05/12/2018 07:36
Lợi nhuận của VietjetAir vẫn khả quan, dù Bamboo Airways chuẩn bị đi vào hoạt động
Bamboo Airways tham gia thị trường sẽ gây áp lực lên giá vé của VietjetAir trong ngắn hạn. VietjetAir phải tiếp tục tăng cường chiết khấu giá vé để giữ thị phần.
Lợi nhuận không giảm
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt-VCSC vừa có báo cáo khuyến nghị đối với cổ phiếu VJC của Công ty Cổ phần Hàng không VietJet.
Theo đó, VCSC đưa ra khuyến nghị nên mua cổ phiếu VJC với tổng mức sinh lời dự báo đạt 35,4% dù chỉ điều chỉnh tăng giá mục tiêu 6% vì giá cổ phiếu đã giảm 17% trong 3 tháng qua. Việc điều chỉnh tăng giá mục tiêu chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giai đoạn dự báo trong phương pháp định giá tương đối nhằm sử dụng EPS cốt lõi 2019.
Bamboo Airways của Tập đoàn FLC sắp gia nhập thị trường hàng không. |
Hiện tại, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế cốt lõi quý IV năm 2018 sẽ đạt 120 tỷ đồng, thay vì lỗ 243 tỷ đồng như dự báo trước đây nhờ doanh thu khác tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt biên lợi nhuận gộp lên đến 80-90%. Do đó, VCSC điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng EPS cốt lõi 2018 lên 30,2% từ 10,2%.
VCSC tiếp tục lạc quan về VJC với tiềm năng tăng trưởng mạnh, hiệu suất vận hành cao và quản lý chi phí hiệu quả so với các công ty cùng ngành. Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm lần lượt 16,3% và 11,2% giai đoạn 2017-2023. VCSC cũng cho rằng, VJC là một cổ phiếu hấp dẫn với PEG cốt lõi 3 năm là 1,1 và PEG 3 năm là 0,6.
Tiềm năng tăng trưởng ngoài dự báo, các tuyến bay quốc tế đạt tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với dự báo. Thành lập được các liên doanh hàng không tại nước ngoài, giá dầu liên tục giảm, nâng mức trần sở hữu khối ngoại đối với các hãng hàng không.
Tuy nhiên, VCSC cũng cảnh báo rủi ro khi các tuyến quốc tế đạt tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với kỳ vọng. Cạnh tranh gay gắt hơn so với dự kiến, nhu cầu thị trường không đáp ứng được số lượng máy bay mà VJC đặt.
VCSC kỳ vọng 2018 sẽ là năm đầu tiên VJC có lợi nhuận cốt lõi dương trong quý IV nhờ doanh thu phụ trợ tăng trưởng mạnh. Dự báo VJC sẽ thu về 120 tỷ đồng lợi nhuận cốt lõi trong quý IV năm 2018, dù các năm trước đều bị lỗ trong quý IV do đây là mùa thấp điểm của thị trường du lịch.
Lý do chính là công ty phần nào chuyển phần chi phí nhiên liệu tăng thêm sang hành khách và doanh thu phụ trợ tăng mạnh. VCSC giả định, doanh thu phụ trợ sẽ tăng 53% trong năm 2018, với giả định số hành khách tăng 40% và doanh thu phụ trợ/hành khách tăng 7% lên 15,1USD.
Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu phụ trợ là việc liên tục mở thêm các tuyến bay quốc tế của VJC. Tăng tần suất các tuyến bay Đông Bắc Á dự kiến sẽ thúc đẩy RPK.
VCSC dự báo RPK sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 19% giai đoạn 2017-2023. Trong đó có hơn 20 chuyến bay mới dự kiến sẽ được mở trong các năm 2018-2020, chủ yếu là các tuyến đến Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Đối với giai đoạn 2017-2023, VCSC giữ nguyên dự báo tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận sau thuế hoạt động cốt lõi tại mức 25% khi điều chỉnh tăng giả định tăng trưởng kép hàng năm của doanh thu phụ trợ giai đoạn này từ 20% lên 21%. Đồng thời điều chỉnh giảm giả định tăng trưởng kép hàng năm giá vé giai đoạn này từ 4,3% xuống 0,5%.
VCSC cho rằng, việc Bamboo Airways tham gia thị trường hàng không sẽ gây áp lực đối với giá vé của VJC trong ngắn hạn và nhiều khả năng Vietjet Air sẽ tiếp tục tăng cường chiết khấu giá vé để giữ thị phần nhưng trong trung đến dài hạn. Bamboo Airways khó có thể liên tục cạnh tranh với VJC.
Dẫn đầu nội địa
Trong quý III năm 2018, VietJetAIr đạt doanh thu đạt xấp xỉ 12.713 tỷ đồng, tăng 105% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng cả ở mảng vận chuyển hành khách, doanh thu hoạt động phụ trợ và từ chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay. Tổng lợi nhuận trước thuế quý III đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ.
Bamboo Airways khó có thể liên tục cạnh tranh với VJC. |
Trong đó, doanh thu vận tải hàng không trong quý đạt 8.901 tỷ đồng, tăng 45% so với quý III năm 2017, với tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay đạt xấp xỉ 89% Lợi nhuận sau thuế từ vận tải hàng không quý III đạt 1.094 tỷ đồng, tương đương 111% cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.177 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2017.
Việc đưa vào vận hành thế hệ tàu bay mới A320/A321neo với động cơ tiết kiệm nhiên liệu lên tới 16%, bên cạnh việc tăng cường mở rộng các đường bay quốc tế, với chi phí nhiên liệu tra nạp tại thị trường nước ngoài thấp hơn thị trường trong nước khoảng 30% giúp Vietjet giảm thêm chi phí.
Quý III năm 2018, Vietjet nhận thêm 3 tàu bay mới, với tổng số tàu dự kiến khai thác tới cuối năm 2018 là 65 tàu.
Sau 9 tháng đầu năm 2018, Vietjet tiếp tục là hãng hàng không có tổng số chuyến bay khai thác tăng trưởng tốt nhất với 89.690 chuyến bay, tăng gần 22%, vận chuyển 16.882.117 hành khách, tiếp tục vị thế dẫn đầu tại thị trường vận chuyển nội địa. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đạt trên 50% tổng doanh thu khai thác, vượt kế hoạch đề ra.
Doanh thu tính đến 30/9 đạt gần 33.934 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.681 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 25.413 tỷ đồng, vượt 50% so với cùng kỳ và lợi nhuận vận tải hàng không đạt 2.280 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch cả năm 2018.
Tỷ lệ đúng giờ đạt 83,5%. Độ tin cậy kỹ thuật 99,66% cùng các chỉ số an toàn khai thác bay, khai thác mặt đất đều thuộc nhóm cao hàng đầu khu vực.
Vietjet đang khai thác 103 đường bay, gồm 39 đường nội địa và 64 đường quốc tế, phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia…
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp