15/10/2024 08:20
Lọc 'sạn' dự án FDI địa ốc
Việc thu hút vốn đầu tư FDI vào bất động sản là cần thiết, nhưng cũng cần sàng lọc kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Nhiều dự án chậm tiến độ hàng chục năm
Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Winvest Investment Việt Nam - chủ đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ mát giải trí đa năng Saigon Atlantis Hotel tại TP. Vũng Tàu ngày 28/9/2024 có lẽ là điều "cực chẳng đã" đối với một dự án bất động sản thương mại có tổng mức đầu tư lên tới 4,1 tỷ USD từ năm 2006.
Với số tiền bị cưỡng chế do quá hạn nộp hơn 5.400 tỷ đồng, Winvest Investment Việt Nam cũng đứng đầu danh sách những chủ đầu tư dự án bất động sản tại Việt Nam nợ thuế sử dụng đất nhiều nhất từ trước tới nay.
Có nhiều nguyên nhân khiến dự án nói trên "bất động" nhiều năm, nhưng trọng yếu nhất là năng lực tài chính của chủ đầu tư không được đảm bảo, thiếu sự ràng buộc trách nhiệm tài chính thuộc về chủ đầu tư của các cơ quan chức năng.
Tại một dự án khác là Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại TP.HCM do Công ty TNHH MTV Đô thị đại học quốc tế Berjaya thuộc Tập đoàn Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư, tuy không đến nỗi rơi vào diện thu hồi song cũng bế tắc gần 15 năm nay.
Từng được kỳ vọng là trung tâm đào tạo đại học hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với quy mô 880 ha, tổng vốn đầu tư tại thời điểm 2008 đã lên tới 3,5 tỷ USD (tương đương 56.000 tỷ đồng), nhưng trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chậm tiến độ.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án và từ năm 2022, UBND TP.HCM cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với dự án Thành phố Công nghệ Xanh tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Được phép lập nghiên cứu và đầu tư từ năm 2009 với quy mô 141 ha (trong đó diện tích đất thực hiện dự án khoảng 115 ha), tổng vốn đầu tư khoảng 872 triệu USD, dự án này được kỳ vọng khi hoàn thiện sẽ mang tới diện mạo mới ở khu vực Tây Nam Hà Nội.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có việc dự kiến lập quy hoạch ban đầu nằm trong phạm vi quy hoạch Vành đai xanh sông Nhuệ và khó khăn đền bù giải phóng mặt bằng, dẫn tới dự án liên tục bị lùi tiến độ. Tới nay, việc dự án về đích vẫn là dấu hỏi lớn.
Cần có cơ chế sàng lọc mạnh mẽ
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề lớn nhất của các dự án FDI "đắp chiếu" nhiều năm kể trên nằm ở việc lượng vốn thực đưa vào Việt Nam ít và các nhà đầu tư triển khai dự án theo chiến lược "mỡ nó rán nó", tức là huy động vốn từ chính khách hàng để phục vụ dự án. Chiến lược này sẽ phù hợp khi thị trường thuận lợi, nhưng nếu gặp khó khăn, chủ đầu tư sẽ dễ sa lầy và dự án có nguy cơ "đứng hình" rất cao.
Thực tế, việc tìm ra những dự án FDI đã đăng ký vốn nhưng chưa thực hiện hoặc bị "treo" kéo dài không quá khó. Ở nhiều địa phương, các dự án FDI thuộc diện này gây xáo trộn đời sống dân sinh, biến động thị trường nhà đất, thậm chí gây thất thoát nguồn thu và mất cơ hội phát triển cho các vùng trọng điểm.
Thế nhưng, theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc ứng xử với các dự án FDI chậm tiến độ đang là vấn đề khiến các địa phương đau đầu. Không ít địa phương phải "cắn răng" chịu thiệt rút giấy phép các dự án nước ngoài, nhưng vẫn để lại nhiều hệ lụy.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, thu hút vốn đầu tư FDI vào bất động sản là cần thiết, nhưng cần phải xem xét cơ cấu dòng vốn đổ vào các phân khúc, trong đó cần khuyến khích đưa vào lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, đồng thời hạn chế tập trung quá nhiều vào các sản phẩm cao cấp, nghỉ dưỡng bởi dễ làm dư thừa nguồn cung ở phân khúc này, chứ không tạo ra lực đẩy cho kinh tế, cho xã hội.
Theo các chuyên gia, trước khi cấp phép đầu tư, xây dựng, các cơ quan quản lý cần xem tính khả thi của dự án, kiểm tra uy tín, năng lực tài chính của nhà đầu tư. Với các địa phương, cần tránh chỉ tập trung lo hút vốn mà quên mất các yếu tố này.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp