15/03/2018 05:03
“Lườm rau gắp thịt”, tỉ phú Trung Quốc nhắm BMW, chọn đầu tư vào Daimler
Tỉ phú Trung Quốc Li Shufu có vẻ như đã đặt BMW vào tầm ngắm, trước khi bỏ ra gần 9 tỷ USD đầu tư vào tập đoàn Daimler.
Mercedes-Benz có nhiều hơn cơ hội tại thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa: GETTY IMAGES |
Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc đang là thị trường cực lớn không thể bỏ qua của các hãng xe Đức. Tìm kiếm một đối tác thích hợp để mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc là điều mà không một hãng xe nào bỏ qua. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng cần tìm kiếm những mối quan hệ với các hãng xe hơi lâu đời nhất thế giới, để học hỏi về kinh nghiệm, công nghệ, giúp đất nước tỷ dân này có thể tự mình làm ra những chiếc xe hơi chất lượng.
Ông chủ tập đoàn Geely, tỷ phú Li Shufu vì vậy rất quan tâm tới các hãng xe Đức, cho dù đã sở hữu thương hiệu danh tiếng Volvo từ năm 2010. Thứ mà ông Li Shufu cũng như Geely cần tất nhiên là một sự chia sẻ về công nghệ để giúp hãng xe Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp với thế giới. Đổi lại, tầm ảnh hưởng của Li Shufu tại Trung Quốc sẽ là bàn đạp tốt để các hãng xe Đức đạt được thành công.
Câu chuyện giữa ông Li Shufu và các hãng xe Đức được đánh giá không phải là “thâu tóm” giống như những gì tỉ phú người Trung Quốc làm với Volvo. Đây được cho là một sự đầu tư của ông Li Shufu, một mối lương duyên mà đôi bên cùng có được lợi ích.
Tỉ phú Li Shufu ban đầu nhắm tới BMW như một lựa chọn phù hợp để đầu tư. Theo đó, Geely với thế mạnh tại Trung Quốc sẽ giúp BMW có được chỗ đứng vững chắc, góp phần tăng mạnh doanh số của BMW trên toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Geely muốn được quyền sử dụng các công nghệ chế tạo và phát triển xe điện của BMW.
BMW tuy nhiên có vẻ như không thấy sự cân bằng về lợi ích trong thương vụ đầu tư này, và sau đó hãng xe Đức đã hợp tác với một thương hiệu xe hơi khác của Trung Quốc là Great Wall Motor. BMW và Great Wall Motor hứa hẹn sẽ sớm sản xuất xe điện MINI tại Trung Quốc, sau những thành công bước đầu của sự hợp tác. Năm 2017, BMW đạt doanh số tại Trung Quốc lên tới 560.000 xe, cao hơn cả hai thị trường lớn là Mỹ và Đức cộng lại.
Xe điện MINI |
Hụt thương vụ với BMW, tỉ phú Li Shufu phải tìm một ông lớn khác để hợp tác – đầu tư. Như đã biết, mới đây thương vụ tập đoàn Geely của ông Li Shufu đã mua lại 9,69% cổ phần của Daimler, trị giá gần 9 tỷ USD, và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của Daimler.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của cả hai bên trong thương vụ Geely – Daimler là không khác biệt nhiều so với trước đây. Ông Li Shufu vẫn muốn sở hữu công nghệ xe điện tiên tiến nhất thế giới của Đức, trong khi Daimler nói chung mà Mercedes-Benz nói riêng, muốn tìm cơ hội phát triển tốt nhất có thể tại thị trường 1,4 tỷ dân.
Đức đang đứng trước nguy cơ không nhỏ khi nhiều công ty nhỏ bị Trung Quốc thâu tóm, nhưng các công ty, tập đoàn lớn của Đức luôn biết cách tự bảo vệ mình trước dòng tiền từ Trung Quốc, vì vậy các chuyên gia tiếp tục đánh giá thương vụ Geely – Daimler là một hành động đầu tư đơn thuần và không thể coi là một bước thâu tóm của Trung Quốc trước tập đoàn danh tiếng nước Đức. Dù nắm trong tay số cổ phần cá nhân lớn nhất, nhưng ông Li Shufu được dự đoán sẽ không thể đưa ra những quyết định lớn mang tính toàn cầu với Daimler. Nói cách khác, ông Li Shufu sẽ có thể có đặc quyền tại thị trường Trung Quốc, nhưng không phải là trên toàn cầu.
Thực tế hiện tại ở Trung Quốc, Mercedes-Benz đang liên kết với BAIC và chưa có dấu hiệu sẽ “chia tay” sau khi ông chủ Geely sở hữu 9,69% cổ phần Daimler. Tuy nhiên tương lai được dự đoán sẽ rất khác, việc Geely – Daimler cùng hợp tác sẽ là chuyện không còn xa, có thể là sản xuất xe điện cho riêng thị trường 1,4 tỷ dân, giống như BMW - Great Wall Motor đang tiến hành.
Daimler cũng mới vướng vào vấn đề không nhỏ với Trung Quốc, khi Mercedes-Benz trích dẫn lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên Instagram ngày 5/2 vừa qua, khiến Trung Quốc nổi giận. Trung Quốc coi nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng như một mối đe dọa mà Bắc Kinh gọi là “chủ nghĩa ly khai”. Việc tỉ phú Li Shufu mua cổ phần của Daimler vào cuối tháng 2 cũng có thể coi là hành động “xoa dịu” với Trung Quốc. Trước đó, nhiều hãng xe Nhật Bản đã sụt giảm mạnh về doanh số tại Trung Quốc, vì những vấn đề liên quan tới chính trị.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp