11/02/2023 08:10
Lượng xăng dầu nhập khẩu tăng gần 70% so với cùng kỳ 2022
Tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam đã tăng tốc nhập khẩu số lượng lớn xăng dầu do được cấp quota nhập khẩu mới cho năm 2023 và chủ động trước xu hướng giá xăng dầu tăng mạnh.
Theo đó, tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu riêng tháng 1/2023 đã là 1 triệu tấn, tăng gần 70% so với tháng 1/2022, kim ngạch cũng tăng gần 100% so với cùng kỳ.
Theo giá bình quân, mỗi tấn xăng dầu nhập khẩu là gần 21 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng/tấn so với tháng trước. Trong đó xăng các loại là gần 300.000 tấn, giá trị hơn 250 triệu USD, giá bình quân 19 triệu đồng/tấn, dầu diesel hơn 531.000 tấn, giá trị hơn 480 triệu USD, giá bình quân hơn 20,7 triệu đồng/tấn.
Đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1/2023 lượng xăng dầu nhập về tăng mạnh do doanh nghiệp được cấp quota mới nhập khẩu hàng cho năm 2023. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động nhập khẩu xăng dầu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ngoài xăng dầu, ngay đầu năm mới Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn dầu thô, than. Theo số liệu sơ bộ, tháng 1/2023, cả nước nhập trên 1 triệu tấn dầu thô, kim ngạch hơn 677 triệu USD; than các loại cũng nhập khoảng 1,68 triệu tấn, kim ngạch hơn 272 triệu USD.
Trước đó, đáng chú ý trong tháng 1/2023 do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố kỹ thuật khiến giảm nguồn cung trong nước khoảng 120.000-200.000 m³, tấn trong tháng 1 so với kế hoạch, Dung Quất không nhập được dầu thô do thời tiết xấu nên đã hoạt động ở công suất thấp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) nhập khẩu thêm xăng dầu.
Ngay trong đầu quý IV/2022, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m³/ tấn xăng dầu. Theo Bộ Công Thương, PVOIL đã nhập khẩu tăng thêm 40.000 m³ xăng dầu để đảm bảo đủ nguồn cho toàn hệ thống PVOIL trong dịp Tết Nguyên đán 2023, theo Dân Việt.
Trong khi đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã triển khai công tác đàm phán ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp nước ngoài và trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất/Nghi Sơn) để ổn định nguồn cung, tiến hành nhập hàng về 7 điểm kho: Quảng Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Nha Trang, Cần Thơ và TP.HCM.
Trong tháng 1/2023 (tháng Tết) và tháng 2/2023 (sau Tết), Petrolimex có kế hoạch nhập khoảng 1,83 triệu m³, tấn xăng dầu các loại (tăng 6,7% so với tổng nguồn tối thiểu bình quân tháng được phân giao). Petrolimex tiếp tục lập kế hoạch mua hàng cho tháng 3/2023 để đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ của Tập đoàn dịp trong và sau Tết Nguyên đán.
Đối với mặt hàng LPG, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự kiến nhu cầu tiêu thụ LPG tháng 1-2/2023 chỉ đạt khoảng 170-190 nghìn tấn/tháng, thấp hơn so với các tháng thông thường khoảng 10-20 nghìn tấn. Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV GAS) duy trì ổn định hoạt động sản xuất của các nhà máy GPP Dinh Cố và Cà Mau và cung cấp cho thị trường khoảng 25-30 ngàn tấn/tháng. PV GAS tiếp tục duy trì các hợp đồng term mua LPG cho năm 2023 và cân đối các hợp đồng spot tùy theo nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn hàng theo cam kết, đồng thời góp phần ổn định nguồn cung cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Hiện Việt Nam có 33 doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm phân giao, nhập khẩu xăng dầu "chia bài" xăng dầu, Trong khi đó, Petrolimex đang chiếm 50% thị phần, PV Oil đang chiếm khoảng 20% thị phần, còn lại là của các đầu mối khác.
Hai doanh nghiệp này cũng có khoảng gần 9.000 đại lý bán lẻ xăng dầu trực tiếp hoặc gián tiếp qua nhượng quyền thương hiệu (chiếm gần 50% tổng số 17.000 đại lý xăng dầu bán lẻ trên khắp cả nước). Trong khi đó, giá xăng dầu hôm nay ngày 10/2 có thể sẽ giảm do giá dầu đã lao dốc dữ dội, giá dầu Brent giảm xuống mức hơn 84 USD/thùng, có thể giá xăng dầu trong nước vào ngày mai 11/2 sẽ giảm trong kỳ điều hành.
Về việc điều hành xăng dầu, sau thời gian Bộ Tài chính và Bộ Công Thương "nhường" nhau quản lý xăng dầu, trong dự thảo mới nhất về sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, Bộ Công Thương cho biết, mặt hàng xăng dầu hiện chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý.
Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, dự thảo cũng yêu cầu làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và bổ sung nội dung: "Thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 1 quý/lần. Nếu trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay", theo TPO.
Theo Bộ Công Thương, việc phân công phối hợp như vậy đã thực hiện từ nhiều năm, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng của từng bộ, ngành. Trong điều hành giá, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát và hướng dẫn xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở, đảm bảo giám sát, kiểm tra các chi phí chính xác, minh bạch và đúng chuyên môn.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement