Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm: 'Anh cả' hụt hơi, 'tân binh' bứt tốc

Ngân hàng

11/11/2020 05:10

9 tháng đầu năm, ngân hàng vẫn gom lãi lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm “anh cả” đang dần hụt hơi và chứng kiến hàng loạt ngân hàng dưới cơ tăng trưởng tốt.

Kinh doanh tiền vẫn là ngành lãi khủng như thường lệ, cho dù 9 tháng năm 2020 là đoạn trường giông tố từ COVID-19. Tuy vậy, ngành ngân hàng đã phải chứng kiến những biến chuyển đáng kể trong giai đoạn vừa qua.

VietcombankTechcombank vẫn là “anh cả”

Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2020, tổng lợi nhuận trước thuế của 25 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay đạt hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, các “anh lớn” ngành kinh doanh tiền tiếp tục chiếm thế thượng phong trong bảng xếp hạng lợi nhuận của ngành. Tổng cộng lợi nhuận trước thuế của top 10 ngân hàng lãi khủng nhất 9 tháng lên đến 79.474 tỷ đồng, chiếm trọn hơn 4/5 tổng lãi của 25 ngân hàng đã công bố báo cáo.

“Anh cả” Vietcombank có lợi nhuận trước thuế đạt 15.965 tỷ đồng. Một mình nhà băng này đã chiếm gần 17% tổng lợi nhuận của 25 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính trong 9 tháng năm 2020. Nhiều lĩnh vực của Vietcombank hoạt động có lãi, thậm chí lãi 2 con số. Lợi nhuận thuần từ dịch vụ 9 tháng tăng 3,4%, đạt 3.540 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16,8%, đạt 2.963 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng đến 77,4%, đạt 417 tỷ đồng.

Vietcombank vẫn bảo toàn vị thế
Vietcombank vẫn bảo toàn vị thế "anh cả" về lợi nhuận trong ngành kinh doanh tiền. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

“Á quân” Techcombank vẫn giữ nguyên ngôi về lợi nhuận trước thuế, đạt 10.711 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần của Techcombank tăng trưởng tới 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư của Techcombank cũng tăng trưởng khá cao, lần lượt tăng 65% đạt 3.120 tỷ và tăng 67% đạt 996 tỷ đồng.

Việc tiếp tục duy trì được chuỗi tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến Techcombank tự tin trong quý cuối năm. “Vị thế vốn của Techcombank cho phép chúng tôi hỗ trợ khách hàng và vững bước vượt qua thách thức từ môi trường hoạt động năm nay. Khi đánh giá triển vọng cuối năm 2020 và trong tương lai, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng tác động của COVID-19 đã qua đỉnh điểm”, Tổng giám đốc Jens Lottner tự tin khẳng định.

Ngoài các con số khủng của Vietcombank và Techcombank, những ngân hàng tiếp theo lọt top 10 lợi nhuận 9 tháng đầu năm cũng gồm các tên tuổi khá quen thuộc như VietinBank, VPBank, MBBank, BIDV, ACB, HDBank, VIB, TPBank. So với cùng kỳ năm ngoái, TPBank là “tân binh” khi thay thế Sacombank để lọt vào top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế lớn nhất Việt Nam.

Khoảng cách với nhóm “anh cả” dần thu hẹp

Tuy những con số khủng về lợi nhuận gần như “miễn nhiễm” với COVID-19 nhưng nội tại top 10 đã có sự biến chuyển không hề nhỏ. Với vị thế của mình, việc Vietcombank còn cách đi khiêm nhường đã tạo ra nhiều biến động cho nhóm “anh cả” ngành ngân hàng.

Trong 9 tháng qua, ngân hàng này chọn tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng hơn 25%, lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng/quy mô nợ xấu) của Vietcombank lên đến 251%, tức 1 đồng nợ xấu được "bao bọc" bởi 2,51 đồng dự phòng.

Bước đi thà hy sinh lợi nhuận để đảm bảo dự phòng khiến sự cách biệt của Vietcombank với các ngân hàng khác bị thu hẹp. Trong đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2020 của Techcombank chỉ còn kém Vietcombank hơn 5.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái khoảng chênh này tới hơn 8.700 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Vietcombank 9 tháng năm 2020.
Kết quả kinh doanh của Vietcombank 9 tháng năm 2020.

Trong top 10 ngân hàng, ngoài Vietcombank ghi nhận lợi nhuân sụt giảm thì còn có BIDV “giậm chân tại chỗ” khi có lợi nhuận trước thuế đạt 7.062 tỷ đồng, mức này tương đương so với cùng kỳ. Vẫn là vấn đề dự phòng, BIDV dành nhiều nguồn lực để gia tăng trích lập, đồng thời dùng dự phòng để xử lý nợ xấu.

“Cựu binh” Sacombank bị cuốn phăng khỏi top 10 lợi nhuận trong kỳ. Báo cáo tài chính quý III/2020 của ngân hàng này ghi nhận lãi trước thuế chỉ gần 900 tỷ đồng, giảm 13% so với quý III năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận Sacombank cũng thấp hơn gần 7%. Đà giảm này cũng lại dính líu tới câu chuyện dự phòng khi chi phí trích lập cho khoản này tăng quá cao, tới gần 70% và hoàn toàn ăn mòn lợi nhuận Sacombank.

Ngân hàng tầm trung cùng nhau lãi kỷ lục

Mặc cho các “anh lớn” tiếp tục lập lãi khủng, các nhà băng có quy mô vốn tầm trung âm thầm rút ngắn khoảng cách. Xét về tiềm lực kinh doanh và tốc độ tăng trưởng, nhóm này mới chính là điểm sáng của ngành ngân hàng.

Thú vị là ở, điểm tựu trung trong tăng trưởng của nhóm này lại là điểm huyệt của nhóm “anh lớn”. Câu chuyện dự phòng chính là lý do cho tăng trưởng. Trích dự phòng chỉ tương đương hoặc thấp hơn cùng kỳ, trong khi các mảng kinh doanh vẫn tăng giúp nhiều ngân hàng vẫn có kết quả tích cực.

Khó thể xét VPBank trong nhóm “anh lớn” hay “em út” khi quy mô vốn và tiềm lực của nhà băng này đang ở giai đoạn chín muồi. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VPBank tăng tới 30% lên 9.398 tỷ đồng. Kết quả trên đến từ sự cộng hưởng nhiều yếu tố. Trong đó, chi phí hoạt động giảm gần 6%, còn dự phòng chỉ xấp xỉ cùng kỳ, giúp đẩy mức tăng của lợi nhuận.

Công thức trên áp dụng với MBBank giúp lợi nhuận trong quý gần đây cao hơn 10%. Lũy kế 9 tháng, nhà băng này báo lãi tăng gần 7% lên 8.134 tỷ đồng.

Trước thềm chuyển sàn, ACB có phần khác biệt hơn khi tăng trưởng chủ yếu nhờ đột biến trong hoạt động kinh doanh chính. Dự phòng rủi ro 9 tháng của nhà băng này gấp 4 lần cùng kỳ, nhưng tổng thu nhập hoạt động cũng tăng mạnh nhờ thu nhập lãi thuần và mua bán chứng khoán đầu tư. Kết quả là lãi trước thuế của ACB tăng 15%, lên hơn 6.410 tỷ đồng.

Khách hàng cá nhân đang là đối tượng giàu tiềm năng cho các ngân hàng tầm trung khai thác. Ảnh: ACB
Khách hàng cá nhân đang là đối tượng giàu tiềm năng cho các ngân hàng tầm trung khai thác. Ảnh: ACB

Cũng trong tâm thế chuyển sàn, VIB và LienVietPostBank cật lực cho ra hai báo cáo tài chính đẹp. Tại LienVietPostBank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 1.740 tỷ đồng, vượt hẳn kế hoạch cả năm. Ban Lãnh đạo nhà băng vừa lên sàn HOSE này tin tưởng lợi nhuận cả năm sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động.

Cũng lên sàn HOSE, VIB có lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 90% mục tiêu cả năm. Con số cực đẹp của ngân hàng này nằm ở doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt 1.637 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% tổng doanh thu.

Tuy quý III/2020 chấm phá cho bức tranh toàn ngành ngân hàng nhiều điểm sáng nhưng nét hoạ cuối trong quý IV vẫn còn là ẩn số lớn. Bảng xếp hạng ngân hàng lãi khủng có thể bị xáo trộn mạnh chỉ trong 3 tháng cuối năm. Theo một số chuyên gia, tác động của đại dịch COVID-19 lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ lớn nhất trong những tháng cuối cùng của năm 2020 và trong năm 2021.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, chia sẻ với báo chí rằng, dịch bệnh khiến sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao dẫn đến nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm. Điều này khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Ông Lực nhận định cả năm nay tín dụng sẽ tăng 8-9% và năm 2021, con số này có thể là 9-10%. Bên cạnh đó, khi chất lượng tài sản ngân hàng đang xấu đi, nợ xấu, theo đó sẽ tăng.

Viện nghiên cứu BIDV ước tính nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối 2021 là 4%. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn. Tập hợp các yếu tố trên sẽ khiến lợi nhuận ngành ngân hàng giảm vì khi nợ xấu tăng, bài toán trích lập dự phòng sẽ không chỉ ám ảnh những ngân hàng chủ động muốn an toàn, mà là “dao kề cổ” mọi nhà băng bắt buộc thực hiện.

TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement