13/11/2019 08:56
LIX: Kết quả kinh doanh tốt, cổ phiếu vẫn đi xuống
Công ty cổ phần Bột giặt Lix thông báo đạt kết quả kinh doanh tích cực, nhưng giá cổ phiếu LIX của Công ty dao động trong vùng đáy 1 năm qua.
Dự kiến vượt 19% kế hoạch lợi nhuận 2019
Quý III/2019, LIX ghi nhận doanh thu 663 tỷ đồng, tăng 16,11%; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 60,13 tỷ đồng và 48,12 tỷ đồng, đều tăng 25,4% so với quý III/2018.
LIX cho biết, trong quý III, doanh thu tăng 91 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, giá vốn hàng bán tăng 52,07 tỷ đồng do giá cả nguyên vật liệu đầu vào giảm…, giúp lợi nhuận tăng 9,75 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của LIX đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 7,2%; lợi nhuận trước thuế đạt 164,4 tỷ đồng, tăng 17,2%, so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, sau 3 quý, Công ty đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và 92% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2019.
Ngày 9/11, Hội đồng quản trị LIX đã ra Nghị quyết số 19 thông qua kết quả kinh doanh quý III/2019 và 9 tháng năm 2019, đồng thời đề ra kế hoạch kinh doanh quý IV.
Theo đó, LIX kỳ vọng, doanh thu quý cuối năm đạt 600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng. Nếu đạt mục tiêu, Công ty sẽ thực hiện vượt 2% kế hoạch doanh thu và vượt 19% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2019.
Chi phí gia tăng, giá cổ phiếu đi xuống
Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng và kỳ vọng thực hiện vượt mục tiêu đặt ra cả năm, song trên thị trường, giá cổ phiếu LIX vẫn đang ở vùng đáy trong 1 năm qua, dao động quanh mức 41.000 đồng/cổ phiếu, giảm trên 14% so với mức 48.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu năm.
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động 9 tháng đầu năm 2019 của LIX là chi phí gia tăng. Cụ thể, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 14,8%, 34,5% và 21,5%.
Đặc biệt, giá dầu tăng làm cho chi phí nguyên vật liệu chính là chất hoạt động bề mặt LAS (chiếm tỷ trọng 85,8% trong chi phí nguyên vật liệu của LIX) được chiết xuất từ dầu mỏ tăng theo. Bên cạnh đó, các nguyên liệu chính của LIX (chất hoạt động bề mặt LAS, hương liệu…) đa phần được nhập khẩu từ nước ngoài, khiến biến động tỷ giá cũng là vấn đề nhà đầu tư lưu tâm.
Giai đoạn 2015 - 2018, LIX ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu kép hàng năm (CAGR) đạt 7,9%, trong đó doanh thu chất tẩy rửa dạng lỏng có xu hướng tăng dần và hiện đóng góp tỷ trọng cao nhất (chiếm 51,6%), doanh thu từ mảng bột giặt giảm dần do xu hướng chung của người tiêu dùng có sự chuyển dịch từ nhóm sản phẩm dạng bột sang dạng nước.
Thị trường chính của LIX chủ yếu là thị trường nội địa, với 48,9% doanh thu đến từ kênh truyền thống và 31,8% doanh thu đến từ kênh siêu thị.
Theo đó, kênh phân phối đang có xu hướng chuyển dịch: kênh bán hàng truyền thống giảm dần tỷ trọng và kênh siêu thị, gồm 12 hệ thống siêu thị lớn như Coop Mart, Big C, Vinmart… được đẩy mạnh.
LIX hiện giữ vị trí thứ 3 về thị phần trong ngành, sau hai doanh nghiệp lớn của nước ngoài là Unilever (với thương hiệu OMO, Suft, Viso) và P&G (với thương hiệu Tide và Ariel). Các dòng sản phẩm của LIX sản xuất tập trung vào thị trường ở nông thôn với phân khúc là người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 51% cổ phần LIX. Theo lộ trình thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Vinachem sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại LIX xuống 36%. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2019, Ban lãnh đạo LIX cho biết, quá trình thoái vốn nhà nước diễn ra theo đúng kế hoạch, song thời điểm thoái vốn chưa được công bố.
Đầu tháng 10/2019, cổ đông ngoại của LIX là PYN Elite Fund đã quyết định bán toàn bộ gần 1,7 triệu cổ phiếu (tương đương 5,18% vốn điều lệ).
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp