại việc kinh doanh của mình cho lớp trẻ và về Buôn Mê Thuột để xây dựng một ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên, nơi điều trị tâm lý dành cho trẻ em bị trầm cảm.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp