Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lo tín dụng bùng nổ sẽ tạo ra rủi ro mới cho ngân hàng

Ngân hàng

12/09/2017 07:20

Nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành kém hiệu quả sẽ gây những rủi ro mới cho các ngân hàng, đặc biệt là gia tăng nợ xấu.

Theo báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2017 vừa được Ngân hàng HSBC công bố, Chính phủ đang kêu gọi mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% nhằm hi vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7%.

HSBC đánh giá mục tiêu tín dụng 21% có thể dễ dàng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại (đã đạt 11,5% tính đến hết tháng 8 theo số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia - PV) và việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hồi tháng 7.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả.

Ảnh minh họa.

Chẳng hạn như liên quan đến bất động sản, trong tổng tín dụng cả nước thì các lĩnh vực liên quan đến bất động sản dường như vẫn đang góp phần nhiều nhất dù rằng những tháng gần đây tỷ trọng đóng góp đã giảm.

Trong giai đoạn trước, đặc biệt là thời kỳ bong bóng 2006-2008 thì tín dụng vào bất động sản là một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011.

Hoặc như những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi đó nhóm này lại hưởng lãi suất thấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân, điều này cho phép các DNNN yếu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán…

HSBC một lần nữa khẳng định, việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Đề cập đến nợ xấu, các chuyên gia cho biết tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây phần nào gây hiểu lầm về mức nợ thật sự của các khoản vay có vấn đề trong nền kinh tế. Rõ ràng một phần của việc giảm nợ xấu là do chuyển cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC)

Nhưng, HSBC cho rằng, Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong các ngành công nghiệp kém hiệu quả qua việc yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản so với các ngành khác để ngăn chặn các khoản vay hiệu quả thấp.

Đồng thời Chính phủ gần đây đã ban hành các biện pháp mới giúp các ngân hàng và Công ty VAMC dễ dàng hơn trong việc chiếm hữu tài sản thế chấp trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ, tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu (thông tư 42 - PV).

Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá, việc cổ phần hoá và cải cách DNNN đang diễn ra vẫn là vấn đề cốt yếu đối với việc cân bằng sân chơi tiếp cận tín dụng vì nó có thể giúp chuyển các khoản tín dụng hỗ trợ các DNNN yếu kém sang giúp thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân.

Nhìn trên bức tranh tổng thể, HSBC cho rằng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng là một chiến lược hợp lý khi vai trò của tiêu dùng tư nhân và đầu tư ngoài quốc doanh ngày càng tăng. Hơn nữa, trong tương lai nợ công đang tăng có thể là một trở ngại đối với chi tiêu của Chính phủ đã gia tăng.

Tuy nhiên, chất lượng và việc phân bổ tín dụng bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu đang hiện hữu đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo rằng tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Với dư nợ tín dụng khoảng 5,5 triệu tỷ đồng vào cuối 2016, thì với mục tiêu tăng trưởng 21- 22% đưa ra cho năm nay đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ đón nhận thêm 1,21 triệu tỷ đồng được đổ vào.

Số liệu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy hết tháng 8 tín dụng tăng 11,5%, tương đương với hơn 600 nghìn tỷ đã được bơm thêm. Như vậy trong 4 tháng còn lại, mỗi tháng các ngân hàng phải bơm cho nền kinh tế hơn 150 nghìn tỷ đồng nữa - gấp đôi mức tiền bơm vào bình quân mỗi tháng trong 8 tháng trước đó.

Nếu đạt được mức tăng tín dụng như kỳ vọng thì đây sẽ là năm đầu tiên tín dụng tăng mạnh như vậy kể từ sau giai đoạn bong bóng năm 2009 - 2010.

TÙNG LÂM (Trí thức trẻ)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement