06/03/2017 09:15
Lo mất mùa, nông dân Bắc Giang chặt vải trồng cam
Đến mùa đơm hoa, đậu trái nhưng cây vải chỉ trơ cành lá nên chủ vườn đành lòng chặt bỏ.
Hàng loạt vườn vải thiều tại Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bị chủ vườn đốn bỏ, do đến mùa đơm hoa, đậu trái nhưng cây chỉ trơ cành với... lá.
Trồng cam như một giải pháp tình thế được chọn tại "kinh đô vải thiều", ai có thể đảm bảo nông dân không tiếp tục nếm "trái đắng". Dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn chưa có một giải pháp căn cơ để hỗ trợ nông dân giải quyết tình trạng này.
90% diện tích vài chưa trổ hoa, đậu trái
Vườn vải 400 gốc đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của gia đình ông Giáp Văn Thành (thôn Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) đến nay vẫn chỉ trơ lá. Ngày nào, ông Thành cũng chăm chăm ra vườn, đếm từng ngọn vải hiếm hoi trổ bông nhưng số lượng vẫn chẳng vượt quá đầu ngón tay.
Hơn mấy chục năm gắn bó với cây vải thiều, chưa năm nào ông Thành cũng như những người nông dân huyện Lục Ngạn lại rơi vào tình cảnh oái ăm như thế này.
“Tính theo âm lịch, hàng năm, cứ tháng Giêng là vải trổ bông, tháng Hai đậu quả và tháng Năm thu hoạch. Vụ vải sớm thì cho thu sớm hơn, ngay từ đầu tháng Tư âm lịch. Thế nhưng, bây giờ đã vào đầu tháng Hai mà hầu hết diện tích vải của huyện Lục Ngạn vẫn chưa có dấu hiệu ra hoa, kết trái” - ông Thành lo lắng.
Theo ông Thành, nguyên nhân khiến vải thiều năm nay chưa trổ bông là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu: nắng nóng kéo dài, mùa đông gần như không có, kèm theo hạn hán đã tác động đến quy trình sinh trưởng của cây vải. Thông thường, điều kiện căn bản là phải cần từ 200-300 giờ lạnh liên tục dưới 150C để một cây vải “ủ hoa”.
Điều đáng lo ngại nhất là đang có hiện tượng cây nảy lộc, tức sẽ không ra hoa, như hiện nay, vườn vải của ông Thành đã có khoảng 10% số lượng cây trổ lộc, đã phát triển được từ 2-3cm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, toàn bộ số cây trồng trên sẽ mất trắng dù có can thiệp bằng mọi cách.
Ông Tăng Văn Huy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lục Ngạn cho hay, toàn huyện hiện có hơn 16.200ha vải thiều. Đến giờ, đã có khoảng 10% diện tích vải ra hoa, 90% diện tích còn lại vẫn “bất động”.
Theo ông Huy, đến thời điểm này, có thể xác định, mùa vải năm nay sẽ muộn, chủ yếu do tác động của thời tiết. Nền nhiệt độ năm nay ấm hơn so với vụ đông năm trước từ 2,2-2,40.
Năm 2016, vải thiều Lục Ngạn “được mùa, được giá” với tổng sản lượng quả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt hơn 91.508 tấn. Trong chỉ tiêu đề ra của Hội đồng nhân dân huyện, vụ mùa năm 2017, Lục Ngạn phấn đấu đạt 91.800 tấn, nhưng đến nay, rõ ràng con số này là một chỉ tiêu… không tưởng.
“Trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện còn 12 xã giáp ranh khu vực miền núi, cây vải thiều được trồng trên nền nhiệt độ thấp hơn. Tổng diện tích trồng vải ở khu vực này ước tính đạt khoảng 4.000ha. Chúng tôi hy vọng khu vực này sẽ không mất mùa, kèm theo các biện pháp khắc phục khác, phấn đấu vụ vải chính đạt được từ 40-50% năng suất so với mọi năm” - ông Huy nhận định.
Vội vàng chặt vải, trồng cam thay thế
Khi cây vải “gặp hạn”, nhiều hộ nông dân tại xã Hồng Giang đã ngay lập tức tính đến chuyện… chuyển đổi cây trồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Lưu hiện nay chỉ còn khoảng 100 gốc vải.
Cách đây hơn chục ngày, ông Lưu đã quyết định chặt hạ gần một nửa diện tích vải của mình để thay thế bằng 200 gốc cam. Tương tự, nhìn vườn vải chỉ tua tủa đâm lộc, ông Giáp Văn Kiệm cũng “xóa sổ” hơn 5 sào vải với tổng số lên tới khoảng 150 gốc đã có tám năm tuổi.
Khi chuyển đổi cây trồng, hầu hết nông dân đều chọn những gốc cam đã lớn, chỉ một năm sau đã cho thu hoạch. Cái lợi ấy có thể nhìn thấy trước mắt, nhưng liệu có lâu bền?
Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, ông Tăng Văn Huy thông tin: “Lãnh đạo huyện Bắc Giang chỉ đạo giữ diện tích trồng vải ở con số 16.000ha vì đây là thế mạnh của Lục Ngạn. Những giống cây như cam, bưởi được trồng trên cả nước và rất khó để Lục Ngạn có thể cạnh tranh với những vùng cam nổi tiếng như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình”.
Trong khi đó, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam khẳng định, động thái này của người nông dân là quá vội vàng. Bởi theo ông Hùng, không phải ngẫu nhiên mà vải Lục Ngạn khẳng định được thương hiệu, vị trí của mình ở thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chuyện mất mùa với cây vải không xảy ra thường xuyên và không ai dám chắc khi chuyển đổi cây trồng sẽ chắc thắng. “Phải mất hàng chục năm để một cây vải cho thu hoạch nên nếu không tính toán đúng, nông dân có thể sẽ chịu những tổn thất nặng nề” - ông Hùng lo ngại.
Ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, trong chuyện manh nha “chặt vải, trồng cam”, có cả lỗi của chính quyền khi chưa khuyến cáo kịp thời, sâu sát để nông dân thấy được lợi ích lâu dài hơn. Ông Hùng cũng cho rằng, trong trường hợp đối diện với mất mùa, thiệt hại nặng nề, cần phải có những biện pháp để hỗ trợ người dân.
Trước mắt, phải hỗ trợ về kinh tế để người dân duy trì cuộc sống, duy trì giống cây quý của Lục Ngạn, giống như nhiều địa phương đã từng hỗ trợ nông dân khi cây lúa bị ngập mặn. Về lâu dài, cần nghiên cứu vấn về giống, các biện pháp kỹ thuật để thích ứng được với biến đổi khí hậu.
Thực tế, chuyển đổi cây trồng theo phong trào đã từng mang lại nhiều “trái đắng” cho nhà nông. Bên cạnh nhận thức của người làm nông, ông Hùng cho rằng, chính quyền các cấp chưa có chính sách rõ ràng để người dân tin, lắng nghe những lời cảnh báo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ kịp thời khi gặp khó để người dân vượt khó, thay vì chạy theo những lợi ích trước mắt.
Advertisement
Advertisement