12/06/2023 11:00
Loạt ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động
Từ đầu tháng 6, hơn chục ngân hàng tư nhân tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất, nối dài đà giảm trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng tư nhân lớn đang đưa mặt bằng lãi suất huy động về dưới 8%/năm.
Lãi suất tiết kiệm bình quân tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,5% điểm phần trăm so với thời điểm Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành (25/5). Còn nếu so với cuối năm ngoái, lãi suất huy động tại các nhà băng đã được điều chỉnh giảm 2-2,5 điểm phần trăm.
Hàng loạt ngân hàng tư nhân hạ tiếp lãi suất huy động trong tháng 6 có thể kể đến như VPBank, SCB, Techcombank, TPBank, NamABank, Saigonbank… Những nhà băng này hạ lãi suất thêm 0,2-0,7 điểm phần trăm ở tất cả kỳ hạn gửi tiền.
Trước đó, trong tháng 5, nhiều ngân hàng cũng đã có 2 đợt điều chỉnh lãi đầu vào. Việc tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 6, cho thấy các nhà băng đang "đua" thiết lập mặt bằng lãi suất mới. Với kỳ hạn 12 tháng, số nhà băng để mức lãi trên 8%/năm chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, theo Dân trí.
Ở nhóm "Big 4" (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), lãi suất đang ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; còn kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm.
Như vậy, sau giai đoạn "tăng nóng" vào cuối 2022, lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu hạ nhiệt khi bước vào đầu năm nay. Diễn biến này, theo giới phân tích, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, thậm chí dư thừa hơn trước. Thị trường liên ngân hàng - nơi các nhà băng vay mượn nhau - đang thể hiện rõ câu chuyện này khi lãi suất giảm khoảng 1-1,75 điểm phần trăm so với thời điểm này tháng trước. Lãi suất bình quân liên ngân hàng chốt tuần vừa rồi với kỳ hạn qua đêm là 3,1%/năm, 1 tuần 3,35%/năm, 2 tuần là 3,19%/năm, 1 tháng 5,56%/năm…
Mức lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở ngưỡng cao phản ánh thanh khoản của hệ thống ở trạng thái khá hạn chế. Ngược lại, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt cho thấy sự dồi dào thanh khoản. Ngân hàng huy động vốn nhiều, nhưng không thể cho vay ra tương ứng.
Hiện nay, khoản tiền gửi dưới 6 tháng bị khống chế bởi trần lãi suất 5%/năm. Còn lãi suất bình quân khi gửi tại quầy với kỳ hạn 6-9 tháng là 5,5-7,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm.
Với kỳ hạn trên 12 tháng, mức lãi suất cao nhất được niêm yết cũng chỉ 8,6%/năm và cũng không nhiều đơn vị trả mức lãi này. Chưa kể, để được hưởng các mức lãi suất cao nhất này, khách hàng cần đáp ứng các điều kiện nhất định, tùy mỗi nhà băng.
Trước đó, dựa trên tình hình lạm phát trong nước hạ nhiệt và tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm một số lãi suất điều hành kể từ ngày 25/5/2023 như lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm phần trăm, trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tới dưới 6 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm...
Kể từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó: lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm phần trăm xuống 3,5%/năm, lãi suất tái cấp vốn giảm 1 điểm phần trăm xuống 5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số hoạt động kinh tế giảm 1 điểm phần trăm xuống 5%/năm, theo VnEconomy.
Ngân hàng Nhà nước cũng giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng và từ 1 tháng tới dưới 6 tháng lần lượt 0,5 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm xuống mức 0,5%/năm và 5%/năm.
Các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất huy động trong tháng 5/2023. Kể từ đầu tháng 5/2023, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của nhóm ngân hàng tư nhân giảm mạnh lần lượt là 57 điểm cơ bản và 29 điểm cơ bản; trong khi lãi suất bình quân cùng kỳ hạn của nhóm ngân hàng quốc doanh giảm lần lượt 80 điểm cơ bản và 40 điểm cơ bản.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp