06/05/2021 07:15
Lợi nhuận ngân hàng: Tăng bền hay bộc phát?
Các ngân hàng trên sàn chứng khoán phần lớn đã báo cáo lợi nhuận quý I/2021 vượt dự báo của giới phân tích, có ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần.
Những con số ấn tượng
Techcombank (mã TCB) đã báo lãi trước thuế hơn 5.500 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nhập từ hoạt động dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng 18%, thu từ hợp tác bảo hiểm tăng 76% và dịch vụ môi giới kinh doanh chứng khoán có lãi tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Quý I/2021, MB cũng có bước tiến dài về hiệu quả kinh doanh khi đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 4.600 tỷ đồng, tương đương 43% lợi nhuận ngân hàng này kiếm được trong cả năm 2020.
Bản Việt, ngân hàng ở nhóm dưới cũng vừa có một quý kinh doanh tích cực, với số lãi đạt 152 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ 2020…
Tính đến hiện tại, ngôi vị quán quân về lợi nhuận quý I/2021 trong ngành ngân hàng vẫn đang thuộc về Vietinbank, với con số ước tính đạt 7.000 - 8000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 100% so với cùng kỳ.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VietinBank có thể ghi nhận 21.435 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm nay, tương đương mức tăng gần 26% so với năm 2020.
Tuy nhiên, điều kiện để kịch bản này xảy ra là Ngân hàng nhận được khoản phí trả trước trên 2.000 tỷ đồng từ Manulife và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm so với năm 2020.
Nhìn thêm mức tăng trưởng của các ngân hàng ở bảng thống kê bên dưới, cho thấy ngoại trừ KienlongBank và SaigonBank sụt giảm so với cùng kỳ thì còn lại đều ghi nhận tăng trưởng mạnh.
Thống kê Công ty Chứng khoán VNDirect thực hiện với các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021, mức tăng trưởng lợi nhuận của cả ngành đạt 69% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với con số tăng trưởng 22% của quý I/2020.
Tăng bền
Nhìn nhận về mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận của ngành ngân hàng, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Vietinbank cho rằng, ngành ngân hàng hay tài chính nói chung thường hưởng lợi lớn nhất trong pha sớm của chu kỳ phục hồi.
Quý I/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ghi nhận tăng 3,34%. Ở giai đoạn hiện tại, nhóm ngân hàng đang ghi nhận hồi phục mạnh hơn so với các ngành là điều không quá ngạc nhiên.
Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhìn nhận, ngành ngân hàng luôn là trụ cột của nền kinh tế. Do đó, nếu triển vọng của nền kinh tế là tích cực, đương nhiên ngành ngân hàng sẽ có triển vọng tích cực. Dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2021 - 2022 ở mức 13 - 14%/năm nhờ kỳ vọng nền kinh tế phục hồi và dịch bệnh kết thúc.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán SSI, quý I năm ngoái, thu nhập phí ở hầu hết ngân hàng, ngoại trừ Techcombank, BIDV và VIB, đều thấp.
Trên nền tảng đó, mức tăng trưởng bình quân của nhóm ngân hàng trong quý I năm nay cao vọt, ước từ 50 - 55%. SSI dự báo, lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng trong năm nay sẽ tăng khoảng 24% so với năm 2020 nhờ được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay và chi phí tín dụng giảm.
Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), sẽ có sự phân hóa về lợi nhuận trong nhóm ngân hàng, do tăng trưởng tín dụng đối với mỗi ngân hàng là khác nhau. Nhóm ngân hàng có hệ số CAR cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào, ngoài ra áp lực giảm lãi suất đầu ra thấp hơn giúp giữ được biên lãi ròng NIM cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần.
Có góc nhìn tích cực về triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong các quý tới, các ngân hàng tiếp tục hoàn nhập dự phòng. Việc hoàn nhập dự phòng này sẽ được tiến hành dần dần cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Đây sẽ là “của để dành” cho tương lai của ngành ngân hàng.
Xu hướng tăng lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn tiếp diễn
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT. |
Tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các ngân hàng là tổng hòa của nhiều yếu tố. Một là, môi trường lãi suất đầu vào thấp nhờ Ngân hàng Nhà nước 3 lần cắt giảm lãi suất điều hành trong năm 2020. Hai là việc cho phép tái cơ cấu các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 giúp giảm bớt áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng.
Ba là các ngân hàng niêm yết đang tích cực tối ưu hóa chi phí bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ, chuyển đổi số, từ đó giúp chi phí hoạt động/tổng thu nhập của các ngân hàng niêm yết cải thiện rõ rệt từ mức 51% năm 2019 xuống mức 48,5% trong năm 2020.
Dựa trên các yếu tố trên, chúng tôi cho rằng, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ lợi nhuận của nhóm ngân hàng sẽ tiếp diễn, ít nhất trong năm 2021 khi chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ở mức thấp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, nhưng chúng tôi không cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất lên trong năm 2021.
Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đã có sự chuẩn bị cần thiết với trường hợp các khoản nợ tái cơ cấu hết thời hạn được cơ cấu và phải thực hiện phân loại cũng như trích lập nợ xấu nếu có, khi tỷ lệ trích lập dự phòng/nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đã tăng mạnh từ mức 84% cuối năm 2019 lên 97% tại cuối năm 2020.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp