Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Lỗ 20 tỷ trong quý đầu, Thiên Long kỳ vọng lãi năm 2020 chỉ bằng 2/3 mức năm ngoái

Doanh nghiệp

24/06/2020 16:45

Thiên Long đã có một năm 2019 khá thành công khi doanh thu và lãi ròng đều tăng trưởng hai con số nhờ cân đối tài chính tốt. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang khiến doanh nghiệp hàng đầu về văn phòng phẩm này thận trọng và có phần khiêm tốn.

Công ty CP Tập đoàn Thiên Long vừa tiến hành Đại hội cổ đông 2020 vào ngày 24/6. Cuộc họp năm nay, ngoài việc thông qua báo cáo tài chính năm 2019 và chốt kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020, Thiên Long còn có thay đổi mới về nhân sự HĐQT.

Lãi tăng 19% nhờ tài chính cân đối 

Năm 2019, Tập đoàn Thiên Long ghi nhận 3.252 tỷ đồng doanh thu thuần bán hàng, vượt chỉ tiêu được đề ra và tăng gần 14% so với năm ngoái. Lãi ròng cao hơn mức kỳ vọng của hội đồng cổ đông 24 tỷ đồng, đạt 349 tỷ đồng, tăng gần 19% so với lợi nhuận năm 2019.

Nhờ đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng khá đáng kích lệ từ 3.444 đồng lên 4.084 đồng. Theo đó, tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt lên đến 20%, tức hơn 360 tỷ đồng.

Nhìn chung, việc cân đối tài chính của tập đoàn này rất đáng nể. Giá vốn bán hàng chỉ nhích nhẹ hơn 300 tỷ đồng, tỷ lệ giá vốn/doanh thu vẫn quanh mức 63%. Các chi phí hoạt động cũng rất ổn định. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 15,7% và 4,7%. Ngoài ra, chi phí tài chính và các loại chi phí khác ghi nhận tình trạng cắt giảm.

HĐQT Thiên Long giải thích, các chỉ số tài chính ổn định trên là hệ quả của quá trình tự động hoá. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ tự động hóa tại các nhà máy của Thiên Long đã được nâng lên 77% so với 75% vào cuối năm 2018. Nhờ vậy, năng suất lao động chung của tập đoàn này được cải thiện mạnh. Bên cạnh đó, HĐQT cho biết, các loại nguyên vật liệu chính tiếp tục được Thiên Long phát triển để “chủ động hơn về chất ượng, giá thành và công nghệ sản xuất”.

Năm ngoái, bộ phận sản xuất mực đáp ứng được gần 60% tổng nhu cầu sử dụng mực của toàn tập đoàn. Doanh nghiệp này đã đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, đáp ứng nhu cầu gia tăng sản lượng tiêu thụ. Hiện tại, kênh phân phối của Thiên Long có hơn 65.000 điểm bán lẻ (POS), phủ khắp 63 tỉnh, thành.

Với thị trường xuất khẩu, năm ngoái Thiên Long tiếp tục đẩy mạnh bán hàng với nước ngoài, doanh thu đạt 510 tỷ đồng, con số tăng trưởng 21,4% so với năm 2018. Bên cạnh một số thị trường tăng trưởng cao như Philippines, Indonesia, Myanmar, HĐQT cho biết tập đoàn bắt đầu phát triển được các thị trường Trung Đông.

Thương mại điện tử là một trong những mảng mà HĐQT rất kỳ vọng. Trong năm 2019, trang bán hàng FlexOffice.com đã hình thành mối liên kết với 4 sàn thương mại điện tử lớn, gồm Shopee, Tiki, Sendo, Lazada. Tập đoàn này đã thuộc Top Partner Best in Stationery & Craft và Top Nhà bán hàng Uy tín được Lazada và Shopee gợi ý.

Một “chú rồng” khiêm tốn trong năm nay

Thế nhưng sang năm nay, Thiên Long lại đưa ra các chỉ tiêu tài chính cơ bản đi lùi dù tình hình kinh doanh năm 2019 vẫn rất khá. Doanh thu thuần mà hội đồng cổ đông đề ra chỉ 2.800 tỷ đồng, bằng 86% thực tế năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng khoảng 220 tỷ đồng, chỉ bằng 2/3 mức lãi năm 2019.

Tuy nhiên, HĐQT vẫn hứa hẹn sẽ cố gắng chia cổ tức theo tỷ lệ 20%.

Chủ tịch HĐQT Cô Gia Thọ cho biết, trong giai đoạn cao điểm COVID-19, trường học tạm thời đóng cửa đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thiên Long phải tiến hành tái cơ cấu lại, tận dụng các thế mạnh như thương hiệu, hệ thống phân phối để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng Thiên Long rất có thể sẽ “tịt đường” xuất ngoại. Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tâm chia sẻ: “Tôi cũng mong dịch bệnh đi qua và các nước dỡ bỏ giãn cách xã hội. Chúng tôi hiện có ký một số hợp đồng và đang triển khai xuất hàng vào cuối năm đến các thị trường Nhật Bản và châu Âu”.

Thế nhưng, tập đoàn này vẫn rất lạc quan về riêng khu vực Đông Nam Á. Nếu tình hình được kiểm soát tốt và lệnh phong toả được bãi bỏ, ông Tâm dự đoán nhu cầu thị trường sẽ rất lớn. Và Thiên Long vẫn tự tin kế hoạch xuất khẩu năm nay không thấp hơn năm ngoái.

Thiên Long chịu ảnh hưởng khá nặng khi các trường học và văn phòng đóng cửa phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thiên Long Group
Thiên Long chịu ảnh hưởng khá nặng khi các trường học và văn phòng đóng cửa phòng dịch COVID-19. Ảnh: Thiên Long Group

So với năm 2019, kế hoạch của “chú rồng” văn phòng phẩm này có phần khá khiêm tốn và “lo xa”. Tuy nhiên, nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2020, các chỉ số trên phần nào hợp lý. Doanh thu thuần về bán hàng trong 3 tháng đầu năm đạt 468 tỷ đồng, gần bằng 1/5 chỉ tiêu cả năm. Đáng lưu ý, lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 20 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng còn lại, Thiên Long phải tìm cách lãi được 240 tỷ đồng mới có thể hoàn thành chỉ tiêu được hội đồng cổ đông phê duyệt.

Tuy nhiên, trong tài liệu trình hội đồng cổ đông, HĐQT Thiên Long có lưu ý: “Do diễn biến khó lường của dịch bệnh, trường hợp diễn biến dịch thay đổi, công ty sẽ điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với thực tế kinh doanh tại từng thời điểm cụ thể”.

Trong ĐHCĐ sáng nay, đại hội đồng xem xét thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Trần Kim Thành. Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960, được bổ nhiệm vào HĐQT Tập đoàn Thiên Long từ năm 2008. Tính đến ngày 31/12/2019, ông đang nắm giữ 42.900 cổ phiếu TLG. Ông Kim Thành còn được biết đến với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO, Chủ tịch Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm đông lạnh KIDO,…

Thế vị trí trống, HĐQT giới thiệu ông Phạm Tri Nguyên, sinh năm 1959 làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021. Ông Tri Nguyên đang được biết đến là Chủ tịch Vnexus Capital Adivisors từ năm 2018 đến nay. Vị này cũng là cựu Phó Chủ tịch HĐQT Bitexco Group giai đoạn 2014-2017 và Tổng giám đốc Deutsche Bank AG Vietnam giai đoạn 2007-2014.


TẤT ĐẠT
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement